Xã hội càng phát triển thì vấn đề môi trường càng được quan tâm và như vậy, những người làm công tác môi trường lại càng được trọng dụng.

Nghị Quyết của Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XI, XII chỉ rõ “đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước có nền công nghiệp theo hướng hiện đại”. Công nghiệp càng phát triển thì áp lực lên môi trường càng lớn do khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và xả thải vượt khỏi sức chứa của môi trường. Khi con người không còn khả năng kiểm soát được các nguồn thải thì hậu quả tất yếu xẩy ra đó là ô nhiễm môi trường cả về không khí, nguồn nước, đất, nước biển và đại dương….

Sau ngày hòa bình lặp lại 1954, môi trường Việt Nam gần như vẫn còn giữ được bản chất tự nhiên vốn có của nó. Khi đó có rất nhiều nguồn gen sinh vật tồn tại, và nhiệm vụ quan trọng của chúng là cân bằng sinh thái học trong môi trường. Đến nay hầu như biến mất hoặc còn rất ít cả về nguồn gen và mật độ sinh tồn. Nghiêm trọng hơn, khí hậu thời tiết gần đây dường như cũng không còn tuân theo quy luật ôn hòa mà đã tồn tại hàng 100 năm vốn có.

Môi trường hiện nay đáng báo động cho tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Những tác động xấu khó lường của biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan đã xuất hiện từ miền ngược đến miền xuôi, từ đất liền ra biển cả, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.

Trong Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quan điểm của Đảng & Nhà nước Việt Nam là “Chúng ta không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt”. Đó là thông điệp về trách nhiệm xã hội cho mỗi chúng ta. Đó cũng là nhiệm vụ đầy thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng cũng mở ra một tương lai tươi sáng khi con người được sống trong một môi trường trong lành.

Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học của ngành môi trường rất lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ thì mới chỉ có 1.448 cán bộ môi trường làm việc ở cấp tỉnh, 1.300 cán bộ có chuyên môn về môi trường làm việc ở cấp huyện. Như vậy còn thiếu 11.164 công chức chuyên trách về môi trường làm việc ở cấp xã. Ấy là chưa kể nguồn nhân lực làm việc ở các khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, các công ty, các Trung tâm liên quan đến lĩnh vực môi trường. Theo nhu cầu tuyển dụng của ngành Tài nguyên & Môi trường, thì từ 2017-2020 cần có 48.000 cán bộ môi trường. Ở Singapo có tỷ lệ là 350 người làm về môi trường/1 triệu dân; Ở Campuchia tỷ lệ này là 55người/1 triệu dân, trong khi đó ở Việt nam chỉ là 29 người/1 triệu dân.

Khoa Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho đến nay đã đào tạo được trên 15 khóa về lĩnh vực môi trường ở bậc đại học và 8 khóa sau đại học. Từ năm 2003 đến nay khoa đã đào tạo được gần 5000 sinh viên đại học và trên 1000 học viên cao học. Với uy tín, kinh nhiệm, bề dầy về đào tạo trên 60 năm của Trường trọng điểm Quốc gia (Học viện thành lập năm 1956), với sự đầu tư trang thiết bị, máy móc cho học tập, rèn nghề được Nhà nước và các tổ chức Quốc tế trong suốt 60 năm qua. Nhiều sinh viên của khoa Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã được tuyển dụng ngay sau khi ra trường. Hiện nay họ đang làm việc tại các trường đại học trên toàn quốc, nhiều người trong số họ đã trở thành Tiến sĩ, Giảng viên chính. Một số khác làm việc ở các cơ quan Nhà nước các cấp, như: Bộ Tài nguyên & Môi trường, Tổng cục Môi trường, Tổng cục biển hải đảo, Cảnh sát môi trường, Kiểm định đánh giá chất lượng môi trường và ở các sở Tài nguyên & Môi trường các tỉnh, thành phố, ở các phòng Tài nguyên & Môi trường các huyện trên toàn quốc. Nhiều người trong số họ đã trở thành các Trưởng, Phó phòng, Trưởng, Phó chi cục môi trường các tỉnh. Một số cựu sinh viên của khoa Môi trường- Học viện Nông nghiệp Việt Nam rất thành đạt trong sự nghiệp của mình, họ đang làm việc cho các tổ chức quốc tế và trong nước, ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp. Một số đã trở thành Nhà doanh nghiệp, Doanh nhân thành đạt được Nhà nước tôn vinh trong các năm 2014-2015-2016.

Hiện nay khoa Môi trường – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang đào tạo ngành Khoa học Môi trường với 3 chuyên ngành là: Quản lý môi trường; Công nghệ môi trường và Tài nguyên thiên nhiên.

Chúng tôi sẵn sàng đón nhận và giúp đỡ các bạn đạt được nguyện vọng và thành công.

 

Thông tin liên lạc:

Khoa Môi trường

HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Địa chỉ: Trâu Quỳ - Gia Lâm - Hà Nội

ĐT: 04 6 261 7693  - Fax: 84 4 6 261 8491

Website : http://www.kmt.vnua.edu.vn

Email: moitruong@vnua.edu.vn