Năm 2019, Học viện Nông nghiệp VN (HVN) dự kiến tuyển khoảng 5.996 chỉ tiêu đại học hệ chính quy.

HVN đã và đang đa dạng ngành học, bám sát sâu hơn nhu cầu của xã hội. Từ đó, mở rộng cánh cửa việc làm cho các sinh viên khi ra trường.  

Vượt chỉ tiêu mong đợi

Nhắc tới Học viện Nông nghiệp VN hay Đại học Nông nghiệp I trước đây, nhiều người chắc hẳn “đóng đinh” với nhiều khoa đã trở thành thương hiệu như Chăn nuôi, Thú y, Thủy sản, Nông học… Nhưng giờ đây, ngôi trường này còn bắt kịp xu hướng việc làm, đào tạo nhân lực xã hội cần chứ không đào tạo những gì mình có. Điển hình nhất là hai ngành kỹ thuật ô tô và cơ điện tử, trực thuộc Khoa Cơ – điện, ra đời từ năm 2018.

Giờ học nhóm ngoại ngữ tại HVN
Giờ học nhóm ngoại ngữ tại HVN.

Nói về hai ngành mới, TS Nguyễn Xuân Trường, Phó trưởng Khoa Cơ – điện cho biết, đây là một hướng đi mới, là sự nhạy bén trong đào tạo nhân lực thời đại 4.0.

Năm 2018, dự kiến mỗi ngành chỉ nhận 50 chỉ tiêu, nhưng đạt kết quả ngoài mong đợi. Cụ thể, ngành kỹ thuật ô tô có 220 hồ sơ, cơ điện tử hơn 150 hồ sơ xét tuyển. Theo ông Trường, điều này thể hiện sự quan tâm lớn của học sinh, phụ huynh đối với hai ngành này.

Năm 2019, Khoa đang tiếp tục tuyển thêm khoảng 325 chỉ tiêu cho hai ngành trên. Dự kiến, lượng hồ sơ nhận được cũng sẽ trên đà vượt chỉ tiêu. Các sinh viên theo học hai ngành này sẽ được đào tạo chuyên sâu trong thời gian 4 năm. Mỗi ngành sẽ chia làm 130 tín chỉ. Trong đó, thời gian thực hành sẽ khoảng 27 tín chỉ, chưa kể thời gian các em đi kiến tập, thực tập tại cơ sở.

Lý giải vì sao một ngành mới toanh đối với trường lại “hot” như vậy, ông Trường cho biết, hiện nay công nghệ liên quan tới ô tô, điện tử đang rất phát triển. Việc đào tạo như vậy chính là bám sát nhu cầu của xã hội. Trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn chú trọng rèn nghề, trau dồi kinh nghiệm thực hành bên cạnh việc nắm vững lý thuyết.

“Ví dụ như ngành kỹ thuật ô tô, ngoài đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật, chúng tôi còn đào tạo các em tất cả các khâu từ chế tạo, lắp ráp, bảo dưỡng, thiết kế tới kinh doanh. Từ đó, giúp các em đa dạng hóa trong công việc sau này, đáp ứng gần như tất cả yêu cầu của nhà tuyển dụng”, ông Trường cho hay.

Riêng năm đầu, các sinh viên chủ yếu học về lý thuyết. Từ năm thứ 2 cho tới năm cuối, các em chủ yếu học ngay tại nhà xưởng, hay có thể làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp. Hiện tại, nhà trường đã xây dựng nhiều mối liên kết với các doanh nghiệp, từ các cựu sinh viên, giúp sinh viên mới có cơ hội thực tập, tìm kiếm việc làm.

Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp HVN đang hết sức rộng mở
Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp HVN đang hết sức rộng mở.

Nhiều giảng viên của Khoa đã được cử đi đào tạo ở nước ngoài, trau dồi kiến thức chuyên môn. Khoa cũng liên kết với nhiều viện nghiên cứu, trường học của Nhật Bản để có thể theo kịp trình độ kỹ thuật, mặt bằng chung của thế giới. Đặc biệt là đối với hai ngành mới mẻ như kỹ thuật ô tô và cơ điện tử.

