Ngày 25/6/2021, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội đồng đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện cấp cơ sở nhiệm vụ: “Chọn tạo giống lúa japonica phù hợp với chế biến dầu cám gạo tại Việt Nam”, do GS.TS. Phạm Văn Cường, Khoa Nông học làm chủ nhiệm. Đây là một trong hai nhiệm vụ thuộc Chương trình Hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương về khoa học và công nghệ đến năm 2020 do Học viện thực hiện được Bộ Khoa học Công nghệ phê duyệt và Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia quản lý. PGS.TS. Phạm Bảo Dương, Phó Giám đốc Học viện phụ trách KHCN cùng với đại diện các Ban: HTQT, KHCN, khoa Nông học, Trung tâm Nghiên cứu cây trồng Việt Nam – Nhật Bản cũng đã có mặt tham dự cuộc họp của Hội đồng.
Nhiệm vụ: “Chọn tạo giống lúa japonica phù hợp với chế biến dầu cám gạo tại Việt Nam” với thời gian thực hiện từ 2019-2021 và hợp tác với Khoa Nông nghiệp, Đại học Kyushu, Nhật Bản nhằm mục tiêu nghiên cứu tuyển chọn được dòng lúa japonica triển vọng phục vụ chế biến dầu cám gạo nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lúa gạo ở Việt Nam.
Sau hai năm thực hiện, nhiệm vụ hoàn thành tất cả các nội dung nghiên cứu được phê duyệt và đã đạt được các kết quả, sản phẩm nghiên cứu đề ra bao gồm: Dòng lúa japonica triển vọng DCG93 (đã đăng ký khảo nghiệm VCU dòng lúa triển vọng, Đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới đối với giống lúa DCG93); Quy trình canh tác giống lúa DCG93, Quy trình tách chiết dầu thô từ cám gạo, 01 bài báo quốc tế và 01 bài trong nước. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn, có tính ứng dụng cao, dễ áp dụng trong sản xuất: Dòng lúa triển vọng DCG93 cùng với các quy trình canh tác lúa và quy trình chế biến dầu thô tiết kiệm đầu vào, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dễ thực hiện, có hiệu quả cao. Sản phẩm dầu thô tách chiết theo quy trình cải tiến đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn ban hành.
Với sự hỗ trợ, tư vấn và trao đổi kinh nghiệm, đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực di truyền và chọn giống cây trồng của Trường Đại học Kyushu, nhóm thực hiện nhiệm vụ đã đạt được kết quả thành công trong chọn tạo giống lúa mới bằng cách kết hợp giữa chọn lọc kiểu hình và chọn lọc bằng chỉ thị phân tử, rút ngắn thời gian so với chọn giống truyền thống mà vẫn đảm bảo được mục tiêu quy tụ nhiều gene vào một giống ban đầu. Giống lúa mới (DCG93) mang các gene mục tiêu là vỏ lụa dày và phôi to nhưng vẫn giữ được các tính trạng nông sinh học mong muốn như năng suất cao, thời gian sinh trưởng tương đương với giống gốc. Nhóm chuyên gia về công nghệ thực phẩm của Nhật Bản đã nhiệt tình phối hợp, tư vấn kịp thời, tập huấn từ xa để nhiệm vụ hoàn thành công việc trong bối cảnh dịch bệnh Covod-19 kéo dài và cán bộ Học viện không thể sang Nhật Bản trực tiếp học kinh nghiệm từ phía bạn.
Các thành viên Hội đồng đánh giá đánh giá cao kết quả đã đạt được và thông qua kết quả nghiệm thu cấp cơ sở của nhiệm vụ. Nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện các báo cáo theo góp ý của Hội đồng để trình Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu cấp quốc gia theo quy định.
Ban HTQT