Hoạt động giảng dạy tại các cơ sở đào tạo đại học trong cả nước đang chuyển dịch theo hướng gắn với hoạt động thực tiễn nhằm mục tiêu đảm bảo các chuẩn đầu ra theo yêu cầu của thị trường lao động. Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Nhằm nâng cao kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình học tập, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo sinh viên và học viên, Bộ môn Công nghệ Môi trường, khoa Môi Trường hiện đang tham gia đào tạo các ngành học như Công nghệ kỹ thuật môi trường, Khoa học môi trường và Công nghệ kỹ thuật hóa học từ cấp đại học đến tiến sĩ. Vừa qua, Bộ môn đã tổ chức chuyến tham quan và hoạt động trải nghiệm thực tế tại tỉnh Lào Cai với hai nội dung là hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt và tìm hiểu về đa dạng sinh học tai Vườn Quốc gia (VQG) Hoàng Liên. Đây là một chương trình được thiết kế bài bản, nhằm giúp sinh viên được giao lưu và học hỏi chuyên sâu cũng như tìm hiểu các kiến thức ngoài thực địa.

Tại công ty Môi trường Đô thị Lào Cai, sinh viên đã được tìm hiểu về quy trình xử lý rác thải sinh hoạt thành nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ và tính toán trong việc áp dụng nền kinh tế tuần hoàn với xử lý chất thải. Hiện tại, nhà máy xử lý rác thải thành phân compost với lượng rác thải hữu cơ tiếp nhận khoảng 75-80 tấn/ngày, tương đương lượng sản phẩm phân hữu cơ tạo ra khoảng 7-8 tấn/ngày. Các sản phẩm đầu ra có giá trị khác như nhựa tổng hợp tái chế từ túi nilon, các sản phẩm kim loại thu được từ hệ thống tuyển từ. Ngoài ra, sinh viên còn được trải nghiệm thực trạng hệ thống thu gom tại các điểm tập kết, qua đó hiểu hơn về tối ưu hóa con đường vận chuyển trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

leftcenterrightdel
Tham quan hệ thống thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại URENCO Lào Cai 

Hoạt động trải nghiệm tiếp theo được thực hiện với nội dung tìm hiểu về đa dạng sinh học tại VQG Hoàng Liên. Nhóm nghiên cứu đã lập các ô tiêu chuẩn với diện tích 1000m2 cùng với việc đánh số và ghi lại thông tin của từng cây phục vụ việc tính toán sinh khối và trữ lượng cacbon. Nhóm sinh viên nghiên cứu đã xác định được 21 cây (DBH1.3 trên 20cm) trong đó cây lớn nhất có chu vi thân lên đến 3,98m, cao 15-20m. Nhóm sinh viên được nghe TS. Võ Hữu Công hướng dẫn cách xác định sinh khối, tính trữ lượng và khả năng tích lũy các bon cũng như những phương pháp đánh giá đồng vị phóng xạ isotope đối với mẫu gỗ thu được từ cây lâu năm để xác định nguồn gốc và biến động môi trường qua thời gian. Nhóm sinh viên tiếp thu nhanh và thực hiện các phép đo trong thời gian 3 giờ cho điểm nghiên cứu tại Trạm Tôn, Ô Quý Hồ, VQG Hoàng Liên.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Hoạt động học tập và trải nghiệm tại VQG Hoàng Liên, tỉnh Lào Cai

Chuyến tham quan và hoạt động trải nghiệm của sinh viên, học viên do Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đem lại nhiều kiến thức bổ ích cho người học, giúp người học củng cố được kiến thức chuyên môn trong quá trình học tập vào thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, học viên ngành Khoa học môi trường, đáp ứng được các yêu cầu vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp.

Bộ môn CNMT