Công nghệ thông tin là gì? Học những gì? Và cơ hội việc làm như thế nào? Có một số ngành học sẽ “hot” trong một thời gian nhất định, nhưng ngành Công nghệ thông tin vẫn chưa bao giờ hạ nhiệt, nhu cầu các nhà tuyển dụng vẫn tăng mạnh hàng năm.
Ngành Công nghệ thông tin là gì?
Công nghệ thông tin (IT – Information Technology) là một thuật ngữ bao gồm phần mềm, mạng lưới internet, hệ thống máy tính sử dụng cho việc phân phối và xử lý dữ liệu, trao đổi, lưu trữ và sử dụng thông tin dưới hình thức khác nhau. Đó là việc sử dụng công nghệ hiện đại vào việc tạo ra, xử lý, truyền dẫn thông tin, lưu trữ, khai thác thông tin.
Ngành Công nghệ thông tin học những gì?
Học ngành Công nghệ thông tin, sinh viên được trang bị các kiến thức nền tảng về khoa học tự nhiên, kiến thức cơ bản như mạng máy tính, cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, lập trình, phần mềm….Như chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin của trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sau khi kết thúc học kỳ đầu, sinh viên sẽ được chọn các chuyên ngành phù hợp với năng lực, sở thích như Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin, An toàn thông tin….
Đi sâu vào các chuyên ngành này, các bạn sẽ có cơ hội tiếp cận những kiến thức liên quan đến nghiên cứu phát triển, gia công hay ứng dụng hệ thống phần mềm; kiến thức về thiết kế, xây dựng, cài đặt, vận hành và bảo trì các thành phần phần cứng, phần mềm của hệ thống máy tính và các hệ thống thiết bị dựa trên máy tính; kiến thức về bảo mật hệ thống thông tin....Ra trường đảm bảo khả năng thực hành nghề nghiệp và đáp ứng yêu cầu công việc ở từng lĩnh vực cụ thể.
Bên cạnh đó, tại trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam sinh viên còn được chú trọng phát triển kiến thức chuyên môn và những kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp về sau: kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lập kế hoạch,…Đặc biệt, tại VNUA, sinh viên còn được tăng cường trang bị ngoại ngữ, các kỹ năng nghề nghiệp, tham gia quá trình thực tập thực tế tại các doanh nghiệp đối tác của trường.
|
|
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Khoa CNTT với Công ty Cổ phần giáo dục Zent Education |
|
|
Khoa CNTT kết hợp với Công ty 1C Việt Nam tổ chức định hướng nghề nghiệp |
Học Công nghệ thông tin ra trường làm gì?
Đối với chuyên ngành Công nghệ phần mềm, sinh viên ra trường có thể làm các công việc như lập trình viên, Kĩ sư cầu nối, kiểm thử phần mềm, đảm bảo chất lượng phần mềm, Quản trị dự án…
Đối với chuyên ngành An toàn thông tin, sinh viên ra trường có thể lựa chọn các công việc như Chuyên viên quản trị bảo mật máy chủ và mạng, Chuyên viên bảo mật cơ sở dữ liệu, Chuyên viên phân tích, tư vấn, thiết kế hệ thống thông tin đảm bảo an toàn, Chuyên viên kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho mạng và hệ thống…
Đối với chuyên ngành Hệ thống thông tin, sinh viên ra trường có thể lựa chọn các công việc như Chuyên viên quản lý, phân tích và xử lý dữ liệu lớn ở các doanh nghiệp, tổ chức.
Ngoài ra, công nghệ thông tin có mặt trong tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống xã hội hiện nay và vì vậy sinh viên công nghệ thông tin ra trường sẽ không phải lo lắng quá nhiều về vấn đề việc làm như đối với các ngành học khác.
Nhu cầu tuyển dụng ngành CNTT? Cơ hội vị trí việc làm?
Trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu nhân lực IT tại Việt Nam không ngừng tăng cao. Dựa trên báo cáo thị trường IT năm 2020 của TopDev và tốc độ tăng trưởng số lượng lập trình viên tại Việt Nam, năm 2021 Việt Nam cần 450.000 nhân lực CNTT. Tuy nhiên, tổng số lập trình viên hiện tại ở Việt Nam (tính đến quý 1/2021) là 430.000, có nghĩa là 20.000 vị trí lập trình viên sẽ không được lấp đầy trong tương lai gần. Sự thiếu hụt này xuất phát từ sự chênh lệch giữa trình độ của lập trình viên và các yêu cầu kinh doanh. Đáng chú ý là hiện nay chỉ có khoảng 16.500 sinh viên trong tổng số 55.000 sinh viên chuyên ngành Công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Cũng từ đây, Bộ TT&TT đã tập trung đào tạo ngành Công nghệ thông tin thông qua Dự thảo Định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông đến năm 2021.
|
|
Nhu cầu lập trình viên tăng cao |
Hiện Việt Nam có khoảng 45.500 doanh nghiệp trong ngành CNTT, bao gồm cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng doanh thu ước tính khoảng 126 tỷ USD (theo Bộ TT&TT). Nhờ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và chiến lược chuyển đổi số quốc gia rõ ràng từ Chính phủ Việt Nam, nhờ chi phí cạnh tranh, cơ sở hạ tầng tốt với nhiều khu công nghệ thông tin, các khu công nghệ cao của Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư công nghệ và CNTT. Chính vì thế, cơ hội vị trí việc làm với ngành Công nghệ thông tin càng ngày càng rộng mở.
Khoa Công nghệ thông tin