Hướng tới Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ngày 18 tháng 5, loạt bài viết này giới thiệu những tấm gương nhà khoa học tiêu biểu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam được trao giải thưởng cao nhất trong lĩnh vực này - Giải thưởng Hồ Chí Minh. Bài viết này giới thiệu chân dung hai nhà khoa học được trao giải thưởng cá nhân, giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ đợt 2 năm 2000 và đợt 3 năm 2005. 

1. Chân dung nhà khoa học Đào Thế Tuấn

Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn sinh năm 1931 mất năm 2011 tại TP Huế, nguyên quán huyện Thanh Oai, Hà Nội. Giáo sư là một trong những nhà nghiên cứu đầu ngành về nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Nghiên cứu đầu tiên của Giáo sư Đào Thế Tuấn là về đạm, với kết quả là phương pháp biến lân thành đạm qua việc bón lân cho bèo hoa dâu và điền thanh. Kết quả này đã được trình bày ở Hội nghị khoa học Bắc Kinh năm 1963 và hai cuốn sách là cuốn “Phân supe lân và cách sử dụng” và cuốn “Các biện pháp nâng cao hiệu suất phân hoá học”. Sau đó, trong điều kiện bệnh vàng lụi lan rộng ở miền Bắc, Giáo sư đã tổ chức nhóm nghiên cứu để xác định nguyên nhân gây bệnh và phát hiện ra rằng vàng lụi là bệnh virus do rầy xanh đuôi đen là vectơ truyền bệnh. Từ đó Giáo sư Đào Thế Tuấn và cộng sự đã chú ý tìm các giống kháng bệnh, đề xuất biện pháp canh tác phù hợp như bón kali, làm cỏ sục bùn để hạn chế bệnh. Kết quả nghiên cứu đã phát hiện các giống tẻ trắng Tây Bắc, 813, I1, A10 có khả năng kháng bệnh vàng lụi. Từ năm 1965, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Đào Thế Tuấn nghiên cứu sinh lý của ruộng lúa năng suất cao với việc phân tích quá trình quang hợp, dinh dưỡng khoáng, một bước phát triển mới của phương pháp tiếp cận hệ thống. Kết quả nghiên cứu này đặt cơ sở cho việc thâm canh lúa đạt 10 tấn/ha vào những năm 70 của thế kỷ trước và được tổng kết trong cuốn Sinh lý của ruộng lúa năng suất cao. Từ năm 1970, Giáo sư cùng cộng sự tổ chức nghiên cứu cơ sở sinh lý của việc chọn giống năng suất cao, từ đó chọn lọc và lai tạo được nhiều giống lúa mới như: giống lúa NN75-10 (X1) chịu bệnh bạc lá; giống lúa cực ngắn CN2, cho phép làm vụ mùa sớm, mở rộng vụ đông; giống lúa CR203 chịu rầy nâu, giống lúa chịu phèn V14 và V15... Ngoài ra là các giống ngô số 6, giống S1 ngắn ngày và giống ngô nếp S2; các giống đậu tương AK02 và AK03…

Cuối những năm 70 của thế kỉ XX, Giáo sư Đào Thế Tuấn tổ chức nghiên cứu hoạt động của hệ sinh thái nông nghiệp, triển khai việc nghiên cứu hệ thống canh tác của các vùng sinh thái khác nhau, nhất là các vùng sinh thái khó khăn như vùng chiêm trũng, vùng phèn mặn, vùng lúa nước trời thường gặp hạn. Từ đầu năm 1980, Giáo sư quan tâm đến tiếp cận hệ thống trong khoa học nông nghiệp. Từ việc nghiên cứu hệ thống ruộng lúa tiến đến nghiên cứu hệ thống cây trồng rồi hệ thống nông nghiệp. Giáo sư Đào Thế Tuấn khởi xướng và chủ trì hợp tác với Viện Khoa học nông nghiệp Pháp trong chương trình Hệ thống nông nghiệp lưu vực sông Hồng. Các kết quả nghiên cứu về lĩnh vực này đã được tổng kết trong cuốn “Hệ sinh thái nông nghiệp” là sách giáo khoa đầu tiên về sinh thái học nông nghiệp. Cuối thập kỉ 80 của thế kỉ XX, Giáo sư nghiên cứu hệ thống nông nghiệp với sự kết hợp nghiên cứu kỹ thuật và kinh tế - xã hội, nghiên cứu về các thể chế nông thôn, nhất là thể chế kinh tế hộ nông dân. Giáo sư Đào Thế Tuấn cũng đặc biệt quan tâm đến việc áp dụng các đòn bẩy kinh tế trong việc tổ chức nghiên cứu khoa học và đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng như cải cách kinh tế của các nước, mô hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp cũng như nghiên cứu các vấn đề kinh tế hộ, chuỗi giá trị, thể chế trong phát triển nông thôn...

