Ngày 6/4, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về Môi trường nông nghiệp, nông thôn và phát triển bền vững, nhằm đưa ra những giải pháp thực tiễn nâng cao chất lượng đào tạo lĩnh vực tài nguyên môi trường, “kịch bản” phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
|
|
Toàn cảnh Hội thảo khoa học quốc gia về Môi trường nông nghiệp, nông thôn và phát triển bền vững. |
Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại diện các cơ quan chức năng, chuyên gia đầu ngành như: đồng chí Quàng Văn Hương, đại biểu Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội; Giáo sư Toru Wantanabe, Trưởng Khoa Nông nghiệp, Đại học Yamagata (Nhật Bản); Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Mai, Viện phó Viện Khoa học Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)...
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trọng Phương, Trưởng Khoa Tài nguyên và Môi trường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), trong bối cảnh hiện nay, môi trường nông nghiệp, nông thôn không những chịu sức ép trực tiếp từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân nông thôn, mà còn từ hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, khu vực đô thị lân cận.
Bên cạnh đó, tình hình biến đổi khí hậu càng ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường, đe doạ trực tiếp tới chất lượng môi trường, cảnh quan thiên nhiên và sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn nước ta. Vì vậy, để có sự phát triển bền vững, cần có những giải pháp phù hợp về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
|
|
Các đại biểu thảo luận, đặt câu hỏi tại hội thảo. |
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Việt Nam hiện có khoảng gần 100 trường đại học, cao đẳng đào tạo các ngành, chuyên ngành về tài nguyên và môi trường (chiếm khoảng 20%).
Tuy nhiên, công tác đào tạo về lĩnh vực trên còn chưa cân đối; nhiều lĩnh vực quản lý mới của ngành Tài nguyên và môi trường chưa được các cơ sở đào tạo quan tâm, chưa mở ngạch đào tạo kịp thời, hệ thống các cơ sở đào tạo còn thiếu đồng bộ, chưa có tính liên thông, liên kết cao.
Do đó, cần đổi mới theo hướng thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chất lượng đào tạo theo chuẩn của quốc gia và khu vực; có kiểm định và đánh giá thường xuyên; tăng cường kết nối đào tạo nghề với các cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Ngoài ra, cần tạo điều kiện để sinh viên thực tập quản lý cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường tại các sở, phòng, ban tài nguyên và môi trường; tăng cường nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.
|
|
Hội thảo có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý về tài nguyên và môi trường các địa phương trên cả nước. |
Hội thảo cũng tiếp nhận hàng trăm bài nghiên cứu từ các nhà khoa học về 3 chuyên đề chính: hiện trạng môi trường nông nghiệp, nông thôn và biến đổi khí hậu; ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo vệ môi trường; quản lý tài nguyên môi trường và phát triển bền vững.
Theo đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các giải pháp thực tiễn, “kịch bản” thích ứng với biến đổi khí hậu. Đáng chú ý như: nghiên cứu “Tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực của Việt Nam”, đã khuyến nghị đẩy mạnh chuyển đổi phát triển nông nghiệp sang nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, nâng cao năng suất và duy trì ổn định, bền vững cho hệ thống nông-lương, bảo đảm an ninh lương thực.
Theo https://nhandan.vn/