Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0): lấy nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa các quy trình, phương thức sản xuất, trong đó,  trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Datta) là những yếu tố cốt lõi, với tính tương tác cao, các công nghệ  có tính đột phá này dự báo sẽ tác động một cách toàn diện đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trong đời sống xã hội, trong đó, lĩnh vực Thư viện - một bộ phận đặc thù trong trường đại học – nơi cung cấp nguồn thông tin - tư liệu (TT-TL) mang tính đầy đủ, toàn diện, có chọn lọc -  cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó.

Trung tâm Thông tin- Thư viện Lương Định Của (TT-TV LĐC), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (HVNNVN) với chức năng phục vụ, đáp ứng nhu cầu TT-TL cho công tác đào tạo và NCKH, chuyển giao công nghệ của Học viện, trong bối cảnh Học viện đang tích cực đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động nhằm thích ứng với CMCN4.0, Trung tâm TT-TV LĐC cũng không ngừng cải tiến, tìm các giải pháp phù hợp để tiếp cận, ứng dụng một cách hiệu quả các kỹ thuật công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng tốt các yêu cầu, định hướng phát triển của Học viện.

Trong những năm qua, hoạt động của Trung tâm TT-TV LĐC đã và đang tập trung hướng đến mục tiêu: xây dựng mô hình Thư viện số,  dựa trên nền tảng công nghệ số hóa, ứng dụng các phần mềm thư viện hiện đại để quản lý, thu thập, lưu trữ, phổ biến và chia sẻ các nguồn tài nguyên điện tử, tài nguyên số, tự động hóa các quy trình nghiệp vụ, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ thông tin đa dạng, đa tiện ích, kết nối đến người dùng trong môi trường không gian thư viện thật và ảo.

Đến nay, về cơ bản, trung tâm TT-TV LĐC đã tạo được các cơ sở vững chắc để hướng đến mục tiêu trên, cụ thể là: 

+ Ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động chuyên môn: sử dụng phần mềm TV điện tử ALEPH với hệ quản trị thư viện tích hợp tiên tiến hàng đầu thế giới để quản lý, tổ chức các CSDL tài nguyên thông tin in/điện tử, quản lý người dùng, các quy trình nghiệp vụ,   tạo các sản phẩm, dịch vụ thông tin trực tuyến chất lượng cao như: tra cứu, đăng ký mượn, tải, gia hạn tài liệu, hỗ trợ tư vấn , chỉ dẫn thông tin…; Áp dụng công nghệ sóng vô tuyến (RFID) trong quản lý kiểm soát lưu thông tài liệu, tự động hóa một số quy trình xử lý thông tin và tìm kiếm, khai thác dữ liệu; Sử dụng các ứng dụng điện tử thông minh như bảng điện tử, smart tivi, fanpages, chat online, email…trong việc truyền tải các thông tin về thư viện, thông báo tài liệu mới..., hỗ trợ bạn đọc sử dụng thư viện hiệu quả; 

+ Phát triển mạnh mẽ nguồn thông tin, tư liệu: kho tài nguyên học tập (sách tham khảo, chuyên khảo, giáo trình, tạp chí chuyên ngành, tài liệu tra cứu…) của Thư viện lên đến > 270,000 bản, đáp ứng được gần 80% nhu cầu tư liệu của giảng viên, sinh viên, cán bộ nghiên cứu; kho tài nguyên điện tử, tài nguyên số phục vụ khai thác trực tuyến được gia tăng hàng năm , hiện thư viện có 1 bộ sưu tập tài liệu số với 12,000 dữ liệu toàn văn về các lĩnh vực chuyên ngành, 9 CSDL quốc tế về sách, tạp chí điện tử như: Springer. Science direct, Cabi, Acess DL, Proquest central, Dasonera, Ebrary…; hơn 500 đĩa CD dữ liệu chuyên đề và rất nhiều các nguồn học liệu mở được chia sẻ từ các tổ chức thư viện trong nước và quốc tế khác, hàng năm, có gần 400,000 lượt tài liệu được mượn và tải về trực tiếp tại thư viện và trên mạng trực tuyến của Học viện; Bên cạnh đó, Thư viện cũng hỗ trợ sinh viên các dịch vụ cung cấp thông tin tư liệu theo yêu cầu thông qua các hình thức: thông báo, gửi thông tin tài liệu mới theo chủ đề bạn đọc yêu cầu qua email, trang cá nhân của bạn đọc, thu thập, bao gói thông tin theo chuyên đề, chủ đề mà bạn đọc cần…;

+ Tham gia các hoạt động liên kết, hợp tác để gia tăng nguồn tài nguyên và  mở rộng phạm vi trao đổi học thuật cho người dùng tin của Học viện: Thư viện là thành viên trong hệ thống mạng thư viện các nguồn tin điện tử Việt Nam, liên hiệp thư viện các trường đại học khu vực phía bắc, khối đại học Kỹ thuật, Nông Lâm Ngư…, thông qua đó, tạo điều kiện để sinh viên, cán bộ Học viện dễ dàng tiếp cận đến các nguồn tư liệu của Thư viện các trường khác, có thể xem và đăng ký mượn/tải các tài liệu cần thiết mà thư viện Học viện không có; song song với các hoạt động đối ngoại, trong Học viện, Thư viện cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động gắn kết với sinh viên như: tổ chức “Ngày hội đọc và trao đổi sách”, cuộc thi “Sinh viên tuyên truyền giới thiệu sách phòng chống ma túy”,  “Tìm hiểu kiến thức cây trồng CNSH bằng bản tin điện tử qua email”…, thông qua đó hướng cho sinh viên đến các đam mê lành mạnh, hữu ích;

