Từ một học sinh trường làng nghèo, bằng ý chí, nghị lực phi thường, TS Chu Đình Tới, SN 1983, đã chinh phục các đỉnh cao tri thức trong môi trường quốc tế đầy cạnh tranh, trở thành 1 trong 25 nhà khoa học trên thế giới nhận được học bổng sau Tiến sĩ của chương trình Học giả Marie Curie danh giá về Y học của Liên minh Châu Âu.
Nỗ lực vượt khó
TS Chu Đình Tới trước đây học ở trường cấp 3 Bất Bạt, một ngôi trường làng ở huyện Ba Vì, Hà Nội. Năm 2001, anh là 1 trong 13 học sinh trong tổng số 300 học sinh cấp 3 của trường Bất Bạt đỗ đại học, và là 1 trong 2 người đỗ 2 trường ĐH năm đó. Anh đỗ Đại học Kinh tế Quốc dân và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Anh chọn Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chuyên ngành Thú y. Khi đó, giấc mơ lớn nhất của anh là đỗ đại học, có một công việc ổn định để thoát nghèo, chưa bao giờ nghĩ đến mình sẽ đi du học. Nhưng rồi, bằng nỗ lực, khát khao chinh phục đỉnh cao tri thức, Chu Đình Tới dần chinh phục hàng loạt học bổng Thạc sĩ rồi TS ở trời Âu, trở thành một trong những nhà nghiên cứu khoa học uy tín thế giới.
Sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Chu Đình Tới từ chối cơ hội ở lại làm giảng viên của trường, ứng tuyển vào một công ty liên doanh với mức lương mơ ước, với mục đích sớm giúp bố mẹ cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, làm việc được thời gian ngắn, anh quyết định nhận lời mời về làm giảng viên tại ĐH Sư phạm Hà Nội. Cũng từ đây, cuộc đời anh trải qua những bước ngoặt lớn. Anh bước vào công cuộc săn học bổng. Mất 2 năm mày mò tìm hiểu thông tin trên mạng cũng như kinh nghiệm từ bạn bè, năm 2009, chàng trai làng Chu Đình Tới chinh phục học bổng toàn phần Đại học Ulsan Hàn Quốc với chương trình tích hợp Thạc sĩ - Tiến sĩ về miễn dịch ung thư và bệnh thải bỏ mảnh ghép.
Tuy nhiên, năm 2010, trong thời gian học Thạc sĩ, bố anh do tuổi già và vết thương tái phát nên ốm nặng tưởng chừng như không qua khỏi, anh Tới xin chuyển sang lấy bằng Thạc sĩ để về nước sớm chăm sóc bố.
Trong thời gian về Việt Nam làm việc và chăm sóc bố, anh tiếp tục săn học bổng Tiến sĩ. Cùng một lúc anh xuất sắc chinh phục được 3 học bổng Tiến sĩ toàn phần tại các nước: Ba Lan, Bỉ, Singapore. Anh quyết định chọn đất nước Ba Lan, dưới sự hướng dẫn của GS người Mỹ Leslie Kozak nổi tiếng thế giới tại Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan cơ sở Oslztyne và trường Đại học Y Bialystok.
Giọt nước mắt của vị GS đáng kính
Những tháng ngày làm nghiên cứu sinh trên đất nước Ba Lan là quãng thời gian thử thách khắc nghiệt nhất nhưng cũng đầy vinh quang đối với chàng trai trẻ Chu Đình Tới. “6 tháng đầu làm nghiên cứu sinh, tôi tưởng mình phải bỏ cuộc giữa chừng. Tôi nhập học muộn hơn các bạn nửa kỳ, lại là người châu Á duy nhất trong nhóm nghiên cứu toàn các bạn đến từ châu Âu, châu Mỹ; không có nền tảng bài bản và ngoại ngữ tốt. Bạn bè trong nhóm nghiên cứu nhìn tôi với con mắt thấp kém, coi tôi như một công nhân khoa học. Thậm chí, có bạn còn nói thẳng với tôi: “Tới sẽ không tốt nghiệp tiến sĩ được”, anh Tới kể lại.
Tuy nhiên, vượt lên tất cả, Chu Đình Tới âm thầm nỗ lực từng ngày, từng giờ, khẳng định bản thân mình trước bạn bè quốc tế. “Ngày nào, tôi cũng làm trong phòng thí nghiệm; nếu như các bạn 4 giờ chiều đã ra về, tôi làm đến 6 giờ tối. Tôi cũng là một trong 2 người của cả Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan ở Oslztyne lên phòng thí nghiệm làm việc vào ngày thứ 7, chủ nhật. Người thứ 2, không ai khác đó là Giáo sư hướng dẫn của tôi. Chứng kiến những nỗ lực của tôi, Giáo sư rất thương và dành sự tin tưởng rất lớn đối với tôi”, TS Chu Đình Tới kể lại.
