Khoa Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học dựa trên 5 nền tảng chuyên môn là Công nghệ môi trường, Quản lý môi trường, Sinh thái môi trường, Vi sinh vật và Hóa học. Trong số đó, ứng dụng hóa học để giải quyết các vấn đề môi trường gặp phải trong quá trình phát triển kinh tế xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Học viện đã xác định như một trách nhiệm xã hội của mình. 

Để đáp ứng tốt nhiệm vụ đặt ra, khoa Môi trường đã xây dựng 6 phòng thí nghiệm chuyên đề cho các môn Hóa học và 1 phòng nghiên cứu chuyên sâu theo hướng Hóa môi trường ứng dụng. Các phòng thí nghiệm được trang bị dụng cụ, trang thiết bị, máy móc hiện đại để phục vụ cán bộ và sinh viên thực hiện các thí nghiệm hóa học từ cơ bản đến chuyên sâu.

Với ưu tiên hàng đầu cho công tác đào tạo nên phòng thí nghiệm Hóa môi trường luôn mở cửa cho sinh viên tự sắp xếp làm thí nghiệm một cách chủ động. Mỗi năm, Bộ môn hướng dẫn 80-100 sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp. Sinh viên được chia thành các nhóm nhỏ, tự nghiên cứu dưới sự định hướng của cán bộ chuyên sâu. Về mặt chuyên môn, sinh viên được tiếp cận với các phương pháp phân tích bằng công cụ theo tiêu chuẩn Việt Nam và Quốc tế phục vụ công tác quan trắc và đánh giá chất lượng môi trường. Ngoài ra, sinh viên cũng được khuyến khích tự sáng tạo, làm thí nghiệm sản xuất vật liệu xử lý ô nhiễm môi trường từ đơn giản đến phức tạp.


Giáo viên hướng dẫn sinh viên các kỹ năng trong phòng thí nghiệm


Trong một vài năm gần đây, cán bộ và sinh viên bộ môn Hóa học đã thành công với các đề tài chế biến phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, vỏ mía, xơ dừa, vỏ chuối, thân cây đay, rơm rạ… thành các sản phẩm có khả năng hấp phụ kim loại nặng và chất hữu cơ để xử lí nước ô nhiễm. Một số đề tài cũng đã sử dụng các hóa chất để xử lý ô nhiễm nước tại các làng nghề, khu nuôi trồng thủy sản và trang trại chăn nuôi bằng các phương pháp hấp phụ, công nghệ fenton, sử dụng hóa chất keo tụ poly aluminium chloride kết hợp với trồng cây thủy sinh, xử lý chất hữu cơ trong nước thải bằng các chất xúc tác tiên tiến như MnO2, MnO2/Al2O3, CuO/TiO2.

Mô hình xử lý hợp chất hữu cơ khó phân hủy sinh học, hợp tác với Cộng Hòa Séc

Mô hình xử lý hợp chất màu trong nước thải dệt nhuộm, 

hợp tác với Viện máy và Dụng cụ công nghiệp, Bộ Công Thương


Đến với bộ môn Hóa học sinh viên ngành môi trường được tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên. Hàng năm, Bộ môn có từ 2-3 đề tài sinh viên được giải cấp khoa, cấp trường. Sinh viên còn được thử sức mình với cuộc thi olympic hóa học sinh viên toàn quốc được trang bị cả kiến thức từ lí thuyết đến kĩ năng thực hành. Năm 2016 bộ môn đã tổ chức ôn tập và hướng dẫn sinh viên thi olympic hóa với thành tích cao đạt 1 giải nhì, 3 giải ba và 1 giải khuyến khích, điều này càng khích lệ sinh viên thêm yêu Hóa học và yêu môi trường.


Cán bộ và sinh viên bộ môn Hóa nhận giải Olympic Hóa học Toàn quốc 2016


Do  được tiếp cận sớm với phòng thí nghiệm, được trau dồi kĩ năng phân tích bằng công cụ vững vàng nên hầu hết sinh viên ngành môi trường làm khóa luận tốt nghiệp tại Bộ môn Hóa học dễ dàng thích ứng với các công việc tại các phòng thí nghiệm, trung tâm quan trắc môi trường. Một số điển hình về cựu sinh viên đã và đang đóng góp hiệu quả về mặt chuyên môn tại đơn vị công tác bao gồm Nguyễn Việt An (K52MTB, công tác tại Sở TN&MT Vĩnh Phúc), Hoàng Đình Sơn (K52MTC, công tác tại Trung tâm phát triển Công nghệ và Thiết bị Môi Trường, Hà Nội), Vũ Thanh Tùng (K55MTC, công tác tại Phòng Môi Trường, viện Nghiên cứu Phát triển vùng), Nguyễn Thị Huyền (K56MTE, công tác tại Phòng Môi Trường, Nhà máy chế biến thịt CP Hà Nội), Nguyễn Thị Thanh (K56MTC, công tác tại Công ty cổ phần Môi Trường Thuận Thành, Bắc Ninh) v.v.

Trong bối cảnh phát triển nhanh của KHCN và kinh tế xã hội ngày nay, Khoa Môi trường nói chung và Bộ môn Hóa học nói riêng đang rất lỗ lực đổi mới hoạt động để tăng khả năng hội nhập. Theo kế hoạch của Học viện, Bộ môn sẽ được đầu tư một hệ thống phòng thực tập chất lượng cao với các trang thiết bị hiện đại (dự án World Bank) vào năm học tới. Đây sẽ là cơ sở để bộ môn có nhiều cống hiến hơn nữa trong sự nghiệm đào tạo và nghiên cứu khoa học.


Bộ môn Hóa học - Khoa Môi trường

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Địa chỉ: Thị trấn Trâu Quỳ - Gia Lâm – Hà Nội

Website: http://kmt.vnua.edu.vn

Tel:  02462617694   Fax: 02462618491

Email: moitruong@vnua.edu.vn