Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao bức tranh tặng Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
NDĐT- Sáng 30-9, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Lễ khai giảng năm học mới 2018 - 2019. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Cùng dự, có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan T.Ư; đại sứ đặc mệnh toàn quyền, đại sứ quán một số nước, một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo một số trường đại học cùng gần 6.000 sinh viên mới, khóa 63 và đông đảo các cô giáo, thầy giáo, sinh viên của Học viện.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Phòng truyền thống của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại Lễ khai giảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự nỗ lực phấn đấu trong hơn 60 năm qua của Học viện (tiền thân là Trường Đại học Nông - Lâm, Trường Đại học Nông nghiệp), như đào tạo hàng chục vạn cán bộ khoa học - kỹ thuật và quản lý kinh tế nông nghiệp có trình độ đại học, hàng vạn thạc sĩ và gần 600 tiến sĩ, là một nguồn nhân lực quan trọng, có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu nổi bật của nông nghiệp và nông thôn nước ta trong kháng chiến, kiến quốc trước đây và trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế hiện nay.
Tổng Bí thư nêu rõ, Học viện đã tiên phong trong đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao, gắn với thực tiễn phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; gắn kết với doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cho sinh viên; gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo; đi đầu trong thí điểm tự chủ đại học và xây dựng các cơ chế bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao bình đẳng với đối tượng chính sách. Học viện cũng đã tiên phong trong việc đề xuất cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với giao kinh phí trình Chính phủ thí điểm tổ chức thực hiện từ năm học 2018 - 2019.
Về hoạt động nghiên cứu khoa học, Tổng Bí thư cho rằng, Học viện đã tích cực chuyển giao công nghệ, có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị ứng dụng vào sản xuất như chuyển đổi mùa vụ từ lúa chiêm sang lúa xuân, phát triển cây vụ đông, chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi mới, góp phần làm thay đổi căn bản tập quán sản xuất nông nghiệp từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao...
Khẳng định, giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu và khoa học - công nghệ là then chốt đối với sự phát triển của đất nước, Tổng Bí thư đề nghị các bộ, ngành và Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là tích cực thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp đại học ngày nay không những phải có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi, mà còn phải có những kỹ năng để không bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện… Sinh viên tốt nghiệp đại học phải có năng lực tự chủ và thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng, có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, với gia đình, cộng đồng và đất nước. Cùng với đào tạo chuyên môn, Học viện cần coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho sinh viên; gắn chặt nhiệm vụ đào tạo với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bùng nổ thông tin hiện nay; nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo, chú trọng xác định đúng chuẩn đầu ra và chuyển đổi phương pháp từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học, coi sinh viên là trung tâm của quá trình đào tạo; ứng dụng tối đa công nghệ hiện đại; gắn đào tạo của nhà trường với thực tiễn sản xuất, nhu cầu của xã hội, đặc biệt là có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và khuyến khích hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên. Để đáp ứng được yêu cầu đổi mới đào tạo, các thầy, cô giáo phải chuyển từ vai trò giảng bài sang vai trò hướng dẫn học và phải là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống, phương pháp làm việc và học tập để sinh viên noi theo. Đổi mới mô hình quản trị đại học, thực hiện tự chủ đại học với tinh thần chung là tự chủ hơn về học thuật, chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong khuôn khổ của pháp luật, ít bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính. Tự chủ đại học không có nghĩa là các trường đại học phải "tự túc" hoàn toàn về tài chính. Nhà nước vẫn phải đầu tư để bảo đảm tốt các điều kiện thiết yếu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và các phương tiện phục vụ để nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đối với những ngành nghề và lĩnh vực khó xã hội hoá và đất nước đang rất cần như Nông - Lâm - Ngư nghiệp. Phấn đấu nhanh chóng trở thành một trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp. Học viện cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học - công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học - công nghệ với đào tạo và phục vụ sản xuất, dịch vụ xã hội. Các công trình nghiên cứu của Học viện phải hướng tới "tam nông" (nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh). Trọng tâm nghiên cứu của Học viện là phục vụ yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan các gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Tổng Bí thư đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện tốt nhất để Học viện Nông nghiệp tích cực tham gia vào các chương trình do Bộ chủ trì, đặc biệt là chương trình cơ cấu lại nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đọc diễn văn khai giảng năm học mới, GS- TS Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nêu rõ, năm học vừa qua, hầu hết các em sinh viên xác định đúng đắn mục đích và động cơ học tập, ra sức phấn đấu và rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp. Tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành sau khi ra trường cao hơn 90%. Năm học 2018-2019, Học viện chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là: Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tìm kiếm nguồn lực tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, giảng đường, phòng thực hành, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, nghiên cứu. Nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng thực hành và kỹ năng mềm cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất nông nghiệp. Điều chỉnh chiến lược khoa học công nghệ, chú trọng liên kết với doanh nghiệp, phát huy thế mạnh nghiên cứu của Học viện...
Được biết, qua 62 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã đào tạo hơn 100.000 người tốt nghiệp đại học, hơn 10.000 thạc sĩ và gần 600 tiến sĩ. Từ năm 2015 đến nay, Học viện là một trong những cơ sở giáo dục đại học thực hiện thí điểm tự chủ đại học theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Với quyết tâm đổi mới, Học viện đã không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu xã hội, mở thêm các ngành đào tạo mới đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có nhiều chương trình đào tạo tiên tiến, chất lượng cao, đào tạo theo định hướng nghề nghiệp (POHE). Các nhà khoa học của Học viện đã nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học có giá trị, chuyển giao nhiều sản phẩm khoa học cho các địa phương và doanh nghiệp. Học viện là đơn vị tiên phong trong đổi mới cơ cấu tổ chức, cải tạo cơ sở vật chất, hợp tác chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp nhằm phát huy tối đa các nguồn lực và sử dụng cơ sở vật chất hiệu quả trong quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội.
Nhân dịp này, nhiều doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và cựu sinh viên Học viện về dự lễ khai giảng và trao các suất học bổng cho sinh viên, tạo động lực giúp sinh viên có điều kiện phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện.
Năm 2018, có 35 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tài trợ 35 tỷ đồng để Học viện trao 5.000 suất học bổng. Năm học 2018-2019, Học viện dành 10 tỷ đồng cho hoạt động này.
(BẮC VĂN, Ảnh: ĐĂNG KHOA - nhandan.com.vn)