Ngành đào tạo Công thôn (Công trình xây dựng nông thôn) được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở mã ngành và đào tạo từ khóa 37 của Học viện. Hiện nay, Ngành bao gồm chuyên ngành Công trình và chuyên ngành Kỹ thuật hạ tầng cơ sở. Trong đó, chuyên ngành Công trình là một trong những chuyên ngành quan trọng. Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngành Công thôn được đảm trách bởi Bộ môn Cơ học kỹ thuật, khoa Cơ Điện.

Mục tiêu đào tạo

Với chương trình khung được xây dựng trên cơ sở chương trình đào tạo của ngành Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp trong khối các Trường Đại học nhóm kỹ thuật. Do vậy, mục tiêu đào tạo của chuyên ngành Công trình là đào tạo kỹ sư với kiến thức chuyên sâu về thiết kế, thi công các công trình Dân dụng và Công nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, người kỹ sư có khả năng thiết kế, tổ chức, giám sát, kiểm soát và quản lý thi công và quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp, bao gồm các công trình có yêu cầu kỹ thuật cao như nhà cao tầng, nhà thi đấu, sân vận động, tháp truyền hình, bể chứa ...

Phương thức đào tạo

Sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói chung cũng như sinh viên thuộc ngành Công thôn nói riêng được đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Vì vậy, phụ thuộc vào năng lực, sự cố gắng của sinh viên trong quá trình học tập cho phép rút ngắn thời gian học còn từ 4 đến 5 năm. Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng Kỹ sư theo chuyên ngành học (Công trình; Kỹ thuật hạ tầng cơ sở).

Phương thức đào tạo tín chỉ linh hoạt cho phép sinh viên có học lực khá có thể cùng lúc đăng ký các học phần môn học của chương trình học thứ hai (học song bằng). Sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng có thể đăng ký theo học văn bằng hai các ngành đào tạo khác của trường hoặc các trường khác thuộc khối kỹ thuật, sau khi học bổ sung một số môn học cần thiết với thời gian học được rút ngắn từ 2 đến 2,5 năm.

Cơ hội học bổng khuyến khích học tập

Căn cứ vào kết quả học tập ở các mức xuất sắc, giỏi, khá, vào đầu mỗi kỳ học sinh viên sẽ được Khoa xem xét và đề nghị Học viện cấp học bổng khuyến khích học tập. Ngoài ra, sinh viên của Học viện nói chung còn có cơ hội được nhận nhiều loại học bổng khác do các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tài trợ cho những sinh viên đạt thành tích cao trong học tập.

Cơ hội nghề nghiệp và việc làm

Sau khi tốt nghiệp, các kỹ sư ngành Công thôn có thể làm việc trong các cơ sở nghiên cứu đào tạo và sản xuất, các cơ quan nhà nước cũng như trong các cơ sở thuộc các thành phần kinh tế khác phục vụ cho sự nghiệp công việc công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước như xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện, công trình biển, tháp truyền hình, cột tải điện cho các ngành truyền thông, điện lực ...

Sinh viên chuyên ngành Công trình khi ra trường sẽ có môi trường làm việc rất rộng tại các công ty tư vấn, thiết kế và xây dựng (trong và ngoài nước), các cơ quan quản lý các cấp, các cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo trong lĩnh vực Kỹ thuật xây dựng công trình.

Hiện nay, Bộ môn và Khoa đang tiến hành ký kết các hợp đồng liên kết đào tạo, thực tập cũng như tuyển dụng lao động đối với các cơ quan, doanh nghiệp có uy tín thuộc lĩnh vực như Tổng công ty 319, Bộ Quốc phòng (Hà Nội); Tổng công ty CP Xuất nhật khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) (Hà Nội); Tập đoàn Hà Đô (Hà Nội); Công ty CP đầu tư phát triển Đô thị và  KCN Sông Đà (Sudico) (Hà Nội)…

Một số hình ảnh

Đồ án tốt nghiệp sinh viên chuyên ngành Công trình
 

Thực tập kỹ thuật thi công tại công trình thực tế