Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn (KT&PTNT) là một trong những khoa lớn của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, được thành lập năm 1961. Đến tháng 10/2016, Khoa sẽ kỷ niệm 55 năm thành lập và phát triển. Trong 55 năm qua, Khoa đã đào tạo cho xã hội nhiều thế hệ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực kinh tế, quản lý kinh tế, kinh tế nông nghiệp và PTNT. Khoa đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh và địa phương, nhiều đề tài dự án quốc tế. Nhiều cựu sinh viên của Khoa rất thành đạt đang giữ các cương vị chủ chốt ở các trường đại học, viện nghiên cứu, các địa phương, các bộ ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế, đã và đang đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Đội ngũ nhân lực của Khoa có trình độ cao, giàu kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học
Nhiệm vụ chính của khoa là: 1) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế, quản lý kinh tế, kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, bao gồm trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ và đào tạo ngắn hạn theo yêu cầu của xã hội; 2) Tổ chức và triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học về kinh tế và phát triển nông thôn, đảm bảo phát triển bền vững và 3) Cung cấp các dịch vụ tư vấn, chuyển giao khoa học và công nghệ trong lĩnh vực kinh tế, kinh tế nông nghiệp và phát triển theo yêu cầu của các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, tổ chức quốc tế, các địa phương và các thành phần kinh tế.
Khoa được tổ chức thành 6 bộ môn (Kinh tế, Kinh tế tài nguyên và môi trường, Kinh tế nông nghiệp và chính sách, Phân tích định lượng, Phát triển nông thôn và Kế hoạch và đầu tư). Khoa hiện có 90 giáo viên và cán bộ phục vụ có trình độ chuyên môn cao. Trong đó, có 2 giáo sư và 14 phó giáo sư, trên 40% có trình độ tiến sỹ. Nhiều giảng viên của Khoa đạt trình độ quốc tế, năng lực ngoại ngữ tốt. Phần lớn được đào tạo bài bản về kinh tế thị trường và khoa học phát triển ở các nước như Philipin, Thái Lan, Bungari, Nga, Nhật, Úc, Bỉ, Đức, Anh và Mỹ…
Khoa có 1 thư viện với hơn 10.000 đầu sách tiếng Việt, Anh, Nga và Đức và được trang bị hệ thống tìm kiếm điện tử, 4 phòng máy gồm hàng trăm máy tính phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu, các phòng hội thảo được trang bị các thiết bị hiện đại và trang Web để giới thiệu thông tin.
Khoa hiện đào tạo ở cả 3 bậc: Đại học, Cao học và Tiến sĩ:
- Đào tạo đại học cho 6 ngành: 1) Kinh tế nông nghiệp; 2) Phát triển nông thôn; 3) Kinh tế; 4) Kinh tế phát triển; 5) Quản lý kinh tế và 6) Kế hoạch- đầu tư. Phối hợp với các khoa khác, đào tạo đại học cho các chuyên ngành liên quan khác. Bên cạnh các ngành thông thường khoa có một lớp Kinh tế nông nghiệp chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh, và một lớp PTNT theo định hướng nghề nghiệp gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn
- Đào tạo thạc sỹ cho 3 ngành: 1) Kinh tế nông nghiệp; 2) Quản lý kinh tế; 3) Phát triển nông thôn
- Đào tạo tiến sỹ ở 3 ngành: 1) Kinh tế nông nghiệp; 2) Kinh tế phát triển, 3) Quản trị nguồn nhân lực.
Sinh viên học tập tại khoa có cơ hội học tập trong môi trường sư phạm, khoa học và năng động, có cơ hội được lĩnh hội các kiến thức chuyên ngành chuyên sâu, môi trường học tập sáng tạo, có điều kiện thực hành, thảo luận làm việc nhóm chuyên nghiệp để hoàn thiện các kỹ năng, năng lực nghề nghiệp, định hướng tương lai. Ngoài ra sinh viên còn có cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học, thực tập nghề nghiệp và rèn nghề, đi thực tế tại địa phương, cơ hội tu nghiệp tại nước ngoài như Israel, Nhật Bản, Hà Lan.
Chương trình đào tạo được xây dựng theo định hướng nghề nghiệp thực tế có sự tham vấn của các chuyên gia, doanh nghiệp và người sử dụng lao động
Nhiều sinh viên của Khoa đã rất thành đạt sau khi ra trường
Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế
Bên cạnh các hoạt động đào tạo khoa thực hiện các hoạt động nghiên cứu và tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, làm các dịch vụ tư vấn theo yêu cầu của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các thành phần kinh tế trong các lĩnh vực: Chính sách nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kinh tế và kinh tế sản xuất; Marketing và quản lý chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; Phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo và cải cách thể chế nông thôn; Kinh tế và Quản lý nguồn tài nguyên tự nhiên và môi trường; Khuyến nông và chuyển giao công nghệ; Dự báo kinh tế và phát triển; Quản lý kinh tế; Xây dựng, quản lý, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư và phát triển
Khoa có hợp tác rộng rãi với các Bộ, ngành như Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Lao Động TBXH, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Uỷ ban dân tộc, các địa phương, tổ chức và cá nhân ở trong nước để đào tạo, nghiên cứu và phát triển.
Khoa có hợp tác với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức phát triển ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Bỉ, Tây Ban Nha, Đức, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Philipine, Thái Lan, Canađa, và Mỹ... Khoa còn hơp tác với các tổ chức quốc tế như Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Quỹ quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD) và các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGO).