Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Môi trường nông nghiệp, Nông thôn và Phát triển bền vững” do Khoa Tài nguyên và Môi trường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức sáng 6/4, nhiều ý kiến cho rằng, cần có nhiều giải pháp thu hút nguồn nhân lực cho ngành tài nguyên và môi trường.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng gần 100 trường đại học, cao đẳng đào tạo các ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường (chiếm khoảng 20%); trong đó có khoảng 20 cơ sở đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.
Trong tổng số 100 cơ sở nêu trên có khoảng 30 cơ sở có khoa, viện và trung tâm nghiên cứu; 70 cơ sở chỉ mở một hoặc một số chuyên ngành đào tạo tài nguyên và môi trường như địa chất, khoáng sản, trắc địa, bản đồ, quản lý đất đai, viễn thám, khí tượng, thủy văn, quản lý môi trường, quản lý tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu…
|
|
GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam; PGS.TS. Trần Trọng Phương, Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) trao kỷ niệm chương cho các đơn vị tài trợ hội thảo. |
Các cơ sở này hằng năm đã đào tạo hàng trăm thạc sĩ và tiến sĩ, hàng nghìn kỹ sư về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đáp ứng được một phần nhu cầu nhân lực tài nguyên và môi trường ở một số lĩnh vực: đất đai, môi trường, địa chất và khoáng sản, khí tượng, thủy văn, đo đạc và bản đồ.
Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Đức Viên, công tác đào tạo về lĩnh vực tài nguyên và môi trường vẫn còn mất cân đối giữa các ngành, các cấp đào tạo, nhiều lĩnh vực quản lý mới của ngành chưa được các cơ sở đào tạo quan tâm mở ngành đào tạo kịp thời; hệ thống các cơ sở đào tạo thiếu đồng bộ và chưa có tính liên thông, liên kết cao; đội ngũ cán bộ có học hàm, học vị cao trong các cơ sở đào tạo đại học, các viện, trung tâm nghiên cứu chưa được chuẩn bị để thay thế lực lượng đào tạo bài bản trước đây và đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học; chưa có quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo các ngành, chuyên ngành tài nguyên và môi trường; việc đầu tư cơ sở, vật chất, đổi mới giáo trình, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ giảng dạy còn manh mún, dàn trải; chưa có chính sách thu hút học sinh vào học các chuyên ngành về tài nguyên và môi trường khó tuyển sinh.
"Số lượng tuyển sinh đầu vào ngành tài nguyên và môi trường có xu hướng giảm trong những năm gần đây dẫn đến nguồn cung không đáp ứng yêu cầu về lực lượng lao động chất lương cao thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường", GS.TS Trần Đức Viên nói.
|
|
Ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại hội thảo. |
Đồng quan điểm, ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chia sẻ một thực tế ông ghi nhận tại một xã còn nhiều khó khăn nhưng có rất nhiều sinh viên đại học. Đáng tiếc là trong số này không có ai theo học ngành tài nguyên môi trường.
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững là mục tiêu xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, do vậy, ông Hương cho rằng, các cơ sở đào tạo đại học như Học viện Nông nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực cho ngành tài nguyên môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xanh trong thời gian tới và ứng phó với những biến động khó lường của biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, các cơ sở đào tạo cần được tự chủ trong giáo dục và đào tạo để phát huy sáng tạo, linh hoạt thích ứng trong mọi tình huống. Hiện đại hoá cơ sở vật chất tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn của Quốc gia và khu vực, có kiểm định và đánh giá chương trình đào tạo thường xuyên để cải tiến và nâng cao chất lượng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục và đào tạo. Tăng cường kết nối đào tạo nghề với các cơ sở sản xuất và kinh doanh có hoạt động liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
|
|
PGS.TS. Trần Trọng Phương, Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) phát biểu khai mạc hội thảo. |
Chia sẻ về định hướng đào tạo của đơn vị, PGS.TS. Trần Trọng Phương, Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, chiến lược đào tạo của khoa hướng đến tính đa ngành, cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng tốt, có tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng cao, có trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường...
Chiến lược phát triển khoa học công nghệ gắn với giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu trong quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường lồng ghép với các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của đất nước và những vấn đề môi trường toàn cầu.
Hoạt động khoa học công nghệ của Khoa Tài nguyên và Môi trường tập trung nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật trong quản lý tài nguyên và môi trường; ứng dụng nguyên lý trong thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển công nghệ, giải pháp phục vụ cho phát triển bền vững.
Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được thành lập năm 1976 là Khoa có số lượng cán bộ đông nhất Học viện với 102 người. Khoa có 11 bộ môn, đào tạo 5 chuyên ngành Đại học (Quản lý đất đai, Quản lý Bất động sản, Quản lý Tài nguyên Môi trường, Khoa học Môi trường, Khoa học đất), 3 chuyên ngành sau đại học (Đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ các ngành: Quản lý đất đai, Khoa học Môi trường và Khoa học đất). Khoa có nguồn nhân lực chất lượng cao, thầy cô được đào tạo bài bản ở các nước nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Bên cạnh đó, về khoa học công nghệ trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, Khoa đã chủ trì và tham gia trên 36 đề tài cấp Nhà nước, dự án hợp tác quốc tế; chủ trì trên 100 đề tài cấp Bộ, tỉnh; hàng trăm đề tài cấp cơ sở, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất ở hầu hết các tỉnh, thành trên toàn quốc cũng như các nước và tổ chức quốc tế.
Năm 2024, Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển sinh 260 chỉ tiêu đại học gồm 5 ngành: Quản lý đất đai, Quản lý Bất động sản, Quản lý Tài nguyên và Môi trường; Khoa học môi trường; Khoa học đất (Khoa học đất và Quản trị tài nguyên đất);
* Tổ hợp xét tuyển nhóm ngành HVN03: A00 (Toán, Vật lí, Hóa học), A09 (Toán, Địa lí, GDCD), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học), D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh).
Tổ hợp xét tuyển nhóm ngành HVN15, HVN16 gồm: A00 (Toán, Vật lí, Hóa học), A01 (Toán, Vật lí, Tiếng Anh), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học) và D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh).
* Để được tư vấn đầy đủ về thông tin tuyển sinh năm 2024, liên hệ với số điện thoại: 02462617578 hoặc 0961926639 / 0961926939
* Địa chỉ liên hệ: Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Thị trấn Trâu Quỳ, Huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội.
Website: https://vnua.edu.vn; https://tuyensinh.vnua.edu.vn
Website: https:// https://tnmt.vnua.edu.vn/
Facebook: https://facebook.com/tuyensinhvnua.edu.vn
|
Theo https://danviet.vn/