Hiện nay, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang phát triển nhanh chóng trên thế giới. Theo kết quả điều tra của FiBL-IFOAM-SOEL, năm 2020 có 190 quốc gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích trên 74,9 triệu ha (Willer & cs., 2022). Cùng với xu hướng phát triển chung của thế giới, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam cũng đang mở rộng và phát triển nhanh. Theo số liệu của FiBL, diện tích canh tác hữu cơ của Việt Nam tăng nhanh từ 43 nghìn ha năm 2014 lên hơn 63,5 nghìn ha năm 2020, nằm trong nhóm 10 quốc gia có diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất Châu Á (Willer & cs., 2022). Bên cạnh đó, nhiều diện tích đang trong quá trình chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang canh tác hữu cơ. Xu hướng mở rộng sản xuất hữu cơ đã đặt ra nhu cầu phát triển nguồn phân bón hữu cơ sạch và giàu dinh dưỡng.
|
|
Hình 1. Cây bèo hoa dâu (Azolla Pinnata) |
Cây bèo hoa dâu (Azolla Pinnata R. Br.) đã được biết đến từ lâu là nguồn phân bón hữu cơ giàu đạm do mối quan hệ cộng sinh với vi khuẩn lam (Anabeana-Azollae). Hơn nữa, bèo hoa dâu sinh trưởng sinh khối rất nhanh, có thể tăng gấp đôi diện tích che phủ chỉ trong 5 đến 10 ngày (Brouwer & cs., 2015). Sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón có ưu điểm: (1) Giá thành thấp, tận dụng được năng lượng mặt trời, nitơ khí quyển và nước sẵn có trong tự nhiên; (2) Sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo, không gây ô nhiễm môi trường; (3) Hàm lượng đạm cao và còn chứa các dinh dưỡng khác như canxi, phốt pho, kali, sắt, đồng và magiê; (4) Phân bèo hoa dâu cải thiện độ phì đất bằng cách tăng chất hữu cơ trong đất, cải thiện cấu trúc của đất (Kollah & cs., 2015). Do đó, bèo hoa dâu là nguồn phân bón giàu dinh dưỡng, có thể sử dụng trong phát triển nông nghiệp hữu cơ.
|
|
Hình 2a, b. Thu bèo và phơi bèo làm nguyên liệu ủ phân |
|
|
Hình 3a, b. Ủ bèo và phân bèo hoa dâu sau ủ |
Ở Việt Nam, trước khi phân đạm hóa học tổng hợp được sử dụng phổ biến, bèo hoa dâu được trồng nhiều trên ruộng lúa làm phân bón. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nhiều nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật sử dụng loài cây này làm phân bón cho sản xuất rau hữu cơ. Do đó, việc nghiên cứu sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón có thể thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam.
|
|
Hình 4a,b. Các thí nghiệm trên cây rau mồng tơi |
|
|
Hình 5a,b. Các thí nghiệm trên cây dưa chuột |
Đề tài cấp Học viện do TS. Vũ Duy Hoàng - giảng viên bộ môn Canh tác học, khoa Nông học chủ trì cùng với nhóm nghiên cứu đã đánh giá khả năng sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón cho sản xuất rau mồng tơi (Basella alba L.) và cây dưa chuột (Cucumis sativus L.), hai loại rau phổ biến ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các công thức bón phân bèo hoa dâu (12, 16 và 20 tấn/ha) làm tăng rõ rệt sinh trưởng (chiều dài thân, số lá, kích thước lá) và chỉ tiêu sinh lý (diện tích lá, chất khô tích lũy), chỉ tiêu năng suất và chất lượng rau của cây mồng tơi và cây dưa chuột so với đối chứng không bón phân, công thức bón phân chuồng ủ (16 tấn/ha) và bón bột đậu tương (1 tấn/ha). Năng suất cao nhất đạt được ở công thức bón 16 và 20 tấn/ha phân bèo hoa dâu đối với cây rau mồng tơi và ở công thức bón 20 tấn/ha phân bèo hoa dâu đối với cây dưa chuột. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, có thể sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón giàu dinh dưỡng thay thế cho các nguồn phân bón khác trong sản xuất rau hữu cơ.
TS. Vũ Duy Hoàng – Khoa Nông học
Ban Khoa học Công nghệ