Ngày 28/11/2019, tại hội trường C, Khoa Công nghệ thông tin - Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp cùng Ban Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu xây dựng mô hình chuyển đổi số cho trường học thông minh” và Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thành công hội thảo “Đại học thông minh: Cơ hội và thách thức”.

Đến tham dự Hội thảo về phía Học viện có GS.TS. Trần Đức Viên - Chủ tịch hội đồng Học viện, Lãnh đạo một số đơn vị trong Học viện và toàn thể các thầy cô Khoa Công nghệ thông tin. Về phía đơn vị đồng tổ chức có PGS.TS. Nguyễn Chấn Hùng – Viện Tự động hóa và điều khiển, Đại học Bách khoa Hà Nội. Hội thảo còn vinh dự được chào đón sự hiện diện của PGS.TS. Nguyễn Kim Quang – Phó Viện trưởng CDIT, ông Lê Đức Tiến – Giám đốc Công ty Đức phát, TS. Nguyễn Thị Kim Lý - Hiệu trường Đại học Thái Bình, cùng đại diện của nhiều trường, cơ quan tổ chức và công ty đến tham dự.

Khai mạc hội thảo, TS. Phan Thị Thu Hồng – Phó trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phát biểu lý do, mục tiêu và nội dung chương trình của hội thảo. Bà cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới đơn vị tài trợ, đại biểu, diễn giả và khách mời đã tới tham dự hội thảo.

Mở đầu chương trình hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thủy – Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, người có 20 năm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) đã nêu lên sức mạnh, những thay đổi mà trí tuệ nhân tạo đang tạo ra và sự cần thiết phải tiến hành cuộc cách mạng 4.0. Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Chấn Hùng khẳng định cuộc cách mạng 4.0 sẽ làm thay đổi hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, vì vậy các trường đại học phải nhanh chóng chuyển đổi, cập nhật để đáp ứng được cuộc cách mạng này. Sự chuyển đổi từ trường đại học sang trường đại học thông minh là tất yếu.

leftcenterrightdel
Đại biểu và các diễn giả chụp ảnh lưu niệm
 Đại biểu và các diễn giả chụp ảnh lưu niệm

Tiếp theo đó, TS. Vũ Hải – Viện nghiên cứu MICA, Đại học Bách khoa Hà Nội, trình bày về môi trường cảm thụ thông minh. Bài tham luận giới thiệu về công nghệ, các thiết bị và xây dựng môi trường cảm thụ thông minh. Đưa ra các xu hướng ứng dụng của môi trường thông minh như trường học thông minh hay thành phố thông minh. Một trong những ứng dụng trong giáo dục là Ứng dụng khảo sát trong trường học. Tổng kết phiên làm việc thứ nhất, GS.TS. Trần Đức Viên đã khẳng định giáo dục cần đi kịp với thời đại, đặc biệt cần đi đầu trong khoa học và công nghệ. Trong thời đại của cuộc cách mạng 4.0, giáo dục phải là giáo dục thông minh. Ông cũng đặt là vấn đề cần làm những gì để đạt được đại học thông minh và đi vào thực chất của cuộc cách mạng 4.0. 

Bắt đầu phiên làm việc thứ hai, TS. Phạm Quang Dũng – Phó trưởng khoa phụ trách Khoa công nghệ thông tin, trình bày về e-learning và vai trò của nó trong trường học thông minh. Tiếp theo là bài giới thiệu về Công nghệ Blockchain và ứng dụng trong giáo dục của TS. Nguyễn Kim Quang – Phó Viện trưởng CDIT. Blockchain có thể góp phần nâng cao độ tin cậy và tính minh bạch trong giáo dục, đặc biệt là trong quản lý bằng cấp.

leftcenterrightdel
Các diễn giả trong phần giao lưu của hội thảo
Các diễn giả trong phần giao lưu của hội thảo 

Phần toạ đàm của Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu và diễn giả. Đã có nhiều câu hỏi thiết thực được đưa ra. Các câu hỏi trọng tâm vào thế nào là đại học thông minh và làm thế nào để đại học thông minh đi vào thực chất của cuộc cách mạng 4.0. Chuẩn bị về mặt con người và tài chính cần thiết cho sự chuyển đổi này. Nhiều góc nhìn được đưa ra từ phía các nhà giáo dục và các doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn các câu hỏi chuyên sâu về mặt kỹ thuật như về công nghệ Blockchain.

Tổng kết, TS. Phạm Quang Dũng lên tuyên bố bế mạc hội thảo. Ông gửi lời cảm ơn sự tham gia của các đại biểu, diễn giả, khách mời và toàn thể giáo viên, sinh viên tham dự hội thảo, và khẳng định sự thành công của hội thảo.

Khoa CNTT