Nếu bác sỹ là người khám bệnh cho con người thì ngành xã hội học “đóng vai trò tương tự như một bác sỹ theo dõi cơ thể sống xã hội tiến tới giải phẫu các mặt, các lĩnh vực khác nhau trên bề mặt cắt của nó từ tầm vĩ mô đến vi mô, kể cả khi xã hội đó thăng bằng cũng như khi mất thăng bằng để chỉ ra trạng thái thật của xã hội đó, phát hiện ra những vấn đề xã hội, dự báo khuynh hướng phát triển của xã hội, và chỉ ra những giải pháp có tính khả thi”
Xã hội học là gì?
Xã hội học (sociology) là một ngành học còn khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng trên thế giới, xã hội học có lịch sử lâu đời và được coi trọng, đặc biệt tại các nước phát triển. Theo trang web JobsRated.com: Xã hội học xếp ở vị trí thứ 8 trong số 10 nghề tốt nhất ở Mĩ, còn Hiệp hội XHH Mĩ cho rằng: “Được đào tạo chính quy về xã hội học có thể là tài sản quan trọng để bước chân vào đủ loại ngành nghề”.
Môn xã hội học được đưa vào giảng dạy tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam từ năm 1994. Từ năm 2009 Khoa được phép tuyển sinh đại học hệ chính quy ngành Xã hội học. Năm 2017, Khoa Lý luận chính trị và xã hội tiếp tục tuyển sinh ngành Xã hội học, theo đó, điểm trúng tuyển sẽ được xét theo từng ngành căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì; Thời gian đăng ký xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Xã hội học - một nghề đa dạng về môi trường công việc
Với những kiến thức xã hội học được trang bị một cách chuyên nghiệp, sinh viên ngành xã hội học có thể giải mã được những hiện tượng xã hội đa dạng.
Sinh viên ngành xã hội học ra trường có thể làm nghiên cứu viên ở các viện nghiên cứu, làm giảng viên xã hội học tại các cơ sở đào tạo cao đẳng, đại học, sau đại học; làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị hành chính – sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, thậm chí là cả trong những bộ phận liên quan đến quan hệ đối ngoại, quan hệ xã hội, quan hệ công chúng của các tổ chức kinh tế, toà báo, doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ... Tại mỗi vị trí làm việc, sinh viên đều có thể phát huy kiến thức xã hội học của mình trên cơ sở gắn kết với thực tiễn (yêu cầu cụ thể của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà mình làm việc). Dù làm việc ở đâu, con mắt xã hội học cũng thường xuyên đem lại cho bạn những bất ngờ khi “thám hiểm” xã hội xung quanh ta.
Triển vọng phát triển nghề nghiệp:
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ở các doanh nghiệp (bộ phận nhân sự, tổng hợp, nghiên cứu thị trường…), các cơ quan chính quyền (cơ quan văn hóa thông tin, lao động thương binh xã hội…), các tổ chức đoàn thể (Tổ chức Mặt trận, Công đoàn, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên…), các tổ chức tư vấn, phát triển cộng đồng, các trung tâm công tác xã hội… hoặc giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng, tham gia công tác ở các viện nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn.