Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển cơ sở vật chất, cải thiện tình trạng sinh viên ra trường bị thất nghiệp hoặc làm trái ngành nghề. Ở nhiều trường, không chỉ là liên kết đào tạo, các doanh nghiệp còn đặt hàng để tìm kiếm được nguồn nhân lực đáp ứng với nhu cầu công việc.

Vận dụng kiến thức trên giảng đường vào thực tế

Dù vấn đề sinh viên ra trường thất nghiệp hoặc phải tìm công việc trái ngành nghề mình học để kiếm việc diễn ra tương đối nhiều nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển dụng được nhân viên đáp ứng nhu cầu công việc. Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp đã đặt hàng và phối hợp với các trường đại học để tìm được những nhân lực phù hợp.

Để đào tạo sinh viên cọ sát với thực tế, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã có chủ trường kết hợp với các doanh nghiệp để đào tạo sinh viên vừa học, vừa làm. Nhiều ngành học của Học viện đã liên kết với doanh nghiệp trong đó có Khoa Chăn nuôi và Thú y.

leftcenterrightdel
 Một tiết học trong lớp "Hạt giống tài năng" - chương trình liên kết giữa khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và Công ty CP Greenfeed Việt Nam

Theo đó, khoa Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam nhằm hỗ trợ giáo dục, phát triển tài năng sinh viên như: Trao học bổng, hỗ trợ giáo cụ, tài trợ các dự án nghiên cứu nhằm mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi Việt Nam…

Nhận xét về sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, TS. Bùi Huy Doanh, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Chăn nuôi - Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, sự hợp tác giữa Khoa và Công ty Cổ phần Greenfeed nhằm mục đích chia sẻ kiến thức chuyên môn và trải nghiệm thực tế. Từ đó giúp sinh viên ngành Chăn nuôi, Thú y kết hợp kiến thức được học trên giảng đường, vận dụng trong môi trường thực tế một cách hiệu quả. Sự hợp tác này còn giúp sinh viên học hỏi thêm các kiến thức về Chăn nuôi an toàn sinh học, giải pháp trọng tâm Greenfeed, marketing và công nghệ vận hành sản xuất. Đây thực sự là cơ hội lớn đối với sinh viên Khoa Chăn nuôi và Thú y, nhờ các buổi đào tạo hay thăm quan và làm việc thực tế tại các nhà máy, trang trại sẽ giúp các em có được những định hướng tốt hơn trước khi ra trường cũng như làm quen với môi trường làm việc năng động, hiệu quả.

Trở về trường sau những buổi thực tập tại trang trai của Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam, Nguyễn Thị Vân, sinh viên K63 CNTYA chia sẻ: “Mình may mắn được lựa chọn là 1 trong 30 sinh viên của khoa được công ty tài trợ học bổng.

Với những sinh viên như bọn mình, được học, nghe, gặp gỡ giao lưu chia sẻ cùng các anh chị có kinh nghiệm thực tế nhiều năm trong nghề thật sự là một trải nghiệm tuyệt vời và có ý nghĩa quan trọng trong cho công việc sau này. Không chỉ đào tạo về mặt kiến thức, chương trình liên kết còn hỗ trợ cả về chi phí học tập trên ghế nhà trường. Lần đầu tiên, một chương trình đào tạo thực tế của công ty được triển khai song song cùng chương trình đào tạo của nhà trường, đây là một bước đi mới giúp cho chất lượng đầu ra của sinh viên vượt trội hơn”.

leftcenterrightdel
 Sinh viên khoa Chăn nuôi thực tập tại trang trại

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chú trọng đào tạo đa ngành, không chỉ về nông nghiệp mà còn cả kinh tế, kỹ thuật, công nghệ, quản lý, luật, xã hội… Để hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, lãnh đạo Học viện đã bố trí và kết nối với hơn 100 doanh nghiệp nhằm đào tạo sinh viên đáp ứng với môi trường công việc thực tế. Ngoài ra, từ những đối tác này đã tạo nhiều cơ hội cho các bạn trẻ tìm kiếm việc làm thích hợp sau khi ra trường.

Theo kết quả đánh giá ngoài thuộc Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục, số lượng sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam ra trường có việc làm sau 12 tháng chiếm 97,36%. Hầu hết các ngành học, sinh viên đều có việc làm sau khi ra trường đạt trên 90%.

Giải bài toán về nhân lực

Không chỉ ở các trường đại học, với những trường cao đẳng nghề, việc liên kết đào tạo cùng doanh nghiệp đang được chú trọng. Mấy năm trở lại đây, trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, cao đẳng Cơ điện Hà Nội… cũng đã cho thấy hiệu quả nhất định khi liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo lao động.

Theo đó, Công ty Honda Việt Nam đã tặng các thiết bị, máy móc phục vụ giảng dạy cho trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Bên cạnh đó, Cty Honda Việt Nam còn hợp tác với trường để nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm việc làm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên. Cùng với đó là các lớp chất lượng cao sẽ được mở, trường đào tạo theo đặt hàng của Honda Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ tổ chức chương trình thực tập sinh và tuyển dụng sinh viên xuất sắc kết hợp giải quyết việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên các nghề kỹ thuật.

Ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, việc doanh nghiệp tham gia đào tạo với nhà trường sẽ tạo ra những trung tâm đào tạo, hợp tác giữa 2 bên; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lớn như AGRIMECO, PMC-VNPT… đã đặt hàng đào tạo kỹ sư thực hành tại trường.

 

leftcenterrightdel
 Sinh viên trường cao đẳng Điện cơ Hà Nội trong một buổi học

Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội hiện đang đào tạo nguồn nhân lực theo 3 cấp độ: theo lối cũ, liên kết với doanh nghiệp để cùng đào tạo và đào tạo theo đặt hàng của doanh. nghiệp. Trong khoảng 10 năm liên kết đào tạo, trường đã hợp tác với trên 150 doanh nghiệp. Việc liên kết, cập nhật tiêu chuẩn lao động từ doanh nghiệp còn giúp trường định hướng chương trình, xác định các thiết bị, máy móc cần đầu tư để phù hợp với công nghệ và yêu cầu sản xuất thực tế.

Theo ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, trường đang đào tạo theo đặt hàng từ Tập đoàn Hanwha, doanh nghiệp duy nhất trong lĩnh vực động cơ hàng không ở Hàn Quốc, Công ty TOYOTA Việt Nam, THACO Trường Hải…

Nhận xét về việc liên kết giữa doanh nghiệp và trường học, nhiều ý kiến cho rằng, việc hợp tác đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp là hướng đi ngắn nhất, hiệu quả nhất trong đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện… Hướng đi này không chỉ giảm chi phí đào tạo mới và đào tạo lại nhân lực cho các doanh nghiệp mà còn giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với kiến thức thực tế, từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm khi ra trường.

Đình Trung-https://tuoitrethudo.com.vn/