Để đáp ứng thị trường lao động trong ngành nấm, từ năm 2015 Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã mở chương trình đào tạo Công nghệ Sinh học (CNSH) nấm ăn, nấm dược liệu theo định hướng nghề nghiệp (POHE). Chuyên ngành nấm ăn, nấm dược liệu được xây dựng dựa trên cách tiếp cận mới trong đào tạo đại học ở các nước châu Âu và các nước phát triển trên thế giới. Căn cứ vào nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng mục tiêu nâng cao năng lực nghề nghiệp cho sinh viên, chương trình đào tạo chuyên ngành nấm ăn, nấm dược liệu ngoài việc thiết kế các học phần lý thuyết thì chương trình rất chú trọng các hoạt động thực hành môn học tại Học viện và tăng thời gian thực tập nghề, trải nghiệm tại các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo học chuyên ngành nấm ăn, nấm dược liệu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sinh viên không những có nền tảng kiến thức sâu rộng và kỹ năng thành thạo mà còn được sớm tiếp cận, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học do Học viện đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất.

Ngoài việc cung cấp kiến thức, kỹ năng cho sinh viên, Học viện Nông nghiệp luôn chú trọng đến việc nâng cao tư duy nghiên cứu sáng tạo cho sinh viên. Hàng năm, Học viện luôn hỗ trợ kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất cho sinh viên chuyên ngành nấm ăn, nấm dược liệu tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cùng các giảng viên hoặc sinh viên chủ động đề xuất ý tưởng và thực hiện các nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của các thày cô. Hàng năm, các kết quả nghiên cứu của sinh viên được Khoa Công nghệ Sinh học tổ chức hội đồng đánh giá nghiệm thu và Học viện vinh danh các ý tưởng và nghiên cứu xuất sắc.

leftcenterrightdel
 Các bạn sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học tại viện Nghiên cứu và Phát triển nấm ăn, nấm dược liệu

Một số trong các đề tài của sinh viên chuyên ngành nấm ăn, nấn dược liệu được Học viện Nông nghiệp Việt nam cấp kinh phí và tạo điều kiện về cơ sở vật chất để triển khai như đề tài: Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học chủng nấm linh chi Gat (Ganoderma sp.) được thu thập ở Vườn Quốc gia Ba Vì - Hà Nội; đề tài: Phân lập và đánh giá một số dòng đơn bào tử của chủng nấm rơm V1 (Volvariella volvacea); đề tài: Nghiên cứu thành phần loài và đặc điểm sinh trưởng của một số đại diện thuộc nhóm nấm lớn tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam; đề tài: Nghiên cứu tái sử dụng giá thể sau thu hoạch một số loài nấm để nuôi trồng nấm sò;… Kết quả nghiên cứu của các đề tài trên đều có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Sản phẩm nghiên cứu của sinh viên không những là các báo cáo khoa học, là các bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học có uy tín mà còn có những sản phẩm dần dần từng bước được ứng dụng trong thực tiễn sản xuất. Việc tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu khoa học ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường không những kích thích tư duy sáng tạo, tìm hiểu kiến thức chuyên sâu mà còn giúp các em được tiếp cận với phương pháp nghiên cứu khoa học, cách trình bày và giải quyết các vấn đề trong nghiên cứu khoa học.

leftcenterrightdel
 Hoạt động thu thập nguồn gen nấm ăn, nấm dược liệu để phục vụ nghiên cứu của sinh viên Khoa Công nghệ Sinh học
leftcenterrightdel
 Một số sản phẩm nghiên cứu của sinh viên chuyên ngành nấm ăn, nấm dược liệu

Học viện Nông nghiệp Việt Nam đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên. Bên cạnh đó là đội ngũ cán bộ có chuyên môn sâu, nhiệt huyết với nghề. Là một đơn vị nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, Học viện luôn gắn nghiên cứu khoa học - công nghệ với đào tạo và phục vụ sản xuất, chính sự tạo điều kiện để sinh viên sớm tiếp cận sớm với các đề tài có ứng dụng thực tiễn mà ngay sau khi ra trường, sinh viên chuyên ngành nấm ăn nấm dược liệu có rất nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp với chuyên ngành đã học.

Khoa Công nghệ Sinh học