TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÔNG NGHỆ SINH HỌC
Công nghệ sinh học (CNSH) là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng của khoa học sự sống kết hợp với các quy trình và thiết bị kỹ thuật để khai thác hệ thống sinh học bao gồm vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao ở quy mô công nghiệp phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Mặc dù mới được hình thành từ những năm 1980 nhưng CNSH đã nhanh chóng trở thành một lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật quan trọng có phạm vi và tầm ảnh hưởng tới nhiều ngành như nông – lâm - ngư nghiệp, y – sinh - dược, khoa học hình sự, công nghiệp thực phẩm, chế biến và bảo vệ môi trường, là động lực để phát triển kinh tế xã hội ở tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước nông nghiệp. Nhận thức được vấn đề này, ở Việt Nam, Chính phủ đã và đang đặc biệt quan tâm đầu tư nhằm tạo nguồn nhân lực thúc đẩy phát triển Công nghệ sinh học giúp tăng sản lượng, chất lượng các sản phẩm trong nông nghiệp, y tế, thực phẩm và môi trường.
Theo dự tính, nhu cầu thị trường lao động về CNSH ở Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, y tế, công nghệ chế biến, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng. Số lượng các công ty CNSH nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng. Vì vậy, đây cũng là cơ hội học tập, phát triển kỹ năng nghề nghiệp và cơ hội việc làm cho sinh viên, học viên ngành CNSH.
GIỚI THIỆU VỀ KHOA CÔNG NGHỆ SINH HỌC
Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành CNSH, đến nay Khoa CNSH trực thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã xây dựng được 05 Bộ môn:
1. Bộ môn Sinh học
Đảm nhiệm giảng dạy các môn học đại cương làm cơ sở để đào tạo cho các môn học chuyên ngành cho sinh viên ở các năm sau. Các môn học cơ bản như: sinh học đại cương, sinh học tế bào, công nghệ sinh học nano nguyên lý và ứng dụng. Ngoài ra, Bộ môn thực hiện các hướng nghiên cứu cụ thể như sau:
· Đánh giá đa dạng Sinh học và nghiên cứu bảo tồn nguồn gen sinh vật.
· Phân lập và xác định cơ chế hoạt động của một số gen chống chịu (nóng, lạnh, hạn, mặn) để ứng dụng cho chọn giống cây trồng có khả năng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
· Nghiên cứu, phát triển sản phẩm có nguồn gốc từ sinh vật phục vụ cho các lĩnh vực y-dược, bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường.
· Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học nano để phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, ion kim loại nặng trong sản phẩm nông nghiệp và môi trường.
· Phát triển các chế phẩm nano ứng dụng trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản
2. Bộ môn Công nghệ sinh học thực vật
Đào tạo chuyên ngành liên quan đến công nghệ tế bào thực vật từ nuôi cấy mô, nhân nhanh giống cây hoa, cây thuốc, chuyển gene vào các đối tượng cây trồng nhằm tạo các giống cây trồng mới mang các đặc điểm mong muốn. Các hướng nghiên cứu cụ thể như sau:
· Phát triển các qui trình công nghệ nhân và sản xuất thương mại một số giống cây trồng bao gồm rau, hoa, cây thuốc, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao.
· Phát triển công nghệ tế bào thực vật và các kỹ thuật sinh học phân tử để phân loại, bảo tồn và đánh giá nguồn gen thực vật.
· Áp dụng các kỹ thuật trong CNSH để cải tiến và biến đổi các tính trạng của cây trồng bằng công nghệ tế bào và chuyển gen.
3. Bộ môn Sinh học phân tử và Công nghệ sinh học ứng dụng
Đào tạo các môn chuyên ngành về sinh học phân tử, di truyền học, tiến hóa và đa dạng sinh học, tin sinh học ứng dụng, công nghệ sinh học trong chọn tạo giống, các hợp chất thứ cấp thiên nhiên. Với định hướng ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử và các quy trình công nghệ để tạo sản phẩm ứng dụng, đến nay Bộ môn đã chọn tạo được nhiều giống lúa, cà chua, khoai tây, đậu tương, cam quýt cho năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh. Gần đây, Bộ môn ứng dụng công nghệ nhân nhanh sinh khối vi tảo và tách chiết, chuyển hóa các hợp chất tự nhiên để tạo các chế phẩm có hoạt tính sinh dược học. Dưới đây là các hướng nghiên cứu cụ thể của Bộ môn:
· Thu thập, bảo tồn, đánh giá và khai thác nguồn gen cây trồng bằng chỉ thị phân tử.
· Chọn tạo giống lúa thuần ngắn ngày, chất lượng cao, kháng bệnh bạc lá, đạo ôn bằng công nghệ tế bào và chỉ thị phân tử DNA.
· Nghiên cứu công nghệ chuyển gen tạo cam quýt không hạt, cà chua chín chậm kháng vi khuẩn, virus.
· Nhân sinh khối vi tảo, tách chiết và chuyển hóa các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học.
4. Bộ môn Công nghệ vi sinh
Đào tạo các môn chuyên ngành liên quan đến công nghệ vi sinh vật. Đến nay Bộ môn đã phân lập, tuyển chọn được các chủng giống vi sinh vật ứng dụng trong nông nghiệp, y-dược, thực phẩm và xử lý ô nhiễm môi trường. Các hướng nghiên cứu của Bộ môn cụ thể như sau:
· Phân lập, tuyển chọn, cải tạo các chủng giống vi sinh vật.
· Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để cải biến các con đường trao đổi chất của vi sinh vật, tạo các protein tái tổ hợp.
· Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng huyết thanh miễn dịch trong định danh và phân loại vi sinh vật; sản xuất kháng thể đặc hiệu ứng dụng trong các kỹ thuật protein-enzym.
