Liên tục đối mặt với những khó khăn trong giảng dạy và nghiên cứu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng, khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam vẫn nỗ lực vượt lên, kiên cường theo đuổi đam mê, gánh vác trọng trách giáo dục. Trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy là một trong mười tám cá nhân được vinh danh Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp Đoàn Thanh niên Học viện năm 2022.

leftcenterrightdel
 Thầy Nguyễn Thanh Tuấn nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2019

Hành trình nhận bằng Tiến sĩ trên đất nước Nga

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Thanh Hóa, vùng đất cằn sỏi đá và người dân oằn mình trong bão lũ nhưng không kém phần nổi tiếng với truyền thống hiếu học, chàng trai Nguyễn Thanh Tuấn mang trong mình ước mơ, khát khao cháy bỏng về một ngày mai được đóng góp cống hiến cho nền nông nghiệp nước nhà. Năm 2000, chàng trai xứ Thanh với ước mơ đó đã trở thành sinh viên khóa 45 của Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Trong quá trình học tập, chàng trai Nguyễn Thanh Tuấn năm đó đã luôn cố gắng học tập, ra sức phấn đấu, hết mình vì nghiên cứu khoa học. May mắn trên con đường sự nghiệp học tập, ngay năm đầu tiên, thầy đã trúng tuyển học bổng du học ở Đại học Nông nghiệp Quốc gia Timiryazev – Liên Bang Nga. Thế là từ đây, mang theo ước mơ hoài bão về phát triển nông nghiệp Việt, mang theo đam mê về nghiên cứu giống cây trồng, thầy sang Nga với niềm tin mãnh liệt được học tập và khám phá nền tri thức tiên tiến, hiện đại hơn.

Tại Đại học Nông nghiệp Quốc gia Timiryazev – Liên Bang Nga, thầy Nguyễn Thanh Tuấn lựa chọn học ngành Chọn giống cây trồng để có cơ hội thỏa sức khám phá, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học. Với nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học và học tập, thầy Tuấn tốt nghiệp bằng Giỏi và được chuyển tiếp học thẳng Tiến sĩ năm 2008 cũng tại Đại học Nông nghiệp Quốc gia Timiryazev – Liên Bang Nga. Trong suốt 10 năm ròng rã xa quê hương, thầy Tuấn chia sẻ: “Thời gian đầu mới sang Nga, thầy còn nhiều bỡ ngỡ, có những lúc rất nhớ quê hương. Du học là sự trải nghiệm những cái mới mà ở đó có nhiều rào cản như ngôn ngữ, múi giờ hay môi trường học tập, môi trường sống. Thầy đã mất một thời gian dài đối mặt với sự mất ngủ, mệt mỏi do lệch múi giờ hay thời tiết bên Nga quá lạnh. Có những giai đoạn thật sự cảm thấy rất khó khăn, nhưng mà chỉ cần nghĩ đến mình có cơ hội được theo đuổi đam mê về nghiên cứu, trong tương lai được tạo ra những loại giống cây trồng mới, mang lại hiệu quả cho người dân quê hương là thầy lại cảm thấy có thêm động lực để phấn đấu, để vượt qua mọi trở ngại”.

leftcenterrightdel
 Thầy Nguyễn Thanh Tuấn nghiên cứu giống hoa trồng nhà lưới tại Nga năm 2007

Trong quá trình học tập, nghiên cứu, thầy Tuấn đã lĩnh hội được các tri thức về chọn giống cây trồng, đặc biệt quan tâm đến một số đối tượng cây trồng có giá trị trong phát triển kinh tế. Trong hai năm 2007, 2008, thầy Tuấn liên tục nhận giấy khen của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên Bang Nga phong tặng cho sinh viên đạt thành tích học tập xuất sắc và sinh viên nghiên cứu khoa học xuất sắc. Thời kỳ học đại học thầy đã từng nghiên cứu về đậu Lupin (có tính ứng dụng cao trong chế biến thực phẩm cho con người và phục vụ cho chăn nuôi), kết quả nghiên cứu đó đã và đang được ứng dụng cho đến nay và hiện tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang phối hợp với doanh nghiệp Aimstone (Canada) để tăng cường nghiên cứu, phát triển loại đậu này ở Việt Nam. Trong quá trình học tập và nghiên cứu nơi xứ người thầy Nguyễn Thanh Tuấn luôn khao khát mang những tri thức mới, hiện đại về Việt Nam để truyền tải cho thế hệ trẻ. Khao khát cháy bỏng đó luôn hiện hữu trong từng nhịp thở của chàng sinh viên trẻ đầy nhiệt huyết.

