Khoa Chăn nuôi hiện nay có tiền thân là khoa Chăn nuôi-Thú y, là một trong 3 khoa đầu tiên của Trường đại học Nông Lâm khi mới thành lập theo Nghị định số 53/NĐ-NL ngày 12/10/1956 của Bộ Nông Lâm. Hiện nay khoa có 6 bộ môn bao gồm: Sinh học động vật, Hóa sinh động vật, Sinh lý - Tập tính động vật, Dinh dưỡng - Thức ăn; Di truyền - Giống vật nuôi, Chăn nuôi chuyên khoa. Ngoài ra Khoa còn có 1 Tổ văn phòng và công tác sinh viên; 1 Phòng thí nghiệm Trung tâm, 1 Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo nghề chăn nuôi và Trung tâm giống vật nuôi chất lượng cao.
Với tổng số 56 cán bộ, trong đó có 42 giảng viên (11 PGS, 24 Tiến sĩ, 16 thạc sỹ, 01 BSTY, 01 cử nhân). Hầu hết đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa đều được đào tạo tại các nước tiên tiến trên thế giới như Úc, Bỉ, Hà Lan, Đức… và đã có trình độ trên đại học, số lượng cán bộ có bằng tiến sĩ đã chiếm trên 50% tổng số cán bộ giảng dạy, và đến cuối năm 2016 tất cả các cán bộ giảng dạy trong khoa sẽ có trình độ trên đại học.
Với truyền thống 60 năm, đội ngũ cán bộ kinh nghiệm, uy tín kết hợp với đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo bài bản từ các nước tiên tiên tạo thành một nguồn lực rất quan trọng trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, qua quá trình xây dựng và phát triển, Khoa đã có nhiều thành công trong các lĩnh vực đào tạo nguồn cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao, nghiên cứu và chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật phục vụ sản xuất chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam nói chung.
1. Về đào tạo
Tính đến hết năm học 2014-2015 Khoa đã đào tạo được khoảng 5000 kỹ sư Chăn nuôi/Chăn nuôi thú y tại trường và hơn 1000 kỹ sư Chăn nuôi/Chăn nuôi thú y tại các địa phương, đào tạo được hơn 250 thạc sỹ chuyên ngành Chăn nuôi và hợp tác với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 đào tạo được gần 100 thạc sỹ và trên 220 kỹ sư Nuôi trồng Thủy sản.
Hàng năm, khoa tuyển sinh 6 lớp đại học chính quy với khoảng 400-600 sinh viên, 2 lớp cao học ngành Chăn nuôi với khoảng 50 học viên và 2-5 nghiên cứu sinh, đưa tổng số sinh viên có mặt thường xuyên tại Khoa giao động trong khoảng 2.000 - 2.400 sinh viên.
Các chuyên ngành đạo tạo hiện nay
Đại học -Chương trình đào đại học theo định hướng nghiên cứu có 3 chuyên ngành: + Khoa học vật nuôi + Dinh dưỡng và công nghệ thức ăn chăn nuôi + Chăn nuôi - thú y - Chương trình đào tạo đại học định hướng nghề nghiệp - ứng dụng (POHE) có 01 chuyên ngành + Chăn nuôi – thú y POHE
| |
Sau đại học - Thạc sỹ: ngành Chăn nuôi - Tiến sỹ: có 3 chuyên ngành: + Chăn nuôi động vật + Di truyền và giống vật nuôi + Dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi
| |
2. Về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ
Là một trong những Khoa có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, cán bộ trong Khoa đã chủ trì nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ, tỉnh và các dự án quốc tế. Khoa đã có 01 giải thưởng Hồ Chí Minh về Lợn lai kinh tế, 3 tiến bộ kỹ thuật (Lợn đực giống Pietrain kháng stress nhân thuần tại Việt Nam, Tổ hợp lai gà Hồ x Lương Phượng, Công nghệ chế biến rơm tươi làm thức ăn cho trâu bò). Nhiều giáo trình, bài báo trong và ngoài nước có chất lượng đã được xuất bản và giới chuyên môn đánh giá cao.
Hiện khoa đã có các nhóm nghiên cứu theo các định hướng: Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi; Tận dụng phụ phẩm và khai thác nguyên nguyên liệu bản địa sẵn có làm thức ăn chăn nuôi; Ngành hàng sản phẩm chăn nuôi; Ứng dụng công nghệ vi sinh trong chăn nuôi; Vệ sinh an toàn thức ăn và sản phẩm chăn nuôi; Biến đổi khí hậu và các giải pháp cải thiện môi trường chăn nuôi.
Ngoài ra, Khoa cùng với các tổ chức chuyên môn, cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương và các tổ chức quốc tế tổ chức huấn luyện, đào tạo và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất.
Phục vụ cộng đồng: -Tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật - Tư vấn cho các chương trình và dựánphát triển - Cung cấp thông tin khoa học kỹ thuật - Cung cấp các con giống chất lượng cao (lợn, gà, vịt) cho sản xuất |
|
4. Hợp tác quốc tế
Hợp tác quốc tế là một thế mạnh rất lớn của Khoa. Hiện tại Khoa có những chương trình hợp tác rất quan trọng với các trường, các tổ chức trên thế giới như các trường đại học nói tiếng Pháp của Vương Quốc Bỉ, Úc, Thái Lan, Indonesia, Pháp, Mỹ… Hợp tác quốc tế không chỉ tập trung vào các đề tài nghiên cứu, đào tạo cán bộ mà còn có cả các chương trình trao đổi cán bộ và sinh viên. Mỗi năm khoa cử gần chục sinh viên sang theo học và thực tập hè, thực tập tốt nghiệp tại các trường đại học của các nước trong khu vực như Đại học Maejo Chiang Mai, Đại học Kasetsart, Đại học Công nghệ Suranaree (Thái Lan) và Đại học Gadjah Mada (Indonesia). Khoa cũng thường xuyên tiếp nhận cán bộ và sinh viên các trường đại học của các nước trong khối ASEAN, sinh viên của Bỉ, Pháp, Nhật Bản sang học tập và nghiên cứu. Việc trao đổi này không chỉ liên quan đến lĩnh vực chuyên môn mà còn cả giao lưu văn hóa nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa sinh viên các nước trong khu vực và trên thế giới.
Lễ ký kết hợp tác giữa Khoa Chăn nuôi với các trường Đại học của Indonesia và Thái Lan