Nuôi trồng thủy sản vốn được đánh giá là một ngành hẹp nhưng luôn có những đóng góp to lớn trong nông nghiệp. Thủy sản từ lâu được xem là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn và hàng năm đóng góp khoảng 8-10 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, đào tạo ngành thủy sản luôn mang nhiều nét đặc trưng riêng, khác biệt.

Số lượng sinh viên thủy sản không nhiều ở hầu hết các cơ sở đào tạo phía Bắc như ĐH Huế, ĐH Hồng Đức, ĐH Vinh… Hàng năm, Khoa Thủy sản – Học viện Nông nghiệp Việt Nam (HVNNVN) tiếp nhận khoảng 60-150 sinh viên mới vào nhập học. So với các khoa chuyên môn khác, số lượng sinh viên Khoa Thủy sản ít hơn và điều đó mang lại nhiều thuận lợi cho người học.


Với số lượng chỉ từ 30-60 sinh viên/lớp, sự tương tác giữa các sinh viên trong lớp với nhau cũng như giữa sinh viên với giảng viên tốt hơn hẳn. Với hình thức đào tạo tín chỉ như hiện nay, sinh viên hoàn toàn độc lập trong việc đăng ký lựa chọn môn học. Không còn ban cán sự lớp, không còn giáo viên chủ nhiệm mà thay vào đó là ban tư vấn học tập của các khoa. Do đó, ở những ngành đông sinh viên, nhiều sinh viên đến khi ra trường vẫn xem nhau như người lạ. Điều này hoàn toàn không có đối với sinh viên khoa Thủy sản - HVNNVN. Với tập thể lớp nhỏ, thầy cô khoa Thủy sản quyết tâm giữ vững niềm tin “chất lượng hơn số lượng” để cùng nhau xây dựng thương hiệu khoa Thủy sản ngày càng uy tín trong xã hội và thị trường nhân lựu chất lượng cao. Sinh viên trong lớp thủy sản luôn là một tập thể, một gia đình gắn kết và đó là yếu tố tinh thần kích thích nhiệt huyết và sự năng động trong mỗi sinh viên.

Thực tế cho thấy, sinh viên khi nhập học tại Khoa Thủy sản – HVNNVN vô cùng hào hứng khi được học tập ngay tại thủ đô, môi trường sống năng động và độc lập khỏi gia đình là những mong ước của nhiều bạn trẻ. Với cơ sở vật chất mới, khang trang, sạch đẹp, thoáng đãng và trong lành – một môi trường học với những đặc trưng cơ bản của nghề. Khoa Thủy sản – HVNNVN là khoa có tỉ lệ giáo viên/sinh viên cao nhất, tỉ lệ diện tích không gian học và thực hành/sinh viên cao nhất. Trong quá trình học tập, hơn 70% sinh viên được tham gia vào câu lạc bộ chuyên ngành để thỏa nguyện mong muốn khám phá và thử nghiệm nghiên cứu khoa học cũng như đưa các tiến bộ vào sản xuất. Đây là một trong những hoạt động thực tế rất mạnh của Khoa Thủy sản mà không phải cơ sở đào tạo nào cũng có được. Hoạt động đoàn thể và hoạt động chuyên môn của câu lạc bộ là đòn bẩy giúp sinh viên tự tin, năng động và bản lĩnh hơn khi ra nghề. Bên cạnh đó, trong quá trình học, 100% sinh viên được giáo viên liên hệ gửi đến các cơ sở liên kết đào tạo như các viện nghiên cứu, trung tâm sản xuất giống ven biển và trên biển để sinh viên rèn nghề, thực tập giáo trình và đề tài tốt nghiệp. Tại các cơ sở này, sinh viên tiếp cận với công việc thực tế để hiểu được sở thích của bản thân, tìm được hướng nghiên cứu phù hợp và công việc yêu thích. 


Do số lượng sinh viên ít, chất lượng cao và đồng đều nên sinh viên thủy sản khi ra trường không phải vất vả cạnh tranh để tìm việc. Đối với nhiều ngành thì sinh viên chật vật tìm nơi “tập sự” thì sinh viên thủy sản hoàn toàn có quyền chủ động lựa chọn cho mình các công việc yêu thích và phù hợp nhất. Hầu hết sinh viên đều có thể có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp để về làm tại các viện nghiên cứu, trung tâm sản xuất giống thủy sản, công ty dịch vụ thuốc và thức ăn… Lương thu nhập bình quân 8 đến 15 triệu đồng/tháng cá biệt có trường hợp đạt 30 đến 50 triệu đồng/ tháng. Thành công của sinh viên, đánh giá cao của các nhà tuyển dụng lao động với sinh viên tốt nghiệp là mong muốn và hạnh phúc của thầy cô Khoa Thủy sản. Năm 2018, Học viện phân bổ cho khoa 60 chỉ tiêu tuyển sinh nhưng chủ trương của lãnh đạo khoa sẵn sàng tiếp nhận toàn bộ nguyện vọng của sinh viên yêu thích và đăng ký học ngành thủy sản.