Sau 2,5 năm làm nghiên cứu sinh, Chu Đình Tới là người có bài báo quốc tế đầu tiên trong nhóm nghiên cứu và đăng hẳn trên một trong những tạp chí danh giá nhất thế giới về hóa sinh có tên The Journal of Biological Chemistry (Q1, SCI, h index = 469). Và anh cũng là người tốt nghiệp TS đầu tiên của cả nhóm 5 nghiên cứu sinh sau hơn 3 năm làm nghiên cứu sinh, những bạn đến từ châu Âu, châu Mỹ tốt nghiệp từ 3-6 tháng sau đó.
Ngày bảo vệ luận án Tiến sĩ của học trò Chu Đình Tới, GS hướng dẫn Leslie Kozak đã bật khóc nói trước Hội đồng: “Tôi không nghĩ Tới tốt nghiệp TS. Tới giống như một nhà leo núi, một nhà thám hiểm mạo hiểm về tri thức, sẵn sàng đi từ Việt Nam sang Hàn Quốc rồi sang Ba Lan để chinh phục các đỉnh cao tri thức”.
Truyền lửa đam mê
Tốt nghiệp TS, chàng trai đến từ đất nước Việt Nam nhận được nhiều lời mời làm việc tại Mỹ, Anh và các nước châu Âu khác. Tuy nhiên, anh chọn đến Nauy làm việc tại Trung tâm Y học phân tử Nauy, Khoa Y học Đại học Oslo Nauy và Viện nghiên cứu ung thư Nauy, theo chương trình Học giả danh giá Marie Curie về Y học của Liên minh châu Âu. Chương trình Học giả Marie Curie về y học này tài trợ cho những TS Y học xuất sắc trên thế giới được làm việc ở các nước châu Âu hoặc một nước thứ 3 phát triển. Anh là 1 trong 25 nhà khoa học trên thế giới nhận được vị trí này trong đợt đầu của chương trình Học giả Marie Curie với mức tài trợ “khủng”.
Gặt hái những thành công đáng mơ ước ở môi trường quốc tế nhưng tháng 11/2018, TS Chu Đình Tới quyết định trở về Việt Nam, tiếp tục công việc giảng viên tại ĐH Sư phạm Hà Nội và thực hiện những đam mê trong việc truyền lửa nghiên cứu khoa học, cũng như tiếp sức du học cho các bạn trẻ Việt Nam. TS Tới chia sẻ: “Xuất phát điểm thấp từ một học sinh nông thôn, chưa bao giờ nghĩ đến sẽ đi du học và sẽ là giảng viên đại học, làm khoa học, nhưng giờ tôi đã làm được thì chắc chắn các em học sinh, sinh viên khác cũng sẽ làm được.
Từ năm 2011, TS Chu Đình Tới mở các lớp “Tìm kiếm và ứng cử học bổng online”, làm diễn giả về “Con đường du học và con đường dành học bổng”; đồng thời, từ năm 2015, anh viết sách/truyện để hướng dẫn và khích lệ các bạn trẻ đi du học, trong đó có các cuốn sách đã xuất bản là “Hành trang du học”, “Tôi đã đi du học bằng học bổng như thế nào”, “Cẩm nang học tập và làm việc ở nước ngoài”, “Chuyện tình kim chi - Nói yêu em giữa Ulsan lộng gió”... Những việc làm này, TS Tới đã định hướng cho hàng loạt bạn trẻ tìm kiếm con đường du học của mình, và đã giúp cho hơn 50 bạn trẻ dành được các học bổng toàn phần đi du học ở nước ngoài từ bậc Đại học đến Tiến sĩ.
Bên cạnh đó, anh còn tích cực việc thành lập các nhóm nghiên cứu trẻ về Y sinh và Y học, để đào tạo và hỗ trợ các bạn trẻ trong nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế.
TS Chu Đình Tới kể, bài báo đầu tiên đăng trên tạp chí uy tín quốc tế phải mất 8 tháng chờ đợi, trải qua gần 40 lần sửa từ GS hướng dẫn và trải qua 2 vòng phản biện khắt khe từ Hội đồng. Thế nhưng, TS Tới đã cho thấy một tinh thần làm việc miệt mài với gần 40 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí quốc tế, đó là chưa kể đến hàng chục bài báo khoa học trong nước, các đề tài, cuốn sách mà anh đã thực hiện. TS Tới nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2018. |
LƯU TRINH - https://www.tienphong.vn/