+ Phát triển kỹ năng, năng lực khai thác thông tin tư liệu cho cán bộ, sinh viên: hàng năm Thư viện tổ chức hàng trăm lớp hướng dẫn tìm kiếm, nhận diện, khai thác và đánh giá thông tin miễn phí cho sinh viên, học viên, NCS và cán bộ, giảng viên của Học viện; Tất cả sinh viên sau năm học đầu tiên tại Học viện đều được trang bị đầy đủ các kỹ năng khai thác thông tin tài liệu, được tiếp cận và sử dụng thành thạo các trang thiết bị công nghệ hiện đại tại Thư viện, hỗ trợ việc học tập và nghiên cứu sau này;

+ Cải tạo môi trường, điều kiện học tập và nghiên cứu tại Thư viện: Toàn bộ hệ thống phục vụ của Thư viện đã được tổ chức dưới dạng Mở (tự chọn), sinh viên được trực tiếp tiếp cận đến giá sách, tìm tài liệu in trên giá, tra cứu tài liệu điện tử/tài liệu số trên máy tính, photo, sao lưu dữ liệu… cùng một vị trí; Môi trường đọc và nghiên cứu trong thư viện thông thoáng, đủ ánh sáng, điều hòa không khí, cây xanh, Thư viện có không gian đọc tập chung cho số đông và không gian nghiên cứu riêng cho nhóm/cá nhân theo nhu cầu, có phòng tự học, phòng hội thảo trung tâm với trên 80 chỗ ngồi có đầy đủ hệ thống âm thanh và thiết bị phụ trợ; Tại thư viện, bạn đọc được hỗ trợ các phương tiện, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu: Truy cập mạng miễn phí, Tra cứu thông tin trên màn hình cảm ứng, thiết bị tự mượn trả, thiết bị sao chụp (photocopy, scaner), các thiết bị đa phương tiện: tivi kết nối internet (xem phim, video khoa học), máy chiếu (phục vụ việc trình chiếu, trao đổi thảo luận theo nhóm), wifi, đường truyền internet tốc độ cao…; Thư viện mở của phục vụ cả ngày thứ 7 và các buổi tối trong tuần, sinh viên, học viên được đáp ứng một cách linh hoạt các nhu cầu về thời gian cũng như các điều kiện học tập và nghiên cứu tại thư viện;

Với phương châm “Thư viện không nói không với bạn đọc”, tất cả các hoạt động mà thư viện đang và sẽ tiếp tục thực hiện là hướng đến cung cấp cho bạn đọc một phong cách phục vụ chuyên nghiệp với các sản phẩm và dịch vụ thư viện tốt nhất, các phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ tiên tiến nhất, để bạn đọc đạt được sự hài lòng cao nhất khi đến thư viện;

Một số hình ảnh về Thư viện Học viện

Không gian học tập chung trong Kho Mở tầng 2 

Không gian nghiên cứu, thảo luận cho cá nhân/nhóm

Lớp tập huấn kỹ năng tra cứu thông tin trên internet định kỳ

Một góc tra cứu thông tin

Cuộc thi tìm hiểu kiến thức cây trồng CNSH…do Thư viện phối hợp tỏ chức

Sinh viên Học viện tham gia giới thiệu sách phòng chống ma túy 

Sinh viên HV với ngày hội đọc và trao đổi sách

Để nắm bắt và thích ứng toàn diện hơn đến các nội dung cốt lõi của CMCN4.0, đáp ứng được cao hơn yêu cầu và nhu cầu học tập, nghiên cứu của cán bộ, sinh viên Học viện, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục củng cố, hoàn thiện vững chắc nền tảng công nghệ đã có, trung tâm TT-TV LĐC sẽ tiếp tục đầu tư, trang bị các ứng dụng công nghệ mới như: Hệ thống phần mềm tìm kiếm, phát hiện và chuyển giao tài nguyên tập trung (SFX, Primo),  công cụ kiểm soát trích dẫn (ENDNOTE), kiểm soát tính liêm khiết học thuật (Turnitin)...; Để tăng hiệu quả ứng dụng các công nghệ trên, trung tâm cũng sẽ nâng cấp máy chủ, hệ thống lưu trữ, kiểm soát, bảo mật, an toàn hệ thống thông tin, đồng thời chuyển đổi toàn bộ kho tài liệu học tập dạng in sang dạng số để tiến tới mục tiêu xây dựng thư viện số/thư viện ảo trong tương lai, trang bị thêm các công cụ tự động hóa như thiết bị trả tài liệu  24/7 nhằm hỗ trợ sinh viên chủ động trong việc trả tài liệu không cần phụ thuộc vào thời gian mở cửa thư viện; Song song với đó, Thư viện sẽ tiếp tục cải tạo, đổi mới cấu trúc không gian thư viện hợp lý, thân thiện theo hướng truyền cảm hứng, tạo một không gian sáng tạo (makerspace), không gian học thuật tại Thư viện, phù hợp với định hướng phát triển của Học viện và yêu cầu tất yếu của xã hội trong kỷ nguyên CMCN4.0.

Tất cả các đổi mới trên đều nhằm đến mục tiêu đem đến cho người dùng tin của Học viện một “Thư viện thông minh” cho thế hệ người dùng tin thông minh trong kỷ nguyên CMCN4.0,  đáp ứng hiệu quả các hoạt động NCKH, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về nông nghiệp, nông thôn của Học viện NNVN, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp CNH & HĐH đất nước.