Trong khuôn khổ dự án POHE 2 đang được triển khai tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngày 17/06 vừa qua, Khoa Kinh tế và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội thảo “Kết nối trong đào tạo đại học ngành Phát triển nông thôn theo định hướng nghề nghiệp”, nhằm tăng cường kết nối giữa cơ quan đào tạo và đơn vị tuyển dụng.

Đến dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Học viện, các doanh nghiệp, đại diện tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (PTNT) các địa phương, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục PTNT, các Bộ môn thuộc Khoa Kinh tế và PTNT, đại diện cán sự các lớp PTNT và toàn thể sinh viên lớp PTNT theo định hướng nghề nghiệp khóa 60.

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Phó giám đốc Học viện Nguyễn Xuân Trạch nhấn mạnh: “Đây là chương trình giáo dục đại học đặt mục tiêu cung cấp các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, có sự liên kết chặt chẽ với các lĩnh vực nghề nghiệp (công giới) trong nền kinh tế xã hội của Việt Nam. Ưu điểm của chương trình này là giúp cho sinh viên tốt nghiệp tiếp cận và hòa nhập nhanh với thị trường lao động. Qua đó các trường đã có chiến lược hợp tác chặt chẽ với các nhà tuyển dụng”.

Phó giám đốc Học viện Nguyễn Xuân Trạch phát biểu tại Hội thảo

Tham luận của Bà Nguyễn Thị Minh Hiền - Phó trưởng Khoa phụ trách đào tạo  giới thiệu về Khoa Kinh tế và PTNT và chương trình đào tạo ngành PTNT theo hướng nghề nghiệp có nêu rõ: Chương trình Phát triển Nông thôn POHE được xây dựng với thời lượng thực tập nghề nghiệp nhiều gấp 4 lần so với chương trình thường. Sau năm thứ 2 tùy thuộc vào năng lực và mong muốn phát triển nghề nghiệp mà sinh viên có thể theo đuổi theo 3 định hướng nghề nghiệp đó là: Quản lý phát triển nông thôn; Tổ chức sản xuất và dịch vụ phát triển nông thôn và khuyến nông; Công tác xã hội trong phát triển nông thôn. Tham luận cũng đề xuất các hoạt động hợp tác với các bên có liên quan trong hoạt động đào tạo và phát triển chương trình PTNT POHE.

Tiếp đó, hội thảo cũng nghe các tham luận cũng như các chia sẻ của đại biểu về “Cơ hội việc làm cho cử nhân ngành PTNT và vai trò của các bên liên quan”. Theo đó cơ hội việc làm của cử nhân PTNT POHE là khá rộng, sinh viên có thể thực tập nghề nghiệp và làm việc sau khi tốt nghiệp ở các đơn vị hưởng ngân sách (như các bộ ngành, trung tâm khuyến nông, các huyện, xã, cục và các ban phát triển nông thôn địa phương…); Chương trình, tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài; Đơn vị kinh tế (doanh nghiệp, trang trại, HTX, làng nghề, cơ sở sản xuất…).

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao rất đồng tình với chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp, tăng thời lượng thực hành ở các cơ sở để sinh viên có thể nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết nhiều hơn với thực tiễn và đồng thời cũng nhấn mạnh đến các kỹ năng mềm mà một sinh viên của Khoa Kinh tế & PTNT cần có để bước chân vào môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp Đồng Giao cũng cam kết sẵn sàng có những hỗ trợ cho hoạt động đào tạo của Khoa KT & PTNT. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Chiến, Trợ lý Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam cũng chia sẻ rằng, công ty luôn gợi mở các vị trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, tuy nhiên, ông cũng kỳ vọng rằng, sinh viên ngoài hoạt động chuyên môn, cần tham gia các hoạt động khác để tăng cường thêm kỹ năng mềm.

Cựu sinh viên Nguyễn Xuân An, hiện đang giữ vị trí Cán bộ phát triển vùng của tổ chức World Vision đã chia sẻ với hội thảo về chủ đề “Kiến thức và kỹ năng cần có của một cán bộ Phát triển cộng đồng”. Tham luận nhấn mạnh, bên cạnh các kiến thức đối với sinh viên ngành PTNT (quản lý cộng đồng, kinh tế, xã hội và môi trường phát triển; dân tộc, giới, quản lý dự án, quản lý tài chính…), Các kỹ năng nghề nghiệp (kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, thúc đẩy, xác định vấn đề, lập kế hoạch, giám sát và đánh giá, giải quyết vấn đề và giải quyết xung đột…), thì thái độ đối với nghề nghiệp, thái độ tôn trọng cộng đồng cũng hết sức quan trọng. Thái độ sẽ quyết định hành động của bạn. Ông An cũng chia sẻ các kỹ năng khi phỏng vấn đối với các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các cơ hội thực hành tại các tổ chức này. 

Đứng ở góc độ thụ hưởng, đại diện sinh viên ngành phát triển nông thôn theo định hướng nghề nghiệp, sinh viên Thào Mí Phừ cũng chia sẻ về quá trình học tập và những mong mỏi đề xuất với Học viện, Khoa và tổ các chức cơ quan, doanh nghiệp về cơ hội thực tập và việc làm sau khi tốt nghiệp.

Trước khi kết thúc hội thảo để ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Khoa Kinh tế và PTNT với các doanh nghiệp, tổ chức là phần trao học bổng của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và của Bộ môn Phát triển Nông thôn cho 4 sinh viên lớp Phát triển Nông thôn POHE có hoàn cảnh khó khăn nhưng nỗ lực để đạt kết quả học tập tốt.


Lễ trao học bổng cho sinh viên lớp PTNT POHE

Với các nỗ lực về đào tạo nhằm hòa nhập vào hệ thống đào tạo thế giới, hy vọng rằng mô hình này này sẽ cung cấp những lao động chất lượng, có khả năng làm việc đáp ứng với nhu cầu sử dụng lao động ngay sau khi tốt nghiệp.

Lễ ký Biên bản hợp tác trong đào tạo


Các đại biểu và sinh viên chụp ảnh kỷ niệm