Nhu cầu nhân lực Công nghệ thông tin
Với mức tăng trưởng mạnh mẽ, thị trường Công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam đang “khát” nhân lực trầm trọng. Dự báo từ Vietnamworks, nước ta cần khoảng 1,2 triệu lao động CNTT tính đến năm 2020. Số lượng việc làm ngành CNTT tăng 47% mỗi năm nhưng lượng nhân lực của ngành chỉ tăng trưởng ở mức 8%. Kết quả dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt hơn 100.000 ứng viên CNTT mỗi năm.
Trên thế giới và ngay tại Việt Nam, CNTT là một trong những nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực. Hiện tại, các doanh nghiệp phải săn đón sinh viên CNTT ngay từ khi đang học năm thứ ba, thứ tư đại học, sẵn trả mức lương cao và đưa đi nước ngoài thu nghiệp. Nhu cầu rất rộng mở và nhiều vị trí thiếu nhân lực trầm trọng. Con số 1,2 triệu lao động là một trong những thống kê cho thấy, có rất nhiều cơ hội cho những người trẻ đam mê công nghệ thông tin khi theo đuổi ngành nghề này. Theo Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh – nguyên Phó vụ trưởng, Phó ban chương trình quốc gia về vấn đề việc làm, CNTT là một trong những lựa chọn sáng giá cho bạn trẻ đứng trước ngưỡng cửa đại học.
Phòng thực hành Công nghệ thông tin
Cơ hội học tập - Cơ hội việc làm
Lựa chọn được môi trường học tập phù hợp cũng là yếu tố quan trọng giúp các bạn trẻ có thể tự tin về tương lai của mình sau khi ra trường. Khoa Công nghệ thông tin – Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong những cơ sở đào tạo có uy tín về ngành CNTT tại Việt Nam với phương châm luôn đề cao chương trình đào tạo đáp ứng với nhu cầu xã hội. Đội ngũ giảng viên trong khoa rất trẻ, nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn cao, hầu hết các thầy cô đều đã và đang theo học tại các nước tiên tiến về công nghệ thông tin. Hiện nay khoa được trang bị 7 phòng máy với gần 300 máy tính đồng bộ hiện đại, cấu hình cao phục vụ việc học tập của sinh viên.
Từ năm học 2017 – 2018, Khoa đào tạo ba chuyên ngành trình độ đại học gồm: Công nghệ phần mềm, Công nghệ thông tin và Hệ thống thông tin. Ngoài ra, Khoa còn có ba chuyên ngành đào tạo theo định hướng nghề nghiệp (POHE) với thời lượng thực hành nhiều hơn là: Công nghệ phần mềm, Mạng máy tính và Web, Toán tin ứng dụng. Đặc biệt, từ năm học này, thời gian đào tạo các chuyên ngành rút ngắn lại còn 4 năm so với 5 năm trước kia nhưng chương trình đào tạo vẫn đáp ứng đầy đủ các kiến thức và kỹ năng cho sinh viên. Với mạng lưới liên kết doanh nghiệp rộng khắp, sinh viên trong thời gian học tập tại trường đã có cơ hội thực tập làm việc cho các doanh nghiệp để thực hành kiến thức và trau dồi kỹ năng nghề nghiệp sau này. Các doanh nghiệp có quan hệ hợp tác lâu dài với khoa có thể kể đến như Công ty cổ phần Công nghệ và đào tạo Hackademics Hà Nội, Hệ thống đào tạo Công nghệ thông tin quốc tế Bách Khoa Aptech… Sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm việc ở các vị trí: lập trình viên, kỹ sư hệ thống mạng, kỹ sư phần cứng, kỹ thuật viên – chuyên viên thiết kế lập trình web, lập trình điện thoại di động, game, an ninh mạng,… Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được trang bị thêm các kỹ năng mềm cùng khả năng ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu công việc và có nhiều cơ hội phát triển trên con đường sự nghiệp như: đi nước ngoài học tập và làm việc, mở công ty riêng… Trong quá trình học tập, sinh viên có thể tham gia nghiên cứu khoa học, vận dụng các kiến thức đã học cùng với sự hướng dẫn của các thầy cô nghiên cứu các đề tài mang tính ứng dụng. Nhiều đề tài của sinh viên khoa Công nghệ thông tin được đánh giá cao và áp dụng vào thực tiễn, tiêu biểu là đề tài “Xây dựng phần mềm quản lý điện nước- Học viện Nông nghiệp Việt Nam” do TS. Phạm Quang Dũng hướng dẫn, đã giành giải nhì Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Học viện năm 2015. Cựu sinh viên tốt nghiệp từ khoa Công nghệ thông tin - Học viện Nông nghiệp Việt Nam đều sớm tìm cho mình một công việc phù hợp sau tốt nghiệp và hiện đang giữ nhiều vị trí khác nhau tại các cơ quan, doanh nghiệp công nghệ thông tin.