Với đặc điểm về vị trí địa lý, khí hậu của Việt Nam đã góp phần tạo nên sự đa dạng về hệ sinh thái và các loài sinh vật trong đó phải kể đến là nguồn tài nguyên dược liệu rất phong phú và đa dạng. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về mặt cây dược liệu cho xuất khẩu trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng hiện tại giá trị xuất khẩu của Việt Nam so với giá trị nhập khẩu còn chưa cao. Việc khai thác dược liệu quá mức mà không đi đôi với việc phát triển, bảo tồn dược liệu đã dẫn đến số lượng loài cây dược liệu quý có khả năng khai thác trong tự nhiên còn rất ít.
Khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên sinh vật nói chung và nguồn cây dược liệu nói riêng đang là vấn đề cấp bách được đặt lên hàng đầu. Bởi vì bảo vệ tài nguyên sinh vật là chúng ta đang bảo vệ sự cân bằng sinh thái, bảo vệ sự đa dạng sinh học và môi trường, bảo vệ chính chúng ta về sức khỏe, kinh tế, văn hóa, ... Hơn nữa, phát triển dược liệu trong giai đoạn tới cũng mở ra cơ hội rất lớn cho việc giao thương, tham gia thị trường quốc tế về dược liệu và dược phẩm có nguồn gốc tự nhiên.Trong khi đó tất cả các trường Đại học khối ngành kỹ thuật Nông Lâm ngư và các trường Dược đều không có chuyên ngành hay ngành đào tạo kỹ sư chuyên ngành cây dược liệu với các kiến thức về khoa học trồng trọt, sơ chế biến bảo quản dược liệu… Một số trường, trong chương trình đào tạo có môn học “cây thuốc” nhưng cũng chỉ là môn học tự chọn trong ngành Khoa học cây trồng. Những chuyên gia về dược liệu ngày nay, chủ yếu đều là cán bộ kỹ thuật được đào tạo chung về Nông nghiệp, nên thiếu những kiến thức chuyên sâu về dược liệu.
Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy trong nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng caocho ngành dược liệu trong tương lai là rất lớn. Do vậy, cơ hội việc làm của sinh viên ngành Cây dược liệu khi tốt nghiệp rất đa dạng bao gồm các Viện, các Trung tâm nghiên cứu về cây dược liệu, Sở Nông nghiệp &PTNT, Trung tâm khuyến nông, các công ty dược phẩm, ……
Trước yêu cầu hội nhập và phát triển của đất nước, đồng thời để thực hiện được chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng của nguồn nguyên liệu làm thuốc ở nước ta, cần thiết mở ngành chuyên ngành đào tạo Khoa học cây dược liệu cho ngành Khoa học cây trồng như một chương trình hành động có tính chiến lược.
Do vậy năm 2015, Khoa Nông học – Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã mở thêm Chuyên ngành Khoa học cây dược liệu với mục tiêu đào tạo cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có những kiến thức và kỹ năng về chọn lựa cây thuốc, gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng và kinh doanh nhằm tạo ra các sản phẩm dược liệu có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao, phục vụ sản xuất, bảo tồn và phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành dược bền vững.
Vườn tập đoàn cây dược liệu | Mô hình sản xuất cây đinh lăng |