\r\n Trong những năm vừa qua ở Việt Nam liên tục có nhiều giống lúa mới ra đời nhưng ít giống thực sự được phổ biến rộng và tồn tại bền vững. Vì vậy, các nhà khoa học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu áp dụng những công nghệ tiên tiến sẵn có trên thế giới để cải thiện năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh và chất lượng các giống lúa phổ biến mà lâu nay đã được người dân chấp nhận.

\r\n

\r\n Đây là một cách tiếp cận hợp lý dễ đem lại hiệu quả cao mà những nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới vẫn thường áp dụng.

\r\n

\r\n Từ năm 2011 đến nay, một nhóm các nhà nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam (trước đây là Đại học Nông nghiệp Hà Nội) cùng các nhà khoa học Nhật Bản từ Đại học Kyushu và Đại học Nagoya, đã tiến hành dự án nghiên cứu cải tiến một số giống lúa đã tồn tại phổ biến ở Việt Nam thay vì chọn tạo ra giống lúa hoàn toàn mới. Đó là dự án Phát triển cây trồng cải tiến cho trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam, theo kế hoạch sẽ kết thúc vào năm 2015, với mục tiêu cụ thể là xây dựng hệ thống chọn giống lúa bằng việc ứng dụng chỉ thị phân tử, sinh lý - sinh thái để chọn ra các giống lúa thích nghi với điều kiện trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam. Đầu tiên là những nghiên cứu từ Nhật Bản nhằm xác định các gene mục tiêu như ngắn ngày, năng suất cao, kháng bạc lá và kháng rầy râu, tiếp theo là lai quy tụ các gene vào các giống lúa ở miền Bắc Việt Nam như IR24, Khang Dân 18, sau đó sử dụng hệ thống chọn lọc kiểu gene công nghệ cao (high throughput genotyping) và nhân nhanh thế hệ tại Sóc Trăng. Sau khi đánh giá kiểu hình, các nhà khoa học tiến hành những nghiên cứu về sinh lý và khả năng thích ứng với các điều kiện sinh thái khác nhau, rồi chọn các dòng triển vọng để tiến hành xây dựng quy trình canh tác phù hợp và hợp tác với các địa phương để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân.

\r\n

\r\n Qua dự án này, phía Việt Nam khai thác được đáng kể năng lực công nghệ của Nhật Bản trong ứng dụng chọn giống và canh tác lúa, nhằm hiện đại hóa và rút ngắn thời gian chọn giống mới, lĩnh vực mà Nhật Bản có thế mạnh hàng đầu thế giới. Phía bạn hướng dẫn cho chúng ta kỹ thuật phân tích di truyền (hệ thống genotyping), sinh lý, sinh hóa của cây lúa, và cung cấp những trang thiết bị hiện đại có tính đồng bộ cao cho ba phòng thí nghiệm, như hệ thống tách chiết nhanh DNA và hệ thống phân tích đa gene công nghệ cao của phòng thí nghiệm di truyền và chọn giống lúa, hệ thống kho lạnh của phòng bảo tồn quỹ gene, hệ thống sắc ký lỏng, sắc ký khí, phân tích đạm và cation và hệ thống theo dõi khí tượng của phòng sinh lý năng suất cây trồng, v.v. Ngay cả sơ đồ bố trí, lắp đặt, và quy trình sử dụng, khai thác các thiết bị ở Việt Nam cũng được thực hiện một cách bài bản, hoàn toàn tương đồng với các phòng thí nghiệm hiện đại của Nhật Bản, giúp tối ưu hóa các hoạt động và cho phép các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản dễ dàng thích nghi khi tiến hành các hoạt động hợp tác, trao đổi.

\r\n

\r\n Đã có 16 đợt cán bộ Việt Nam được đào tạo ngắn hạn ở Nhật Bản, bên cạnh đó các chuyên gia Nhật Bản cũng thường xuyên đến Việt Nam để hướng dẫn nghiên cứu. Điều đáng nói là dự án rất chú trọng tới việc tạo điều kiện cho các nghiên cứu sinh tham gia công tác nghiên cứu, qua đó góp phần tạo ra một thế hệ mới các nhà khoa học trẻ là những người sớm có điều kiện tiếp cận công nghệ tiên tiến của thế giới để giải quyết những vấn đề thực tiễn của Việt Nam. Đây là điều mà nhiều dự án hợp tác quốc tế khác trong nghiên cứu ở Việt Nam ít chú trọng đến.

\r\n

\r\n Kết quả và triển vọng

\r\n

\r\n Đến nay, dự án đã xác định được chỉ thị phân tử sử dụng trong chọn giống lúa mang các gene kháng bệnh bạc lá (Xa5, Xa7 và Xa21), các gene liên quan đến năng suất hạt (Gn1, WFP1) các gene kháng rầy nâu (BpH25, BpH26 và TSC3); chọn lọc được hai dòng lúa cải tiến từ giống gốc IR24 là DGC19 và DCG66 trong đó DCG19 có thời gian sinh trưởng ngắn 90-95 ngày, năng suất đạt trung bình 6 tấn/ha. DCG66 có khả năng chịu lạnh, thời gian sinh trưởng trong vụ mùa 100 ngày và năng suất đạt 6,5 tấn/ha; chọn lọc một số dòng lúa cải tiến từ giống lúa Khang dân 18 (KD18) có thời gian sinh trưởng rút ngắn 10-15 ngày và có năng suất tương đương với giống KD18, một số dòng Khang dân 18 có năng suất vượt 10-15% và có khả năng kháng bệnh bạc lá, kháng rầy nâu.

\r\n

\r\n Với kết quả nghiên cứu như vậy, dự án đã xây dựng mô hình canh tác các dòng chọn lọc với diện tích 1ha tại Thái Nguyên và 1ha tại Lào Cai, đồng thời tập huấn cho 200 nông dân ở mỗi tỉnh về kỹ thuật trồng lúa. Mặc dù chú trọng vào mục tiêu ứng dụng trong thực tiễn, nhưng qua dự án, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã công bố được hàng chục bài báo khoa học trong nước và hai bài trên các tạp chí quốc tế ISI, tất cả đều là những bài do các nhà khoa học Việt Nam đứng tên đầu.

\r\n

\r\n Từ những kết quả và triển vọng khả quan của dự án, nhóm nghiên cứu cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam và Nhật Bản nên tiếp tục tiến hành nhiều nội dung hợp tác khác, như hợp tác cải tiến kiểu gene liên quan đến các tính trạng khác của cây lúa như chịu mặn, chịu ngập; chọn giống và xây dựng hệ thống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; hợp tác cải tiến kiểu gene các cây rau, hoa, cây ăn quả; nghiên cứu phát triển cơ giới hóa sản xuất và chế biến các sản phẩm có giá trị từ cây trồng. 

\r\n

\r\n

\r\n

\r\n PGS. TS Phạm Văn Cường cùng nhóm cộng sự tại một cánh đồng trồng lúa KD 18 cải tiến tại Lào Cai

\r\n

\r\n