· Nghiên cứu các cơ chế chống chịu, điều hòa biểu hiện gene ở sinh vật, đặc biệt là vi sinh vật cũng như mối quan hệ của chúng trong tự nhiên.
· Nghiên cứu chọn tạo, bảo tồn và phát triển nguồn gen nấm ăn và nấm dược liệu; nghiên cứu công nghệ nhân giống, công nghệ nuôi trồng, bảo quản, chế biến các loài nấm ăn và nấm dược liệu; nghiên cứu các chất có hoạt tính sinh học của nấm.
5. Bộ môn Công nghệ sinh học động vật
Đào tạo các môn chuyên ngành liên quan đến công nghệ tế bào động vật, công nghệ hỗ trợ sinh sản và chọn giống động vật sử dụng các kỹ thuật di truyền, sinh học phân tử.
Các hướng nghiên cứu của Bộ môn cụ thể như sau:
· Chọn tạo giống vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt bằng công nghệ sinh học sinh sản và kỹ thuật di truyền
· Tạo các động vật hoặc tế bào, mô động vật ứng dụng trong công nghiệp dược phẩm và y-sinh học hiện đại như động vật chuyển gen, nhân bản, công nghệ tế bào gốc.
· Xây dựng ngân hàng gen vật nuôi, thuỷ sản, động vật đặc hữu, hoang dã nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học và phát huy giá trị nguồn gen bản địa tại Việt Nam.
· Sản xuất và thương mại hoá các kit xác định nhanh và chính xác giới tính, phát hiện bệnh ở gia súc, gia cầm, thuỷ cầm.
Mỗi Bộ môn có đặc thù riêng nhưng đều phối hợp chặt chẽ để thực hiện nhiệm vụ đào tạo sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh ngành Công nghệ sinh học với chất lượng cao về kiến thức và năng lực nghiên cứu khoa học.
Về đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu, Khoa CNSH hội tụ được nguồn nhân lực chất lượng cao mang tính liên ngành. Hầu hết các giảng viên của Khoa đều có trình độ Tiến sĩ, có kiến thức chuyên môn sâu rộng và khả năng ngoại ngữ tốt được đào tạo ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Bỉ, Úc. Trong tổng số 42 cán bộ của Khoa có 02 PGS, 12 Tiến sĩ, 15 Thạc sĩ và 09 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh.
Với nhiệt huyết và nỗ lực trong giảng dạy, nghiên cứu, trong thời gian qua Khoa CNSH đã đào tạo được nhiều thế hệ cử nhân và thạc sĩ ngành CNSH hiện đang công tác tại các Công ty, Viện nghiên cứu, Bệnh viện, Sở nông nghiệp ở các tỉnh và các Trường Đại học. Nhiều sinh viên của Khoa đã được nhận giải thưởng và học bổng đi du học ở các nước Mỹ, Nhật, Úc, Đức và Hàn Quốc
Với phương châm đào tạo gắn liền với ứng dụng thực tiễn, Khoa CNSH đã được đầu tư hệ thống phòng thí nghiệm với các trang thiết bị, máy móc hiện đại, bao gồm: Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ sinh học, phòng thí nghiệm thực tập môn học, khu thực nghiệm với nhiều hệ thống nhà lưới, và trung tâm sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu. Cũng từ đây, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng đã được thực hiện, nhiều sản phẩm (giống cây trồng kể cả giống hoa, cây dược liệu, các giống nấm) cùng các quy trình công nghệ đã được chuyển giao cho các cá nhân, đơn vị, công ty và sở nông nghiệp các tỉnh. Các lĩnh vực công nghệ mới như công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh, công nghệ enzym-protein, công nghệ chọn tạo giống cây trồng, công nghệ sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, công nghệ hỗ trợ sinh sản và nhân giống động vật cũng đang được Khoa đặc biệt ưu tiên phát triển. Ngoài ra các hướng nghiên cứu truyền thống như nhân nhanh giống cây trồng sạch bệnh, sạch virus bằng nuôi cấy mô vẫn được tiến hành và chuyển giao cho các cơ sở ươm tạo giống cây trồng.
Về hợp tác quốc tế, Khoa CNSH có mạng lưới liên kết chặt với các Trường đại học và nhóm nghiên cứu của nhiều nước trên thế giới. Nhiều khóa học, hội thảo quốc tế có sự tham gia của các chuyên gia, giáo sư đầu ngành tại các Trường Đại học danh tiếng trên thế giới đã được tổ chức tại Khoa. Nhiều công ty, tổ chức nước ngoài đã tài trợ học bổng hỗ trợ học tập và nghiên cứu cho sinh viên. Những mối quan hệ này là cơ hội để trao đổi hợp tác sinh viên thực tập, cung cấp các nguồn học bổng và thông tin liên quan cho các bạn sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học và có vốn tiếng Anh tốt. Hàng năm Khoa CNSH đón nhận các nhiều suất học bổng cho sinh viên từ các công ty và doanh nghiệp. Nhiều công ty cũng đến trực tiếp phỏng vấn và tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp ngành CNSH.
CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Hiện nay, Khoa CNSH có 2 bậc đào tạo Đại học và Sau đại học. Bậc Đại học có 3 chương trình đào tạo: (i) Cử nhân Công nghệ sinh học, chỉ tiêu 250 sinh viên, (ii) Cử nhân CNSH chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh, chỉ tiêu 50 sinh viên, (iii) Cử nhân CNSH định hướng nghề nghiệp nấm ăn và nấm dược liệu, chỉ tiêu 50 sinh viên. Bậc Sau đại học có chương trình đào tạo Thạc sĩ và sắp tới là chương trình đào tạo Tiến sĩ ngành Công nghệ sinh học.