Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất thủy sản lớn trên thế giới bên cạnh các cường quốc như: Trung Quốc, Mỹ, Nga, Bỉ, Nhật Bản…
Ngành Nuôi trồng thủy sản (NTTS) hiện nay chiếm vai trò quan trọng trong nền kinh tế và tạo ra nguồn thu nhập lớn, cũng như mang đến nhiều cơ hội việc làm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc phê duyệt chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2020 cho thấy trong giai đoạn 2010-2019 cơ cấu GDP ngành thủy sản trong toàn ngành nông nghiệp tăng từ 17,8% lên 24,4%.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng từ 5 tỉ USD lên tới 8,6 tỉ USD, tương ứng 1,7% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước và 20,8% kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp. Thủy sản giải quyết việc làm cho khoảng 3,9 triệu lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; thu nhập của lao động thủy sản không ngừng được cải thiện.
Do đó, việc ban hành Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là rất cần thiết. Ngành thủy sản đặt mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3- 4%/năm. Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn (trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản 7,0 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỉ USD. Giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước...
Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến, là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm 3 nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới.
Không như nhiều người nghĩ, ngành NTTS là môi trường làm việc khắc nghiệt, thực tế bạn có thể lựa chọn đa dạng những cơ sở làm việc. Đây là những cơ hội mới cho những bạn có niềm đam mê với thiên nhiên, với tài nguyên Việt, có cơ hội để tìm được vị trí việc làm hấp dẫn. Chính vì vậy, NTTS là ngành học tiềm năng, hầu hết sinh viên ra trường đều có việc làm ổn định.
Đến với Khoa Thủy sản – Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ được đào tạo theo hướng ứng dụng có kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức chuyên môn sâu về ngành NTTS hoàn chỉnh; có năng lực vận dụng lý thuyết vào công tác chuyên môn; có phương pháp làm việc khoa học, độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc chuyên ngành NTTS; có thể tiếp tục học lên cao học thuộc các chuyên ngành liên quan.
Bên cạnh đó, sinh viên còn có cơ hội thực hành, thực tập thực tế, tăng kỹ năng nghề nghiệp được chú trọng học lý thuyết gắn liền với thực tế bằng các học phần thực tập tại phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm hay trại sản xuất, các công ty về lĩnh vực NTTS… Đó là cơ hội rất tốt giúp sinh viên ôn lại kiến thức lý thuyết và vận dụng linh hoạt vào thực tế.
Sinh viên còn được đào tạo các kỹ năng:
- Thiết kế, tổ chức và quản lý các hoạt động về NTTS; tham gia nghiên cứu và cải tiến công nghệ nuôi mới nhằm tạo ra các sản phẩm mới phục vụ thị trường trong nước và nước ngoài;
- Tư vấn kỹ thuật về hoạch định phát triển NTTS bền vững; Cung cấp dịch vụ và chuyển giao công nghệ NTTS, có kiến thức về bệnh lý, các biện pháp phòng trị bệnh, nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường đến bệnh thủy sản, kiểm nghiệm nguồn gốc, chất lượng thủy sản… Với những bạn yêu thích kiến thức về hóa học và sinh học, đây thật sự là ngành học thú vị.
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các cơ sở NTTS các công ty các trại sản xuất, dịch vụ giống và thức ăn nuôi trồng thủy sản; tư vấn và chuyển giao công nghệ NTTS; Cơ quan khuyến ngư và quản lý nguồn lợi thủy sản; cơ quan quản lý nhà nước về nuôi trồng - chế biến thủy sản; cơ sở nghiên cứu (viện, trung tâm,...); Làm việc tại Cơ quan quản lí nhà nước: Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT, Trung tâm khuyến nông tại các tỉnh, huyện… trạm khuyến nông và các bộ, sở, ban ngành liên quan; nuôi trồng và kinh tế thủy sản và có thể tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo. Ngoài ra sinh viên có thể tự mở các mô hình nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật cao nếu có điều kiện về kinh tế.
Hiện tại các công ty các trại nuôi trồng thủy sản đến Khoa Thủy sản – Học viện Nông nghiệp Việt Nam Tuyển dụng liên tục các kỹ sư tốt nghiệp ngành NTTS do thiếu nguồn nhân lực với mức lương dao động trong khoảng 16.000.000 đ (mười sáu triệu đồng một tháng trở lên).
Khoa Thủy sản