\r\n Trong khuôn khổ Chương trình trao đổi sinh viên Đông Nam Á (ASEAN International Mobility for Students Programme – AIMS), đoàn cán bộ Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (ĐHNNHN) gồm đại diện Ban Quản lý đào tạo và Phòng Hợp tác quốc tế đã tham dự cuộc họp sơ kết lần 7 chương trình AIMS được tổ chức ngày 08 – 09/5/2014 tại Đại học Philippine Diliman, Manila, Philippines.
\r\n
\r\n Tại cuộc họp, TS. Chantavit Sujatanond – cố vấn đặc biệt của SEAMEO RIHED đã trình bày thông tin cập nhật tổng quan về chương trình AIMS, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các cơ hội thúc đẩy AIMS, đó là sự ủng hộ của chính phủ các nước thành viên, diễn đàn đa phương, tính linh hoạt và trọn vẹn, sự hòa nhập khu vực, ngành học trao đổi được xác định và tốc độ lớn mạnh về số lượng thành viên trong 02 năm qua. Tính đến năm 2013, AIMS đã kết nạp 60 trường thành viên ASEAN và Nhật Bản, triển khai trao đổi cho 670 sinh viên (đạt 149% so với cùng kỳ năm 2012). Báo cáo cũng đề cập đến các giải pháp cho những vấn đề tồn đọng, thách thức, tăng cường năng lực quản lý và sự bền vững của AIMS. Tiếp sau bài phát biểu của SEAMEO RIHED, bộ giáo dục của 6 trong 7 quốc gia thành viên gồm Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Nhật Bản và Phillippines (vắng mặt Việt Nam) lần lượt báo cáo tổng kết tình hình trao đổi sinh viên ở nước mình, đánh giá chung về những điểm tích cực, hạn chế và đề xuất giải pháp cho các vấn đề tồn đọng. Cuộc họp cũng dành toàn bộ buổi chiều cho các bộ giáo dục và SEAMEO RIHED trao đổi về các chủ điểm cho phiên họp tổng thể, quản lý và phát triển chương trình AIMS, địa điểm tổ chức các cuộc họp sơ kết năm 2015.
\r\n
\r\n Trong hai ngày thảo luận và chia sẻ ý tưởng về định hướng, nội dung tập huấn và các giải pháp thu hút cũng như quản lý sinh viên trao đổi, các trường đại học tham gia có nhiều cơ hội tiếp cận, trao đổi thông tin chung về trường và nhu cầu trao đổi sinh viên với đối tác chiến lược của mình. Tuy nhiên, kết quả hợp tác song phương và đa phương với những đối tác mới (không phải là đối tác truyền thống) trên thực tế không cao do những rào cản nhất định như mặt bằng trình độ đào tạo, chương trình đào tạo, chuyển đổi tín chỉ, lịch biểu năm học không tương thích; sự khác biệt ngôn ngữ và văn hóa; thiếu hụt ngân sách cho hoạt động trao đổi hoặc mức sinh hoạt ở nước ngoài cao.
\r\n
\r\n Trên cơ sở quan hệ đối tác AIMS được xây dựng năm 2012 với Trường ĐH Sriwijaya, Trường ĐH Sebelas Maret (Indonesia), Trường ĐH Tsukuba (Nhật Bản) năm 2013 và thảo luận tại cuộc họp AIMS7, ĐHNNHN sẽ tiếp tục nhận 05 sinh viên Indonesia nhập học kỳ 1 (năm học 2014-2015) chương trình tiên tiến ngành khoa học cây trồng. Với mong muốn được tiếp nhận sinh viên từ Trường ĐHNNHN, Trường ĐH Sriwijaya và Trường ĐH Tsukuba đã nhất trí đưa ra những chính sách hỗ trợ cụ thể để giảm tải khó khăn về chi phí trao đổi cho sinh viên ĐHNNHN. ĐHNNHN kỳ vọng sẽ cử được sinh viên của Trường tham gia trao đổi tại các trường bạn trong năm học tới, giảm tình trạng phát triển AIMS một chiều và mất cân đối.
\r\n
\r\n
\r\n
\r\n
\r\n
\r\n Góc trung tâm cuộc họp AIMS7
\r\n