Đến dự Hội thảo có các đại biểu đến từ Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ NN&PTNT, Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT; lãnh đạo các trường ĐH Thủy lợi, ĐH Nông lâm Thái Nguyên, ĐH Mỏ - Địa chất; Viện Nghiên cứu Rau Quả; Công ty TNHH Hải Long; đại diện Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam; lãnh đạo các khoa chuyên môn cùng cán bộ viên chức, sinh viên đang theo học chương trình tiên tiến tại Học viện.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện đã nhấn mạnh việc trao đổi, chia sẻ đa chiều từ các đơn vị quản lý, giảng viên giảng dạy, sinh viên theo học chương trình tiên tiến, đồng thời đánh giá từ các nhà sử dụng lao động đối với chất lượng đầu ra của sinh viên tốt nghiệp chương trình tiên tiến sẽ là những bài học, kinh nghiệm giúp cho Học viện đề ra được những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp tục phát triển và nhân rộng sang các ngành khác.

PGS.TS. Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc Hội thảo

Từ năm 2006, Học viện triển khai chương trình tiên tiến và liên kết đào tạo ở 2 ngành Khoa học cây trồng (liên kết với University of California, Davis (Mỹ) và Quản trị kinh doanh nông nghiệp (liên kết với Trường Đại học tổng hợp Wisconsin – Madison (Mỹ)). Thực tế, 10 chương trình tiên tiến triển khai thí điểm từ năm 2006 đã cho những kết quả rất khả quan, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác phát triển giáo dục giữa các trường đại học ở Việt Nam với các trường đại học có uy tín và thứ hạng cao ở Mỹ.

Tuy nhiên, một số khó khăn khi triển khai chương trình, theo báo cáo của PGS.TS Bùi Trần Anh Đào – Trưởng Ban Quản lý đào tạo trình bày tại Hội thảo thì trình độ Tiếng Anh của sinh viên nói chung còn hạn chế và không đồng đều ảnh hưởng tới quá trình học các môn chuyên ngành; đối tượng vào học chủ yếu là con em nông dân nên trình độ ngoại ngữ thấp. Thậm chí, trình độ tiếng Anh của một số giảng viên Việt Nam chưa tốt, phát âm chưa chuẩn, khả năng diễn đạt bằng tiếng Anh còn hạn chế; giáo trình nước ngoài khá đầy đủ song chưa có các giáo trình riêng của chương trình tiên tiến; nhiều máy móc trang thiết bị đã xuống cấp nên chất lượng phục vụ chưa cao.

PGS.TS. Bùi Trần Anh Đào - Trưởng Ban Quản lý đào tạo trình bày báo cáo tại Hội thảo

Đặc biệt, tiền học phí của sinh viên theo học các chương trình tiên tiến và chất lượng cao hiện đang áp dụng cao gấp 1,5 đến 2 lần so với mức học phí bình thường dù là thấp, chưa đáp ứng được các chi phí giảng dạy và đào tạo, song vẫn khó khả thi vì hầu hết sinh viên theo học đều là con em nông dân nghèo. Điều đó cũng kéo theo vấn đề khó khăn khi mời giáo viên nước ngoài sang giảng dạy.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Trưởng khoa Dầu khí Trường ĐH Mỏ - Địa chất - chia sẻ: Sau 5 năm thực hiện và triển khai đào tạo chương trình tiên tiến, bên cạnh các thành quả đạt được, Trường còn gặp nhiều khó khăn trước mắt và lâu dài, đặc biệt là vấn đề tuyển sinh. Số lượng sinh viên giỏi vào trường không nhiều, đặc biệt những thí sinh thi khối A thường hay e ngại, lo lắng sẽ không theo học được chương trình tiên tiến do trình độ tiếng Anh không tốt.

Tham luận của đại biểu trường ĐH Mỏ - Địa chất

Theo nhận xét của ông Trương Văn Trị - Giám đốc Công ty TNHH Hải Long (Tiền Hải, Thái Bình), đơn vị chuyên sản xuất, nuôi trồng thủy sản có tuyển dụng sinh viên Học viện thì khách quan mà đánh giá, sinh viên đào tạo theo chương trình tiên tiến vượt trội hơn so với mặt bằng chung các sinh viên nông nghiệp đào tạo tại những ngành và trường khác…

Kết luận tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Cường – Phó Giám đốc Học viện đã đưa ra những đề xuất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo chương trình tiên tiến như: tích cực quảng bá, giới thiệu về chương trình để sinh viên có thêm thông tin; xây dựng kế hoạch hợp tác trao đổi sinh viên, nghiên cứu khoa học giữa cơ sở đào tạo với các trường đối tác và các trường ĐH khác trong khu vực; cập nhật các kiến thức mới phù hợp hơn với điều kiện Việt Nam. Việc nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên, giảng viên là hết sức cần thiết, góp phần cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo, phải thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn ngắn, trung, dài hạn để giảng viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ; đổi mới phương pháp kiểm định, đánh giá năng lực ngoại ngữ…

Có thể thấy được những khó khăn trong quá trình đào tạo sinh viên theo chương trình tiên tiến, song không thể phủ nhận những kết quả khả quan chương trình mang lại bởi nó cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ về chuyên môn mà còn về khả năng sử dụng ngoại ngữ. Đây là một hướng đi đúng đắn và bắt kịp thời đại của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu lao động lành nghề, giỏi chuyên môn và ngoại ngữ của thị trường ngày càng tăng cao.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 


Ban CTCT và CTSV