Từ chối cơ hội ở lại Nga để trở về Việt Nam thực hiện ước mơ

Tháng 12 năm 2010, sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ, thầy Tuấn cũng nhận được nhiều lời mời, đề nghị ở lại Liên Bang Nga để tiếp tục nghiên cứu và làm việc. Nhưng khát vọng được mang tri thức về phục vụ đất nước, phát triển giống cây trồng nông nghiệp đã thôi thúc thầy Nguyễn Thanh Tuấn trở về trở về quê hương. Tháng 6 năm 2011, thầy trở thành giảng viên trẻ của Bộ môn Di truyền và Chọn giống cây trồng, đồng thời giữ chức vụ Bí thư Chi bộ Sinh viên khoa Nông học - Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Là thầy giáo trẻ lại kiêm Bí thư chi bộ, thầy Tuấn trở thành người thầy mà được nhiều thế hệ sinh viên của Khoa Nông học - Học viện Nông nghiệp Việt Nam yêu mến. Thầy luôn tận tâm dẫn dắt nhiều thế hệ học trò theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học.

Trong suốt 11 năm công tác tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thầy Nguyễn Thanh Tuấn đã cùng Học viện đi qua bao thăng trầm, vượt qua bao khó khăn, đồng hành cùng bao nhiêu thế hệ sinh viên, học viên của Học viện. Thầy đã hướng dẫn được nhiều thế hệ sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh; đã xuất bản 6 sách phục vụ đào tạo và nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt là về chọn giống cây trồng (trong đó chủ biên 01 giáo trình và 03 sách tham khảo, đồng tác giả 02 giáo trình); chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Bộ, tỉnh và tương đương, những đề tài nghiên cứu khoa học của thầy đều có tính cấp thiết và ứng dụng cao. Với 42 bài báo khoa học trong và ngoài nước, thầy được công nhận 04 giải pháp hữu ích: là tác giả chính của 03 giống đậu xanh TX05, MT68, Vita1102 được Cục trồng trọt cấp bằng bảo hộ và cho phép sản xuất kinh doanh; đồng tác giả 01 giống đậu tương Đ9 được Cục trồng trọt - Bộ NN&PTNT công nhận sản xuất thử và chấp nhận tự công bố lưu hành.

leftcenterrightdel
 Thầy Nguyễn Thanh Tuấn trong công tác nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam
 

Với những đóng góp đó, thầy Nguyễn Thanh Tuấn đã 8 lần nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, hai lần nhận giấy khen của Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong công tác thi đua, giảng dạy. Năm 2019, thầy được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; năm 2021, thầy được trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với những thành tựu đạt được trong nghiên cứu khoa học, thầy đã được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo theo quyết định số 5496/QĐ-TLĐ ngày 21/10/2022. Tháng 6 năm 2022, thầy vinh dự được nhận chức danh Phó Giáo sư, giảng viên cao cấp, đồng thời được Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện tin tưởng giao trọng trách đảm nhiệm chức vụ Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giống rau chất lượng cao - Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Với thầy Tuấn, đây vừa là niềm vinh dự tự hào, vừa là trọng trách lớn lao và cũng là cơ hội để thầy có thể cháy hết mình với khát vọng trồng người, với đam mê nghiên cứu khoa học về chọn giống cây trồng để từng bước thực hiện ước mơ phát triển nông nghiệp Việt phồn thịnh.

leftcenterrightdel
 Thầy Nguyễn Thanh Tuấn trong công tác nghiên cứu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam

 