 

Cũng theo ông Trường, theo thống kê, các sinh viên của Khoa (trừ 2 ngành mới), chỉ sau khoảng 1 tuần sau khi báo cáo tốt nghiệp thì gần như đã tìm được việc làm. Thậm chí hiện nay, nhiều doanh nghiệp tìm tới tận Khoa để “đặt hàng” sinh viên.

Từ năm thứ 2 trở đi, các sinh viên có năng lực tốt đã được doanh nghiệp xin về kiến tập, thực tập, đào tạo trở thành nhân viên. Cá biệt có những sinh viên chưa tốt nghiệp đã kiếm được những đồng lương đầu tiên bằng nghề đã học.  

Ánh sáng nơi cánh cửa nhỏ

Tại HVN, có một ngành học mang tên sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, tuy lâu đời nhưng dường như chưa nhiều sinh viên biết tới và theo học.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó trưởng bộ môn Phương pháp giáo dục sư phạm cho biết, tại đây, ngành kỹ thuật nông nghiệp đang được giảng dạy theo hướng định hướng nghề nghiệp (POHE). Những sinh viên theo học sẽ được miễn hoàn toàn học phí (khoảng 40 triệu đồng). Ngoài ra, nếu bị trùng học phần khi học thêm ngành thứ 2 cũng sẽ vẫn được miễn phí.

Ngay trong thời gian học tập, các sinh viên đã có cơ hội được đi thực tập hưởng lương tại các nước như Nhật Bản, Israel với thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, theo bà Hiền, dù có nhiều ưu đãi và cơ hội việc làm, ngành này chưa thực sự thu hút được nhiều sinh viên theo học. Bà Hiền lý giải, có thể nhiều em, nhiều phụ huynh vẫn nghĩ, đã là sư phạm thì đương nhiên làm giáo viên và rất khó xin việc sau khi ra trường. Điều này không hẳn chính xác, trong quá trình đào tạo, các sinh viên được trang bị đủ kiến thức chuyên môn về ngành nông nghiệp như chăn nuôi, thú y, cây trồng, thủy sản… Vì vậy, ngoài việc đứng lớp như một giáo viên, sau khi ra trường, các em có thể tham gia nhiều ngành như khuyến nông, cán bộ thú y, hay kinh doanh các ngành nghề liên quan.

Giờ học thực hành đo các chỉ số của cây của các sinh viên
Giờ học thực hành đo các chỉ số của cây của các sinh viên.

Để thu hút thêm sinh viên, HVN đã mở ngành kép sư phạm kỹ thuật nông nghiệp – kế toán, đào tạo tại Khoa sư phạm và ngoại ngữ. Với tấm bằng kép cử nhân, cánh cửa cơ hội việc làm mở rộng hơn với những sinh viên theo học.

Theo kế hoạch, năm 2019, HVN sẽ tuyển 5.996 chỉ tiêu cho 44 ngành đào tạo. Việc xét tuyển theo 3 hình thức là tuyển thẳng, xét học bạ, xét dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia. Đối với hình thức thi THPT quốc gia, thí sinh đăng ký theo quy định của Bộ GD-ĐT từ ngày 1/4/2019 đến 20/4/2019, điều chỉnh nguyện vọng từ 22/7/2019 đến ngày 29/7/2019 (online), từ 22/7/2019 đến ngày 31/7/2019 (trực tiếp).

Đối với hình thức xét tuyển thẳng, học bạ, thí sinh có thể đăng ký theo một trong ba cách: Trực tuyến tại website: https://tuyensinh.vnua.edu.vn/nop-ho-so-xet-tuyen-truc-tuyen/; Trực tiếp tại Ban Quản lý đào tạo - Phòng 121, tầng 1, Nhà Hành chính; Chuyển phát nhanh về địa chỉ: Ban Quản lý đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, TT. Trâu Quỳ, H. Gia Lâm, TP. Hà Nội. Thời gian đăng ký tuyển thẳng và học bạ từ ngày 01/3/2019 đến ngày 02/05/2019 (đợt 2), từ ngày 03/5/2019 đến ngày 10/7/2019 (đợt 3).

Để được tư vấn đầy đủ về thông tin tuyển sinh năm 2019 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, xin liên hệ: SĐT: 024.6261.7578/ 024.6261.7520 hoặc 0961.926.639/ 0961.926.939

KẾ TOẠI - https://nongnghiep.vn/