Cây đan sâm có tên khoa học là: Salvia multiorrhiza Bunge, thuộc họ Bạc Hà có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Đan sâm được dùng như bài thuốc làm giãn động mạch vành, lưu thông máu, hạn chế nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra, đan sâm là một vị thuốc bổ cho phụ nữ, phụ nữ chưa chồng da vàng, ăn uống thất thường, chữa tử cung xuất huyết, kinh nguyệt không đều, đau bụng, các khớp xương sưng đau.
Cây đan sâm được biết đến là một trong những loại cỏ sống lâu năm, cao khoảng 30 – 80cm, toàn thân có lớp lông màu vàng và trắng nhạt. Rễ của cây đan sâm có hình trụ, đường kính khoảng 0,5-1,5cm, màu đỏ nâu.
Lá cây đan sâm là lá kép, mọc. Lá kép có cuống dài, cuống lá chét ngắn có dìa. Lá chét dài 2-7,5cm, rộng 0,8-5cm. Mép lá chét có răng cưa tù. Trên mặt lá có gân xanh, chia phiến lá thành nhiều múi nhỏ.
Hoa đan sâm mọc thành chùm ở đầu cành hay kẽ lá, chùm hoa dài 10-20cm. Hoa mọc vòng, mỗi vòng 3-10 hoa thường là 5 hoa. Hoa có tràng màu xanh tím nhạt, 2 môi, môi trên trông nghiêng hình lưỡi liềm, môi dưới xẻ 3 thùy, thùy giữa có răng cưa tròn.
Cây dược liệu đan sâm có khả năng chữa nhiều căn bệnh nguy hiểm
Đan sâm là cây thuốc quý trong y học cổ truyền. Người xưa có câu “Nhất vị đan sâm, cộng đồng tứ vật thang”, nghĩa là một vị đan sâm công dụng bằng bốn vị: đương quy, địa hoàng, xuyên khung, bạch thược - vốn là bài thuốc bổ huyết kinh điển của Đông y. Bên cạnh đó, các nghiên cứu dược lý hiện đại cũng cho thấy đan sâm đặc biệt tốt cho tim mạch. Để thu hoạch được rễ đan sâm trồng trên đồng ruộng thì phải mất tới hai năm bằng phương pháp hữu tính và nhân công lao động cũng đã làm cho giá thành tăng lên đáng kể. Ngoài ra, việc điều khiển các loại dịch bệnh, tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật hoặc kim loại nặng cũng là một vấn đề khó khăn. Mặt khác, hàm lượng sản phẩm mục tiêu phụ thuộc nhiều vào điều kiện sinh thái, trồng trọt dẫn đến không ổn định. Nuôi cấy rễ tơ cảm ứng nhờ vi khuẩn Agrobacterium rhizogenes để thu nhận các hợp chất có hoạt tính sinh học là một giải pháp hiệu quả, có thể khắc phục được những hạn chế của phương pháp nhân giống truyền thống, đồng thời có những ưu điểm vượt trội như nâng cao hàm lượng hoạt chất mục tiêu, chủ động quá trình sản xuất, tối ưu hóa quy trình chiết xuất hợp chất mục tiêu. Nhận thấy tác dụng to lớn của Đan sâm trong việc chữa bệnh cho con người, nhóm nghiên cứu của bộ môn CNSH Thực vật, Khoa Công nghệ Sinh học đã bước đầu hoàn thiện được qui trình nhân nuôi qui mô lớn phục vụ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất dược liệu và xây dựng qui trình chiết các hoạt chất có hoạt tính sinh học từ sinh khối rễ in vitro.