Sáng ngày 05/11/2019, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện cho nghiên cứu sinh Lê Thị Phương Dung, chuyên ngành Kinh tế phát triển, mã số 9 31 01 05, với đề tài “Nghiên cứu mức sẵn lòng chi trả của người dân nhằm cải thiện chất lượng nước bị ô nhiễm ở các làng nghề tỉnh Bắc Ninh” dưới sự hướng dẫn của PGS.TS. Nguyễn Hữu Đạt.

Đến dự buỗi lễ có TS. Nguyễn Viết Đăng – Trưởng ban Quản lý đào tạo cùng các thành viên trong hội đồng đánh giá luận án đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Môi trường nông nghiệp; giảng viên hướng dẫn cùng một số bạn bè, người thân của nghiên cứu sinh.

leftcenterrightdel
Nghiên cứu sinh Lê Thị Phương Dung thuyết trình tóm tắt luận án

Nghiên cứu sinh Lê Thị Phương Dung thuyết trình tóm tắt luận án

 

Dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền, Hội đồng đã thông qua lý lịch khoa học, thành tích nghiên cứu, quá trình học tập và kết quả nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh Lê Thị Phương Dung. Tất cả các thành viên trong Hội đồng đánh giá cao năng lực nghiên cứu và những kết quả đạt được của nghiên cứu sinh trong thời gian qua. Sau khi nghe nghiên cứu sinh Lê Thị Phương Dung trình bày tóm tắt luận án, Hội đồng đã nghe ý kiến của các phản biện, ủy viên, các thành viên Hội đồng nhận xét, đặt câu hỏi cho nghiên cứu sinh, bản tổng hợp ý kiến đóng góp của các nhà khoa học về bản tóm tắt và toàn văn luận án.

Đề tài luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Lê Thị Phương Dung được Hội đồng đánh giá cao, là công trình nghiên cứu độc lập, công phu, nghiêm túc, có tính mới, đủ dung lượng khoa học, đảm bảo độ tin cậy, phù hợp với mã số của chuyên ngành và không trùng lặp với các nghiên cứu trước. Bên cạnh kết quả đóng góp vào việc hệ thống và làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến sự thay đổi phúc lợi của người dân và sẵn lòng chi trả để cải thiện chất lượng môi trường nước, luận án còn trình bày cơ sở khoa học của phương pháp ước tính mức sẵn lòng chi trả trung bình theo cả hai mô hình “tham số” và “phi tham số”.

Luận án cũng gắn kết các lý thuyết về mức sẵn lòng chi trả để đưa ra ý nghĩa của việc nghiên cứu mức sẵn lòng chi trả. Ngoài ra, luận án đã xây dựng khung phân tích và đưa ra chi tiết các bước, cách thức đặt câu hỏi cũng như phân tích phản ứng của người được phỏng vấn trong phương pháp phỏng vấn chọn ngẫu nhiên lặp.

Về thực tiễn, luận án đã đề ra các giải pháp để nâng cao nhận thức của người dân thông qua công tác truyền thông; các chính sách khuyến khích tăng thu nhập gắn liền với chính sách bảo vệ môi trường như: tăng khả năng tiếp cận với các nguồn vốn, thị trường mới, giảm lãi suất cho các cơ sở sản xuất có áp dụng các biện pháp xử lý nước thải; xây dựng nhà máy xử lý nước thải; khuyến khích cơ sở sản xuất di chuyển ra các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; giải pháp tài chính như tập trung thu phí các cơ sở sản xuất, đơn giản hóa các văn bản chính sách. Đồng thời mở ra một hướng nghiên cứu mới về mức ô nhiễm tối ưu tại các làng nghề.

Với việc bảo vệ thành công trước Hội đồng cấp Học viện, nghiên cứu sinh Lê Thị Phương Dung xứng đáng nhận được học vị Tiến sĩ. Hội đồng đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam cấp bằng Tiến sĩ, chuyên ngành Kinh tế phát triển cho nghiên cứu sinh Lê Thị Phương Dung

Trong sự vui mừng và xúc động, tân tiến sĩ Lê Thị Phương Dung gửi lời cảm ơn chân thành và sự tri ân sâu sắc đến tập thể lãnh đạo, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong suốt thời nghiên cứu sinh học tập, nghiên cứu tại Học viện. Với học vị mới, tân tiến sĩ xin hứa sẽ tiếp tục nghiên cứu, cống hiến, phát huy năng lực, trí tuệ, đóng góp vào sự phát triển của đơn vị công tác.

leftcenterrightdel
Người thân, gia đình đến dự và chúc mừng tân tiến sĩ Lê Thị Phương Dung
 Người thân, gia đình đến dự và chúc mừng tân tiến sĩ Lê Thị Phương Dung
 

Lan Hương – TT QHCC&HTSV

Ảnh: Minh Tuân – TT QHCC&HTSV