Chiều ngày 11/10/2021, Khoa Kinh tế và phát triển nông thôn tổ chức seminar trực tuyến với chủ đề “Bảo hiểm nông nghiệp và vai trò của chính phủ - Cơ sở lí luận và kinh nghiệm quốc tế” do TS. Phạm Thanh Lan – thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và Quản lý tài nguyên môi trường trình bày. Buổi seminar do PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng – Bí thư chi bộ, phó trưởng Khoa Kinh tế và PTNT là chủ tọa với sự tham gia của PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền – Trưởng Khoa Kinh tế và PTNT, TS. Nguyễn Hữu Nhuần – Phó trưởng Khoa Kinh tế và PTNT, cùng đông đảo cán bộ giảng viên và nghiên cứu viên trong Khoa.
|
|
TS. Phạm Thanh Lan trình bày seminar về bảo hiểm nông nghiệp - Ảnh Nguyễn Thị Huyền Châm VNUA |
Nông nghiệp là một ngành đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ nhanh và cường độ mạnh hơn so với dự báo. Bảo hiểm là một trong các biện pháp để quản lý rủi ro. Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) xuất hiện ở các nước phát triển từ hàng trăm năm trước, tuy nhiên đến nay mới chỉ 1/3 các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình triển khai loại hình này. Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2011-2013, BHNN được thực hiện thí điểm tại 20 tỉnh, thành phố tuy nhiên số lượng nông dân tham gia bảo hiểm còn ít và BHNN chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong doanh thu của các công ty bảo hiểm. Để phát triển thị trường BHNN rất cần sự điều hành và các chính sách hỗ trợ của chính phủ. BHNN đem lại lợi ích cho các bên tham gia. Đối với người nông dân, BHNN giúp ổn định thu nhập, tăng khả năng tiếp cận tài chính và đầu tư nông nghiệp chất lượng cao. Đối với công ty bảo hiểm, BHNN tạo dòng thu nhập mới và giúp gắn kết các đối tác mới trong lĩnh vực nông nghiệp. Đối với chính phủ, BHNN giảm bớt gánh nặng cứu trợ thiên tai, dịch bệnh, góp phần ổn định đời sống người dân, hỗ trợ chính sách giảm nghèo và các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Lý thuyết kinh tế chỉ ra rằng BHNN là một loại thị trường không đầy đủ với hai đặc điểm là rủi ro cao và chi phí giao dịch cao. Các rủi ro trong nông nghiệp như thời tiết, dịch bệnh, sự bất ổn của thị trường đầu vào và đầu ra, sự thiếu hụt nguồn cung lao động, rủi ro tài chính và sự thay đổi của thế chế, chính sách thường có cường độ ảnh hưởng từ trung bình đến cao. Và khi rủi ro xảy ra thì rất khó để đánh giá mức độ thiệt hại. Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, sản xuất nông nghiệp có sự tham gia của một lượng lớn các hộ quy mô nhỏ và hiểu biết về BHNN còn hạn chế. Do vậy, có rất ít các công ty bảo hiểm tư nhân tham gia vào thị trường và nếu tham gia các công ty thường đặt ra mức phí bảo hiểm cao để bù đắp chi phí giao dịch và tính rủi ro cao. Mức phí bảo hiểm cao khiến người ít rủi ro và có khả năng tài chính kém sẽ không tham gia. Đây chính là hiện tượng lựa chọn ngược, và mâu thuẫn với bản chất của bảo hiểm là dựa trên số đông, người rủi ro ít chia sẻ cho người rủi ro cao. Như vậy, để khuyến khích các công ty bảo hiểm và người nông dân tham gia thị trường, các chính phủ trước tiên cần tạo dựng khuôn khổ pháp lý cho loại hình bảo hiểm nông nghiệp và thực hiện các chính sách hỗ trợ như xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp và thời tiết, trợ cấp phí bảo hiểm cho người nông dân, trợ cấp phí quản lý và hoạt động của các công ty bảo hiểm, thực hiện vai trò tái bảo hiểm, trong một số trường hợp quy định bắt buộc nông dân phải tham gia BHNN.
Trong bài trình bày, TS. Phạm Thanh Lan đã tổng kết kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về triển khai BHNN bao gồm Trung Quốc, Zambia, Kenya, Rwanda và Tanzania. Diễn giả cũng đã khái quát về tổ chức bộ máy tham gia BHNN ở Việt Nam, một số văn bản quy phạm pháp luật về BHNN đồng thời giới thiệu ba sản phẩm BHNN đang được thực hiện ở Việt Nam bao gồm bảo hiểm chỉ số năng suất lúa gạo, bảo hiểm chăn nuôi (trâu, bò) và bảo hiểm thủy sản (tôm sú, tôm thẻ) và phân tích một số hạn chế của các sản phẩm bảo hiểm này. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam, bài trình bày đề xuất một số gợi ý chính sách về vai trò của chính phủ trong điều hành và hỗ trợ phát triển BHNN: Xây dựng cơ sở pháp lý chặt chẽ để đảm bảo tính hiệu lực của hợp đồng BHNN và thiết kế các chính sách hỗ trợ phù hợp đối tượng người nông dân, đặc điểm sản phẩm nông nghiệp và đặc trưng của từng địa phương; Chính phủ cần tăng cường vai trò tái bảo hiểm, vì các rủi ro thiên tai dịch bệnh thường xảy ra trên diện rộng, các doanh nghiệp tư nhân khó có nguồn lực tài chính để thực hiện bồi thường; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về thời tiết, dự báo thời tiết, quy trình kĩ thuật; BHNN phải kết hợp với thực hành nông nghiệp tốt và các giải pháp khác để hạn chế rủi ro; Đánh giá một cách hệ thống tác động của trợ cấp phí BHNN và xem xét chỉ hỗ trợ cho đối tượng phù hợp; Khuyến khích hợp tác công tư trong BHNN, tăng cường sự tham gia của BH tư nhân đối với rủi ro phi hệ thống và người sản xuất lớn; Hỗ trợ nông dân sản xuất nhỏ tham gia BHNN thông qua tổ chức trung gian phù hợp; Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người nông dân về rủi ro, lợi ích của bảo hiểm và tập huấn đối với cán bộ thực thi chính sách hỗ trợ BNNN.
|
|
Chủ tọa PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng và TS. Nguyễn Hữu Nhuần trong phiên thảo luận - Ảnh Phạm Thanh Lan (VNUA) |
Tại phiên thảo luận, TS. Nguyễn Hữu Nhuần đã chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với tổ chức GIZ trong thiết kế sổ tay cung cấp kiến thức về BHNN cho người nông dân và làm rõ các khó khăn khi phát triển BHNN ở Việt Nam. TS. Nguyễn Thị Minh Thu cung cấp một ví dụ về thực trạng bảo hiểm cây lúa ở Thái Bình. TS. Nguyễn Thị Thu Quỳnh đề cập đến sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức cho các đối tượng hưởng lợi khác từ BHNN ví dụ người tiêu dùng và vấn đề chia sẻ trách nhiệm trong phát triển BHNN. Chủ tọa PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng đã kết luận rằng phát triển BHNN trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang gặp phải nhiều thách thức, các bài học kinh nghiệm thành công còn hạn chế. Vì vậy, BHNN tiếp tục là một chủ đề mang tính thời sự và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, rất cần sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học nhằm cung cấp những thông tin tin cậy, các khuyến nghị và giải pháp hữu ích góp phần thực hiện thành công BHNN ở Việt Nam.
Khoa KT&PTNT