Hội thảo Hành trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ THPT tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng chiều 28/3 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên, học sinh địa phương. Sự kiện do Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng tổ chức.

Phát triển văn hoá khởi nghiệp trong học sinh

Hội thảo trở thành cột mốc quan trọng, đặc biệt là đối với học sinh lớp 12, khi mở ra một lộ trình mới hướng tới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Không chỉ là một sự kiện, đây còn là diễn đàn giáo dục thiết thực, trang bị cho các em những công cụ cần thiết để tự tin đối mặt với tương lai.

Những chia sẻ từ các giảng viên, chuyên gia và doanh nhân thành đạt đã truyền cảm hứng, động lực cho học sinh, giúp các em nhận ra tiềm năng của bản thân, xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng hơn. Đây không chỉ là một buổi học, mà còn là một bước đệm quan trọng giúp các em tự tin bước vào cuộc sống.

leftcenterrightdel
 Hội thảo tạo ra môi trường tương tác sôi nổi để các em học sinh tìm hiểu về khởi nghiệp, sáng tạo

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phan Văn Giáp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng khẳng định: "Nhằm giúp học sinh phát triển tư duy độc lập, sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề, từ năm học 2023–2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo Hành trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ trung học phổ thông dành cho 100% học sinh lớp 12 và giáo viên chủ nhiệm lớp 12 trên địa bàn tỉnh.

Năm nay, hai đơn vị tiếp tục phối hợp tổ chức hội thảo với mục tiêu xây dựng môi trường học tập sáng tạo, khuyến khích học sinh tham gia vào hoạt động khởi nghiệp, đồng thời giúp các em phát triển những kỹ năng cần thiết để tự tin bước vào xã hội.

Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh có thể biến những ý tưởng của mình thành hiện thực thông qua những chương trình đào tạo, cuộc thi, cơ hội kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

leftcenterrightdel
 Học sinh đặt câu hỏi tại hội thảo

Hội thảo này là một trong những hoạt động nhằm phát triển văn hóa khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong học sinh góp phần tạo nên một cộng đồng khởi nghiệp mạnh mẽ trong cả nước. Chúng tôi hy vọng rằng, sau hội thảo này, các em học sinh sẽ có thêm động lực để tiếp tục sáng tạo, học hỏi và dám thử sức mình trong các lĩnh vực khởi nghiệp”.

Nắm bắt cơ hội, chinh phục thành công

“Khởi nghiệp từ những ý tưởng ban đầu tưởng như rất đơn giản nhưng sẽ có giá trị ươm mầm, nuôi dưỡng, phát triển trong tương lai. Khởi nghiệp hôm nay sẽ là nền tảng cho mai sau. Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi đã ươm mầm, nuôi dưỡng, phát triển nhiều ý tưởng khởi nghiệp từ các em học sinh THPT, khi các em trở thành sinh viên của Học viện thì những ý tưởng ấy lại được tiếp tục phát triển ở cấp độ cao hơn, có thể trở thành hành trang cho các em sau khi tốt nghiệp đại học và bước vào cuộc sống”, TS. Nguyễn Công Tiệp, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết.

Tại hội thảo, PGS.TS Bùi Thị Nga, giảng viên cao cấp khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ với học sinh về nhu cầu nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Theo PGS.TS Bùi Thị Nga, công nghệ đã cách mạng hóa bức tranh việc làm, đòi hỏi người lao động cần trang bị những kỹ năng mới để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Cụ thể, bà Nga chỉ ra rằng, ngoài kiến thức chuyên môn, người lao động cần có kỹ năng số, tư duy phản biện và khả năng thích ứng linh hoạt. Đây là những yếu tố then chốt giúp họ tồn tại và phát triển trong một thị trường lao động đầy biến động, cạnh tranh.

Trong kỷ nguyên số, kết nối và chia sẻ mở ra cánh cửa khởi nghiệp đầy tiềm năng cho sinh viên. Họ có thể tận dụng lợi thế này để xây dựng các dự án sáng tạo, kết nối với nhà đầu tư và khách hàng, biến ước mơ thành hiện thực.

PGS.TS Bùi Thị Nga khẳng định, với nguồn lực dồi dào, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tự tin đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu kỷ nguyên số. Học viện chú trọng trang bị kỹ năng khởi nghiệp thiết yếu, giúp sinh viên tự tin bước vào thị trường lao động.

Trong bối cảnh thị trường lao động số hóa, việc trang bị kiến thức và kỹ năng số trở thành yêu cầu thiết yếu cho học sinh, sinh viên. Đây là nền tảng vững chắc để các em nắm bắt cơ hội và xây dựng tương lai thành công. Đồng thời, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò then chốt, giúp thế hệ trẻ khẳng định bản thân và đóng góp tích cực cho xã hội.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho học sinh THPT

Tại chương trình, TS. Dương Văn Nhiệm, khoa Thú Y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chia sẻ chi tiết về các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đa dạng và hiệu quả mà Học viện đã và đang triển khai. Các cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức thường xuyên không chỉ là sân chơi để sinh viên thể hiện ý tưởng sáng tạo mà còn là cơ hội để họ nhận được sự đánh giá và góp ý từ các chuyên gia.

leftcenterrightdel
Hội thảo trang bị kiến thức cần thiết cho học sinh về khởi nghiệp 

Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo khởi nghiệp được thiết kế bài bản, cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết để sinh viên biến ý tưởng thành hiện thực. Đặc biệt, Học viện xây dựng mạng lưới kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận nguồn lực và cơ hội hợp tác.

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đặc biệt quan tâm đến công tác khởi nghiệp.

Từ năm 2014 đến nay, Học viện đã tổ chức 9 cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp, thu hút 1.300 dự án tham gia từ hàng trăm trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông, các địa phương (trong đó trên 50% dự án là của sinh viên Học viện). Đặc biệt, nhiều ý tưởng, dự án đã phát triển thành các doanh nghiệp có vị trí trong cộng đồng thanh niên khởi nghiệp và có nhiều đóng góp cho xã hội.

Chi tiết thông tin theo dõi tại: https://www.vnua.edu.vn/khoinghiep

https://tuoitrethudo.vn