Đến nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đào tạo cho đất nước trên 100.000 kỹ sư và cử nhân, trên 10.000 thạc sĩ và gần 600 tiến sĩ, góp phần giúp nền nông nghiệp Việt Nam phát triển vượt bậc.

Lịch sử vẻ vang của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tiền thân là Trường Đại học Nông Lâm được thành lập theo Nghị định số 53/NL–NĐ, ngày 12/10/1956 của Bộ Nông Lâm Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Trong chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển, Học viện luôn là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, một trung tâm nghiên cứu tiên tiến về khoa học – kỹ thuật, kinh tế và chính sách nông nghiệp, nông thôn của cả nước.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi Sổ vàng truyền thống khi về thăm Học viện (năm 1959):“Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi”. Ảnh tư liệu.

 

Trong thời kỳ mới thành lập, Học viện chỉ có 3 khoa với 4 ngành đào tạo, 27 giáo viên, 01 chi bộ, 467 sinh viên; cơ sở vật chất hết sức nghèo nàn, thiếu thốn. Giảng đường, phòng thí nghiệm chỉ được làm bằng tranh, tre, nứa, lá; phòng thực tập mới có vài chiếc kính hiển vi đơn sơ.

Sau khi sáp nhập với một số viện nghiên cứu của Bộ Nông Lâm, Học viện có tên gọi Học viện Nông Lâm (1958-1963). 

Tháng 5/1984, thực hiện Nghị quyết số 73-HĐBT ngày 12/7/1983 của Hội đồng Bộ trưởng, Trường Đại học Nông nghiệp I được chuyển từ Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm sang Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. 

Ngày 14/3/2008, sau khi các trường Đại học Nông nghiệp I, II, III lần lượt đổi tên, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 283/QĐ-TTg đổi tên Học viện thành Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. 

Ngày 28/3/2014, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội được nâng cấp thành Học viện Nông nghiệp Việt Nam và trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quyết định số 441/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về dự Lễ khai giảng năm học 2018-2019 của thầy và trò Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: VNUA.

 

Những thành tựu trong tiến trình phát triển 65 năm của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, cán bộ, giảng viên của Học viện đã thi đua thực hiện 3 hóa "Chuyên môn hóa, Việt Nam hóa, tinh giản hóa"; sinh viên có phong trào thi đua "Học tập tốt, lao động tốt".

Với phương châm "Nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học", những giống lúa cấp quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam mới như 813, 828, VN1, NN1 ngắn ngày, năng suất cao đã được Học viện tạo ra trong những điều kiện vô cùng khó khăn và thiếu thốn.

Trong những năm tháng chống Mỹ Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu chuyển đổi vụ lúa chiêm sang vụ lúa xuân, với các giống lúa cấp quốc gia như: ĐX2, ĐX4, DX5, VN10, VN20,... có khả năng thâm canh và cho năng suất cao; phát triển vụ đông, đẩy mạnh phong trào "5 tấn thóc, 2 con lợn/1 lao động/1 ha gieo trồng"; nghiên cứu sử dụng phân lân, bèo hoa dâu trong thâm canh lúa, xây dựng bờ vùng bờ thửa, kỹ thuật gieo vãi lúa, làm mạ sân, đưa máy móc về đồng ruộng,... Góp phần đắc lực cho phong trào "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.

 Ngày hội việc làm là sự kiện thường niên với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, mang đến 3000-5000 cơ hội việc làm cho sinh viên. Ảnh: VNUA.

 

Đất nước thống nhất, khó khăn chồng chất, thầy và trò Học viện vừa giữ vững truyền thống "dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt" vừa đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Những giống lúa mới năng suất cao, các mẫu máy nông nghiệp mới tiếp tục ra đời và được áp dụng. 

Những năm gần đây, Học viện đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý và quản trị theo mô hình của các trường đại học tiên tiến trên thế giới. Về đào tạo, Học viện dựa trên tinh thần tự học, thực nghiệp, lấy người học làm trung tâm; thực hiện sống động 3 nguyên lý của quá trình đào tạo "Học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội". 

Học viện đã mở ra nhiều chương trình đào tạo liên kết trình độ đại học và sau đại học với các trường đại học, viên nghiên cứu danh tiếng của Mỹ, Hà Lan, Bỉ, Czech; đồng thời chủ động đẩy mạnh phát triển mô hình đào tạo theo hai hướng: mô hình định hướng nghề nghiệp và mô hình định hướng nghiên cứu. 

Dù quy mô mở rộng nhưng chất lượng đào tạo luôn được củng cố và nâng cao, được xã hội chấp nhận, số thí sinh đăng ký dự thi vào Học viện và số lượng sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt tỷ lệ cao, không ít sinh viên tìm được việc làm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 

 Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đào tạo cho đất nước trên 100.000 kỹ sư, cử nhân, hơn 10.000 thạc sĩ và hơn 600 tiến sĩ. Ảnh: VNUA.

 

Đến nay, Học viện đã đào tạo cho đất nước trên 110.000 kỹ sư và cử nhân, trên 13.000 thạc sĩ và gần 640 tiến sĩ và đào tạo cho các nước Lào, Campuchia, Mozambique, Angola gần 500 kỹ sư và thạc sĩ, tiến sĩ các ngành kỹ thuật và quản lý kinh tế.

Những năm gần đây, hàng trăm đề tài, chương trình cấp Nhà nước, cấp Bộ và tương đương, các dự án hợp tác quốc tế được thực hiện bởi các nhà khoa học của Học viện. Học viện luôn đi đầu trong khoa học với các ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo và là tác giả của các sản phẩm mang thương hiệu VNUA như: giống lúa lai TH, CT; các giống cà chua lai thương hiệu HT; giống ngô lai thương hiệu MH, HUA, VNUA; công nghệ khí canh, công nghệ chế tạo một số vaccine chịu nhiệt trong thú y, KIT chuẩn đoán bệnh tai xanh trên lợn, KIT chuẩn đoán bệnh Dịch tả lợn châu Phi,...; hàng trăm tiến bộ kỹ thuật, giống mới, biện pháp canh tác mới, biện pháp quản lý mới được công nhận và áp dụng, đóng góp tích cực cho sự phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có trên 100 nhà giáo được vinh danh là Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, hơn 100 giáo sư, phó giáo sư; ba công trình và cụm công trình được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, nhiều công trình và cụm công trình khoa học được trao giải thưởng Nhà nước. 

Học viện hiện có gần 1.400 cán bộ viên chức đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ tại 14 khoa, trong đó có 13 khoa chuyên môn, 1 khoa Giáo dục quốc phòng; 16 phòng ban và 25 viện, trung tâm nghiên cứu, công ty... 

Trải qua 65 năm không ngừng đổi mới và phát triển, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chứng minh được sức sống mãnh liệt của mình với lịch sử vẻ vang ngay từ những ngày đầu thành lập đầy khó khăn, trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong giai đoạn thiếu thốn, khi hoà bình mới lập lại và trước những thử thách của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế với nhiều cơ hội và đầy thách thức. 

Đó là hành trang rất quan trọng và cần thiết để Học viện bước vào thời kỳ phát triển mới, thực hiện tốt nhất mục tiêu và nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, xứng đáng với lòng tin và kỳ vọng của xã hội.

Theo https://danviet.vn/