Phát triển kinh tế số được xác định là một nội dung quan trọng của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, nhận thức về kinh tế số xét trên phương diện lý luận và thực tiễn của các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng xã hội ở nước ta còn chưa sâu sắc. Nhận thức được điều đó, Nhóm NCM Chính sách Nông nghiệp đã tổ chức Seminar với chủ đề “Phát triển Kinh tế số: nhận thức luận, kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách cho Việt Nam” vào ngày 22/03/2021.
Với chủ đề “Kinh tế số: Nhận thức luận và những vấn đề đặt ra”, GS.TS. Đỗ Kim Chung đã tổng quan những khái niệm về kinh tế số và phương pháp luận trong nghiên cứu kinh tế số. Đặc biệt, GS. Đỗ Kim Chung đã chỉ ra được 14 điểm khác biệt giữa kinh tế số và kinh tế truyền thống, trên cơ sở đó, GS. khẳng định phát triển kinh tế số là một xu hướng tất yếu.
Nền kinh tế số bao gồm các bộ phấn cấu thành: core (lõi) gồm có chế tạo phần cứng, phần mềm và tư vấn CNTT, theo nghĩa hẹp thì kinh tế số là dịch vụ số, hạ tầng số, theo nghĩa rộng thì là các nội dung số gồm có các ngành kinh tế và dịch vụ thông minh, hoặc nó được hiểu là sự giao thoa giữa nghĩa rộng và nghĩa hẹp.
Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển kinh tế số của các quốc gia và vùng lãnh thổ, TS. Lưu Văn Duy chỉ ra rằng “Kinh tế số” đã và đang phát triển mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào giá trị nền kinh tế toàn cầu, nhất là trong thời đại mà công nghệ thông tin, công nghệ mới phát triển như vũ bão và những thay đổi của nền kinh tế - xã hội hiện nay. Phát triển kinh tế số ngày càng đóng vai trò quan trọng và thống trị nhiều lĩnh vực trong tương lai, nhất là một số quốc gia đã có nhiều thành tựu nổi bật như Mỹ (9% GDP tới từ kinh tế số năm 2018), Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc (chiếm tới 42% giao dịch toàn cầu và đóng góp khoảng 30% GDP năm 2017)… Bài học rút ra từ thực tiễn cho thấy, để phát triển kinh tế số, Chính phủ cần thực hiện các giải pháp như: phát triển đội ngũ nhân lực trình độ cao cho công nghiệp 4.0, phát triển các hoạt động nghiên cứu gắn với trình độ kỹ thuật, công nghệ cao, phát triển cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế số, đầu tư công nhiều cho phát triển nền kinh tế số nhất là các chính sách, thể chế để khuyến khích phát triển kinh tế số theo nghĩa rộng…
PGS.TS Nguyễn Phượng Lê chỉ ra rằng chính phủ Việt Nam đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách phát triển Kinh tế số, đặc biệt là Nghị quyết số 52/2019/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Quyết định số 749/2020/QĐ-TTg về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Chỉ thị 01/2020/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam. Nội dung của các chính sách tập trung vào 9 lĩnh vực bao gồm: xây dựng chính phủ điện tử, tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng và mạng lưới số, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng nhân lực (cán bộ quản lý nhà nước, thực thi pháp luật và nhân lực của doanh nghiệp), ưu tiên phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông trong chính sách và cải cách bộ máy chính phủ và thúc đẩy ứng dụng các công nghệ thông minh trên tất cả các ngành nghề, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thông qua tài trợ vốn cho cơ sở hạ tầng và các viện nghiên cứu khoa học, phát triển các kỹ năng công nghệ thông qua giáo dục STEAM và đào tạo, nâng cao nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực về cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế: công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, quản lý đô thị. Mặc dù vậy, Phát triển kinh tế số ở Việt Nam còn phải đối diện với nhiều khó khăn, bất cập như: Việt Nam đang đi sau trong trong xu hướng kinh tế số, nhận thức của tất cả các bên liên quan còn hạn chế; Môi trường pháp lý và thể chế cho phát triển kinh tế số ở nước ta chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; Thách thức về an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin; Nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang kinh tế số; Kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin kém xa nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; Quy mô của đa số doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, thiếu vốn và trình độ công nghệ thấp.
Giảng viên và cán bộ nghiên cứu của khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn đã tham gia thảo luận sôi nổi và chia sẻ thêm rất nhiều thông tin liên quan để giúp làm rõ và sâu sắc hơn các vấn đề liên quan đến kinh nghiệm và thực tiễn về kinh tế số.
Một số hình ảnh buổi seminar :
Khoa Kinh tế & Phát triển nông thôn