Với tài năng và công hiến của mình, Giáo sư Đào Thế Tuấn đã được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Liên Xô năm 1985; Giáo sư nhận nhiều giải, phần thưởng quốc tế như Huân chương Công trạng nông nghiệp và Huân chương cành cọ Hàn lâm của Pháp năm 1991; Giải thưởng quốc tế René Dumont dành cho các nhà nông học các nước đang phát triển năm 2003; Huân chương Bắc đẩu bội tinh của Chính phủ Pháp. Đảng và nhà nước Việt Nam trao tặng Giáo sư nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Công trình "Công nghệ sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Hồng” năm 2005; Anh hùng Lao động thời kì đổi mới năm 2000; Huân chương Hồ Chí Minh năm 2002… Đầu năm 2023 thành phố Hà Nội đã đặt tên một tuyến phố mang tên Đào Thế Tuấn tại quận Long Biên để tôn vinh những cống hiến của Giáo sư.

2. Chân dung nhà khoa học Vũ Tuyên Hoàng

Giáo sư, viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng sinh ngày 2 tháng 12 năm 1938, mất ngày 26 tháng 2 năm 2008, quê quán phường Thái Hà, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

leftcenterrightdel
 Chân dung nhà khoa học Vũ Tuyên Hoàng

 

Thành tựu nổi bật của Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng là trong lĩnh vực tạo giống cây trồng mới. Giáo sư đã tạo hàng trăm giống lúa mới, năng suất cao hơn, chống chịu sâu bệnh và thích nghi với điều kiện sinh thái từng vùng. Điển hình là: Các giống thâm canh NN-75-1, NN75-6, Xuân số 2, Xuân số 5, N13, C15, N28, N29, 1548, MT6, Các giống chịu hạn cho vùng bị hạn hay vùng không chủ động tưới nhờ nước trời  như CH2, CH3, CH133 có khả năng chịu hạn cao; Các giống chịu nước sâu và ngập úng như  U14, U17, U20, C10 là các giống có cây cao, chịu ngập lụt; Chọn tạo giống lúa mới trong nước và nhập nội giống. Trong lĩnh vực này, giáo sư được cấp 27 bằng sáng chế về giống mới, trong đó có 18 sáng chế về giống cây lúa và 9 sáng chế về các giống khoai lang, khoai tây, cà chua, táo, ổi… và là nhà khoa học tiên phong trong nghiên cứu công nghệ sinh học gắn với biến đổi khí hậu từ rất sớm.

Ngoài ra, Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng còn có thành tích lớn trong tổ chức và ứng dụng khoa học trong sản xuất thực tiễn. Giáo sư đã sắp xếp lại cơ cấu giống thích hợp cho Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, miền Bắc và Nam trung bộ; Tạo ra một cuộc đổi mới sản xuất lúa trong toàn quốc; Xây dựng các kỹ thuật cải tạo đất chua, mặn, góp phần tăng năng suất lúa; Tăng cường dùng phân hữu cơ, giảm phân hóa học; Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sạ khô, sạ ngầm; Tăng vụ đông xuân ở vùng lúa nổi, đất phèn ở phía Nam; Cơ giới hóa và thủy lợi hóa cho các vùng trồng lúa; Thực hiện phòng trừ tổng hợp cho lúa chống sâu bệnh có hiệu quả; Xây dựng các vùng thâm canh cao sản lúa trên toàn quốc; Đặc biệt là công trình “Chọn tạo các giống lúa mới cho một số vùng sinh thái”.

Không những vậy, Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng còn có nhiều đóng góp trong công tác Đảng, quản lý nhà nước, quản lý các tổ chức khoa học, công nghệ và dân sự. Giáo sư là Ủy viên BCH Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII và VIII trong 24 năm (1982-2006); Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các khoá VIII, XI và XII kéo dài 14 năm (không liên tục) (1987-1997 và 2007-2011). Đồng thời, Giáo sư giữ gần 20 chức vụ quản lý trong quản lý nhà nước, quản lý chuyên môn, trong đó giữ chức vụ Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khóa IV và V; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Việt Nam từ năm 1989 đến năm 1993. Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng cũng có nhiều đóng góp quốc tế với chức vụ Chủ tịch Trung tâm phát triển nông thôn các nước Châu Á –Thái Bình Dương từ năm 1992, Chủ tịch Ủy ban khoa học nông nghiệp Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ 3 từ năm 1999 (gồm 76 quốc gia)...

Bằng tài năng, cống hiến của mình, Giáo sư Vũ tuyên Hoàng đã được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học nông nghiệp Liên xô từ năm 1988 đến năm 1991, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học nông nghiệp Liên bang Nga từ 1992 và Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ 3, từ năm 1994. Giáo sư được nhận nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp năm 1987, Chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp và CNTP năm 1991, Anh hùng lao động thời kì đối mới năm 2020; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ cho Công trình chọn, tạo các giống lúa mới cho một số vùng sinh thái năm 2000; Giải thưởng lúa quốc tế Fukui International Koshihikari Rice Prize về giống lúa mới cho một số vùng sinh thái và tạo giống lúa năm 1998.