“Nỗi lòng nhà giáo”: Trăn trở của người thầy

Bên cạnh niềm vui khi được đứng trên bục giảng, được truyền tải tri thức và phần nào đồng hành cùng sinh hoàn thiện nhân cách, theo đuổi đam mê, thầy Tuấn cũng chia sẻ nghề giáo của thầy cũng đứng trước vô số những trăn trở. “Hiện nay sinh viên đang có quá nhiều các hoạt động thu hút khác bên cạnh học tập như việc làm thêm và hoạt động phong trào khác nên thời gian dành cho nghiên cứu khoa học là rất ít. Tỷ lệ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học không cao. Ngoài ra, thế hệ trẻ hiện nay đang có cái nhìn chưa chuẩn xác về nông nghiệp. Rất nhiều bạn trẻ vẫn đang mặc định trong tiềm thức khái niệm làm nông nghiệp là phải chân lấm tay bùn, nhưng thực tế hoàn toàn không phải. Hiện nay, nông nghiệp công nghệ cao đang là xu thế phát triển mạnh như: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến…), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học; các giống cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao…; các quy trình canh tác tiên tiến, canh tác hữu cơ… cho hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị sản xuất. Khi mà niềm đam mê phát triển nông nghiệp trong thế hệ học trò không còn đủ lớn mạnh như trước, thầy Tuấn thấy rất băn khoăn trăn trở và tự đặt câu hỏi cho bản thân phải làm gì để truyền tải ngọn lửa, nuôi dưỡng được đam mê nhiệt huyết cho các thế hệ sinh viên. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực và nhiều bất ổn kinh tế chính trị, phát triển nông nghiệp bền vững là mục tiêu hàng đầu đảm bảo an sinh xã hội.

Thông qua các hoạt động tư vấn hướng nghiệp tại các trường THPT do Khoa và Học viện hợp tác, cũng như các hoạt động trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, thầy Nguyễn Thanh Tuấn luôn lồng ghép, truyền tải những kết quả nghiên cứu của mình và cập nhật những kiến thức mới về phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao cho sinh viên. Mong muốn của thầy là thông qua những tri thức mới của các nước tiên tiến trên thế giới, thế hệ học trò sẽ có nhiều hiểu biết và xây dựng niềm yêu thích cho nông nghiệp hơn. Đặc biệt, thầy chia sẻ thêm, giây phút nhìn thấy những ánh mắt rạng ngời, tươi cười của các em khi lắng nghe những thông tin, những tri thức mới, nhiêu đó thôi cũng đủ để thầy quên đi phần nào những mệt mỏi và áp lực của nghề giáo.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Thầy Nguyễn Thanh Tuấn trong công tác nghiên cứu giảng dạy tại HVNN VN

Hiện nay, thầy vẫn đang tập trung nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống cây trồng, cụ thể là nhóm cây đậu đỗ (đậu tương, đậu xanh, đậu đen...) và một số cây rau (họ bầu bí...). Hiện tại, định hướng chọn tạo giống đậu tương đen giàu anthocyanin đang được thầy tập trung nghiên cứu. Bởi vì trong hạt của loại đậu tương đen chứa  thành phần anthocyanin - một chất chống oxy hóa mạnh mẽ và có nhiều tác dụng trong phòng và chữa một số bệnh: giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch; giúp bảo vệ lipid peroxidation và DNA khỏi những nguy cơ bị thương tổn, tăng cường hệ miễn dịch phòng chống ung thư, tăng cường thị lực. Với những công dụng đó, đậu tương đen có thể chế biến thành các sản phẩm như trà sấy khô, trà đóng gói hay chế biến thành thực phẩm chức năng Natto - một sản phẩm của đậu tương lên men chứa enzym Nattokinase có tác dụng chống đông máu khá cao, được sử dụng trong việc điều trị bệnh tim mạch trong tương lai.

Thầy Tuấn khát khao có thể truyền tải những kết quả nghiên cứu khoa học và kiến thức về chọn giống của mình cho nhiều thế hệ sinh viên, mong muốn thế hệ học trò có thể đồng hành, nối tiếp cùng thầy phát triển nông nghiệp Việt Nam. Dù còn nhiều khó khăn trên hành trình giáo dục nhưng thầy Nguyễn Thanh Tuấn đang từng ngày sống hết mình, nhiệt huyết với sự nghiệp “trồng người”. Năm này qua năm khác, thầy vẫn miệt mài truyền lửa cho các thế hệ sinh viên, học viên của Học viện tham gia nghiên cứu khoa học để trở thành những kĩ sư, cử nhân đi gieo mầm đam mê phát triển nông nghiệp bền vững khắp mọi miền tổ quốc./.

“11 năm đi học – 11 năm giảng dạy – đời người được có mấy lần 11 năm!”

            Trung tâm QHCC&HTSV