Khoa Lý luận Chính trị và Xã hội tiền thân là bộ môn Lý luận Mác – Lê nin được thành lập năm 1956, đến năm 1970 trở thành Khoa Mác – Lênin. Năm 2008, theo quyết định số 762/QĐ-NNH của Hiệu trưởng trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Khoa Mác – Lênin được đổi tên thành Khoa Lý luận Chính trị và Xã hội để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Qua gần 60 năm ra đời và phát triển, Khoa đã lớn mạnh về mọi mặt theo từng bước phát triển của Học viện.

Đội ngũ cán bộ giảng dạy của khoa Lý luận Chính trị và Xã hội không ngừng phát triển cả về số và chất lượng. Các thế hệ giảng viên tiếp nối truyền thống của Khoa, trung thành với sự nghiệp trồng người, với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vừa học tập nâng cao trình độ chuyên môn, vừa tích cực rèn luyện, học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, đặc biệt trong lực lượng cán bộ trẻ. Với lòng yêu ngành, yêu nghề, nhiệt tình với công việc, đội ngũ giảng viên trong khoa luôn trăn trở, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy để thu hút người học.

Sự lớn mạnh của Khoa thể hiện rõ nhất thông qua các môn học mà Khoa đảm nhận. Trước thời kỳ đổi mới, Khoa chỉ giảng dạy các môn học Lý luận Mác - Lênin và Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX trở đi, các giáo viên của Khoa còn nhận nhiệm vụ giảng dạy nhiều môn học thuộc ngành khoa học xã hội như: pháp luật đại cương, tâm lý học, xã hội học, soạn thảo văn bản… Đến nay, Khoa đảm nhận giảng dạy khoảng trên 60 môn học.

“Nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học”, nhận thức rõ được vai trò của nghiên cứu khoa học trong giảng dạy và đào tạo sinh viên, các cán bộ trong Khoa luôn cố gắng để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của cả Khoa. Nếu như trước đây nghiên cứu khoa học của khoa chỉ bó gọn trong các đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp Bộ mà Học viện giao cho thì nay giảng viên trong Khoa tích cực tham gia đấu thầu các đề tài, dự án khác theo định hướng đáp ứng nhu cầu của xã hội, thực hiện hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, trong đó có dự án do các tổ chức nước ngoài tài trợ. Sinh hoạt khoa học của Khoa ngày càng đa dạng, gồm cả việc biên soạn giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo; tổ chức hội thảo khoa học, trong đó có hội thảo khoa học cấp quốc gia, có sự tham gia của các nhà khoa học của một số trường đại học, viện nghiên cứu của nước ngoài; công bố các bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước và các tạp chí quốc tế.

Theo quyết định số 410/QĐ-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2009 – 2010, Khoa được nhận nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học ngành Xã hội học. Đây là bước ngoặt căn bản của Khoa. Việc mở ngành Xã hội học đánh dấu bước phát triển không những của Khoa, mà còn của Học viện. Việc đào tạo sinh viên ngành Xã hội học góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu của Học viện là đào tạo đại học đa ngành.

Hiện nay, lực lượng cán bộ chủ chốt đào tạo chuyên ngành Xã hội học là cán bộ Bộ môn Xã hội học gồm 07 giảng viên, trong đó có 01 tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài, 03 giảng viên đang đào tạo bậc tiến sĩ tại nước ngoài. Đây là lực lượng cán bộ trẻ, có năng lực, trình độ, nhiệt huyết, có đam mê với công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, là cơ sở cho sự phát triển bền vững trong công tác đào tạo sinh viên chuyên ngành Xã hội học hiện nay và trong tương lai. Tính đến năm học 2015 – 2016, Khoa đã đào tạo 07 khóa sinh viên ngành Xã hội học với tổng số gần 1.000 lượt sinh viên, trong đó 04 khóa sinh viên đã ra trường đóng góp vào lực lượng lao động có trình độ của đất nước. Sinh viên ngành Xã hội học được đào tạo có cơ hội làm việc tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu; cơ quan Nhà nước, tổ chức đoàn thể ở trung ương và địa phương; các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam… Và thực tế, đa số sinh viên các khóa tốt nghiệp đã tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo và trình độ. Với những kiến thức học được trong trường đại học, lực lượng lao động này đang có đóng góp ngày càng đáng kể cho sự phát triển của xã hội.



Trong định hướng phát triển của Khoa Lý luận Chính trị và Xã hội, công tác đào tạo chuyên ngành Xã hội học được coi trọng, đặc biệt về chất lượng đào tạo. Ngoài ra, các chuyên ngành mới đào tạo ở bậc đại học và bậc sau đại học sẽ được Khoa tiếp tục mở ra trong một vài năm tới, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội về lực lượng lao động trình độ cao. Khoa đang có bước chuẩn bị tốt nhất về nhân lực cho sự phát triển này. Cùng với đào tạo, Khoa Lý luận Chính trị và Xã hội coi trọng phát triển năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên, nhà khoa học để góp phần vào việc hình thành đại học nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và nâng cao vị thế của Học viện trong tình hình mới.