 

Một số dấu ấn về các nhà khoa học tiêu biểu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ

Thứ nhất: Ngoài các nhà khoa học Bùi Huy Đáp, Lương Định Của, Đào Thế Tuấn, Vũ Tuyên Hoàng nhận giải thưởng Hồ Chí Minh cá nhân về khoa học và công nghệ, một số nhà khoa học khác của Học viện cũng nhận giải thưởng cao quý này, nhưng là giải tập thể như Giáo sư Lê Duy Thước, Giáo sư Cao Liêm, PGS Vũ Trọng Hốt... Ngoài ra, trong đội ngũ nhà khoa học thỉnh giảng tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam có một số cá nhân được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ như Giáo sư Nguyễn Xiển, Giáo sư Đỗ Tất Lợi, Giáo sư Vũ Công Hoè.

Thứ hai: Cả hai cá nhân nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đều công tác tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đó là Giáo sư Bùi Huy Đáp, Giáo sư Lương Định Của. Bốn nhà khoa học công tác tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ trong 3 đợt liên tiếp: Đợt 1, năm 1996 – Giáo sư Bùi Huy Đáp, Giáo sư Lương Định Của; Đợt 2, năm 2000 – Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng; Đợt 3, năm 2005 – Giáo sư Đào Thế Tuấn.

Thứ ba: Cả 4 Giáo sư đều là cán bộ giảng dạy và nghiên cứu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam với tư cách là Nhà giáo, Nhà khoa học; trong đó 3 Giáo sư là Giáo sư Bùi Huy Đáp, Giáo sư Lương Định Của, Giáo sư Đào Thế Tuấn thuộc lớp cán bộ đầu tiên của Học viện. Về chức danh, Giáo sư Bùi Huy Đáp giữ chức danh lãnh đạo cao nhất tại Học viện - Giám đốc Học viện; Giáo sư Lương Định Của giữ chức danh Phó giám đốc Học viện; Giáo sư Đào Thế Tuấn giữ chức danh Trưởng bộ môn (kiêm trưởng Phòng); Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng giữ chức danh Trưởng bộ môn.

Thứ tư: Có hai Giáo sư là viện sĩ – Giáo sư Đào Thế Tuấn, Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng; trong đó Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng là viện sĩ của nhiều tố chức quốc tế, đồng thời giữ nhiều chức danh lãnh đạo của các tổ chức quốc tế hơn; cả hai giáo sư đều nhận được các giải thưởng quốc tế, trong đó Giáo sư Đào thế Tuấn có nhiều phần thưởng quốc tế hơn. Có ba giáo sư là Anh hùng lao động – Giáo sư Lương Định Của, Giáo sư Đào Thế Tuấn, Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng. Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng giữ nhiều trọng trách lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như nhiều tổ chức khác của Việt Nam nhất trong số 4 giáo sư.

Thứ năm: Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng và Giáo sư Đào Thế Tuấn đều sinh quán, quê quán tại Hà Nội và đều được sinh ra trong các gia đình trí thức nổi tiếng. Cả hai Giáo sư đều có người cha đẻ nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đó là Giáo sư Vũ Ngọc Phan (cha đẻ Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng), Giáo sư Đào Duy Anh (cha đẻ Giáo sư Đào Thế Tuấn). Các cặp cha con đều nhận giải thưởng Hồ Chí Minh trong hai lĩnh vực khác nhau: Cha nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật – con nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ. Cả hai cặp cha con đều nhận giải thưởng Hồ Chí Minh cách nhau 1 đợt – Giáo sư Vũ Ngọc Phan nhận đợt 1, năm 1996, Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng nhận đợt 2, năm 2000; Giáo sư Đào Duy Anh nhận đợt 2, năm 2000, Giáo sư Đào Thế Tuấn nhận đợt 3, năm 2005.

Thứ sáu: Là hai Nhà khoa học đầu tiên nhận giải thưởng Hồ Chí Minh và là lãnh đạo đầu tiên của Học viện, Giáo sư Lương Định Của và Giáo sư Bùi Huy Đáp đều có công trình mang tên và có tượng đặt trong khuôn viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Giáo sư Lương Định Của có tượng đài tại thành phố quê hương, đồng thời có nhiều tuyến phố mang tên tại một số thành phố của Việt Nam, trong đó có Thủ đô Hà Nội; giáo sư Bùi Huy Đáp có hai tuyến tại hai thành phố mang tên mình; Giáo sư Đào Thế Tuấn đã có tuyến phố tại thành phố Hà Nội mang tên, trong khi Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng chưa có tuyến phố của bất cứ thành phố nào tại Việt Nam mang tên. Riêng tại Hà Nội, không chỉ Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng, Giáo sư Bùi Huy Đáp cũng chưa có tuyến phố mang tên. Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang đề xuất các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội chọn các tuyến phố phù hợp đặt theo tên của hai Giáo sư.  

 

Ban CTCT&CTSV