Trong vài thập kỷ gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển to lớn cả về kinh tế và xã hội, trong đó có sự đóng góp vô cùng quan trọng của tài nguyên nước. Nước là yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lượng thực, an ninh năng lượng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nước có vai trò chủ đạo trong những thành tựu đạt được về sản xuất lúa gạo ở Việt Nam, góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. 


Nước có đóng góp quan trọng trong sự tăng trưởng các sản phẩm cây công nghiệp, như: chè, cà phê, hồ tiêu, mía đường, cao su... Nước đóng góp quan trọng trong sự tăng trưởng sản lượng nuôi trồng thủy sản, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, tạo được nhiều cơ hội về việc làm cho người lao động.


Bên cạnh những đóng góp quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế, xã hội, công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tài nguyên nước của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức: Hơn 2/3 lượng nước trên các hệ thống sông của Việt Nam được hình thành từ ngoài lãnh thổ, trong khi cơ chế, chính sách hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia chưa hiệu quả; Tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước vẫn tiếp tục gia tăng trong khi cơ chế kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, các hoạt động chặt phá rừng chưa hiệu quả cộng với tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước đang ngày càng rõ rệt hơn.

Thiên tai bão, lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập úng, nước biển dâng,... đang ngày càng gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng và phạm vi ảnh hưởng;


Tăng trưởng kinh tế không ngừng dẫn đến nhu cầu nước của các ngành kinh tế-xã hội tăng lên trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến cộng với nguồn nước tiếp tục bị suy thoái, cạn kiệt và cơ sở hạ tầng về tài nguyên nước lạc hậu; Sức ép về dân số và chất lượng cuộc sống tiếp tục gia tăng; Mâu thuẫn, tranh chấp trong sử dụng nước tiếp tục gia tăng; nguồn lực đầu tư cho quản lý, bảo vệ tài nguyên nước không đáp ứng yêu cầu; hệ thống pháp luật về tài nguyên nước còn thiếu đồng bộ và việc triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả như mong muốn.   

Trải hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là cơ sở đầu ngành về lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, thú y và là một trong 19 trường trọng điểm quốc gia có bề dày kinh nghiệm trong đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, quản lý có trình độ cao, nghiên cứu, chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Cơ sở đào tạo có đội ngũ giảng viên có trình độ được đào tạo cơ bản ở nước ngoài hầu như là các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

 


Nhận thức rõ tầm quan trọng sống còn của ngành nước đối với sự phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao về thủy lợi cho đất nước, xuất phát từ thế mạnh về sinh học, nông nghiệp của mình, ngành Kỹ thuật tài nguyên nước thuộc khoa Quản lý đất đai, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trang bị cho sinh viên những kiến thức chuyên môn sâu rộng của ngành để sau khi tốt nghiệp, người kỹ sư có thể đảm nhiệm được tất cả các công việc của ngành kỹ thuật tài nguyên nước như quy hoạch, thiết kế, quản lý, khai thác các công trình thủy lợi.

Sinh viên đi thực tế phục vụ học tập

 

Đồng thời, Học viện trang bị cho người học những kiến thức chuyên sâu, chú trọng đến vận hành, quản lý khai thác các hệ thống thủy nông mặt ruộng, kỹ thuật tưới,  kết hợp công nghệ tưới hiện đại với cảnh quan sân vườn, đô thị, phục vụ trực tiếp và có hiệu quả cho công cuộc phát triển bền vững ngành nông nghiệp Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật tài nguyên nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, người học có thể làm việc tại các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở NN&PTNT các tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, sở TN&MT các tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng; các công ty nghiên cứu và sản xuất thiết bị tưới, tiêu; các công ty về môi trường; các công ty khai thác công trình thủy lợi, thủy điện; giáo viên tại các trường trung cấp, cao đẳng và đại học; Kỹ thuật viên phân tích tại các phòng phân tích nước và môi trường.

Địa chỉ liên hệ : Khoa Quản lý đất đai, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Website: http://qldd.vnua.edu.vn/en/

Facebook khoa Quản lý đất đai: https://www.facebook.com/qldd.vnua/

Tel: 024.38.765.588 – 024.38.768.221

Email: qldd@vnua.edu.vn