Không chỉ là một ngành học “trong phòng thí nghiệm”, Công nghệ sinh học là một trong những mũi nhọn của kỷ nguyên công nghiệp 4.0 với khả năng ứng dụng rộng rãi vào sản xuất của xã hội hiện đại. Thậm chí, giới khoa học còn mệnh danh Công nghệ sinh học là “ngành học của tương lai”, đóng vai trò tiên phong cho một cuộc cách mạng sinh học.
Hiểu một cách đơn giản, Công nghệ sinh học là ngành nghiên cứu và vận dụng sinh vật sống kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật để tạo ra sản phẩm và sản xuất ở quy mô công nghiệp với các sản phẩm sinh học phục vụ cho lợi ích của con người, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.
Ngành Công nghệ sinh học - mũi nhọn thời kỳ 4.0
Công nghệ sinh học mang lại ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao (nghiên cứu tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ sản xuất chế phẩm chăm sóc và bảo vệ cây trồng, vật nuôi); trong y dược (nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất các vaccine thiết yếu, vaccine thế hệ mới, thuốc chữa bệnh...); trong lĩnh vực môi trường (nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp, chế phẩm công nghệ sinh học trong xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường…).
Phòng nuôi cấy mô khoa Công nghệ Sinh học
Sinh viên ngành Công nghệ sinh học được trang bị kiến thức về sinh học thực nghiệm, sinh học phân tử, công nghệ lên men, kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật ứng dụng, công nghệ sản xuất sinh dược phẩm... Bởi vậy, kỹ sư Công nghệ sinh học có thể đảm nhận nhiều vị trí nghề nghiệp khác nhau như: Kỹ sư điều hành sản xuất, quản lý và đảm bảo chất lượng tại các nhà máy sản xuất dược phẩm, thực phẩm; Chuyên viên công nghệ sinh học tại các công ty chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản, các trung tâm kiểm nghiệm, phòng thí nghiệm, cơ quan nghiên cứu về công nghệ vi sinh, công nghệ sinh học thực vật, công nghệ sinh học động vật; Chuyên viên phân tích mẫu bệnh phẩm; Cán bộ xét nghiệm trong bệnh viện, trung tâm y khoa.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của thầy và trò Khoa Công nghệ sinh học