|
|
Những thiết bị thông minh sẽ làm đảo lộn mô hình học tập truyền thống. Điều này sẽ khiến các trường chuyển đổi nhanh chóng sang mô hình trường học thông minh sẽ sớm đón đầu được nhu cầu thị trường, trong khi các trường không hoặc chậm chuyển đổi sẽ nhanh chóng bị mất thương hiệu vốn có. |
Không thể đứng ngoài cuộc
Mở đầu hội thảo này, PGS. TS Nguyễn Thị Thủy, Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, người đã có 15 năm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) đã dẫn chứng một ví dụ khiến không ít đại diện các trường có thể giật mình, đó là khả năng tạo ra khuôn mặt người máy không khác người thật với tốc độ rất nhanh.
Trong khi đó, nếu một sinh viên học ngành nông học phải mất tới 5 năm đào tạo và khá nhiều thời gian làm việc tại các công ty nghiên cứu giống mới có thể phân biệt các giống lúa khác nhau thì trí tuệ nhân tạo ngay lập tức có thể phân biệt được các giống lúa với độ chính xác lên tới 70-90%.
Đây chỉ là một trong những ví dụ cụ thể cho thấy, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến nhiều ngành nghề cũ biến mất khi robot thay thế con người, nhiều ngành nghề mới tạo ra khiến hầu hết dân số sẽ phải tự đào tạo lại nếu không muốn mất việc làm.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Chấn Hùng, Viện Tự động hóa và Điều khiển, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, cuộc cách mạng 4.0 sẽ làm đảo lộn toàn bộ hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.
Ở góc nhìn kinh tế, ông Hùng cho rằng, những yếu tố vốn dĩ là thế mạnh của mô hình giáo dục truyền thống sẽ không còn khi giáo viên không phải là tài sản riêng của trường đại học vì họ có thể tham gia bất kỳ tổ chức nào sinh lợi nhuận và nhiều giá trị gia tăng khác. Trong khi đó, sinh viên không còn là nguồn thu duy nhất của cơ sở giáo dục khi đây là chủ thể chủ động chọn mua các thành phần kiến thức có lợi cho kho tri thức cá nhân của họ. Giá trị thương hiệu của trường khi đó không phải đo bằng những chỉ số giới hạn như cơ sở vật chất, thâm niên và các cá nhân xuất sắc của trường mà là lòng tin của công chúng, khả năng digital marketing….
Trên thực tế, thị trường giáo dục thông minh trên thế giới hiện đã đạt giá trị 220 tỷ USD. Riêng thị trường Việt Nam, năm 2016 đã có 309 dự án giáo dục điện tử với tổng số vốn lên tới trên 767 triệu USD còn thị trường giáo dục online đã đạt trên 2 tỷ USD (gần 46.000 tỷ đồng).
Hiện Mỹ và Trung Quốc đang là 2 quốc gia đi đầu trong cạnh tranh về giáo dục thông minh.
Quay trở lại Việt Nam, ông Hùng khẳng đinh, các trường của Việt Nam đã bắt đầu chuyển đổi nhưng mới ở vạch xuất phát.
Mới đây nhất, 4 trường đại học gồm Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Bưu chính Viễn thông và Học viện Chính trị khu vực I đã được Bộ Khoa học và Công nghệ chấp thuận hỗ trợ đề tài nghiên cứu xây dựng mô hình chuyển đổi số cho trường học thông minh và sẽ bước đầu đi vào thử nghiệm các công nghệ mới nhất vào giáo dục với kỳ vọng có thể tạo ra đội ngũ nhân lực đạt chất lượng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tài chính có phải là thách thức?
Tuy nhiên, một trong những thách thức đặt ra là nếu các trường chuyển đổi sang mô hình trường học thông minh thì hàng loạt các yếu tố sẽ phải thay đổi liên quan tới các thiết bị phần cứng, phần mềm, công nghệ, phòng học thông minh đi cùng với hoạt động sư phạm thông minh, quản lý người học, giáo viên thông minh và chương trình giảng dạy thông minh.
Theo tính toán của TS. Phạm Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm tin học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, quá trình chuyển đổi này sẽ làm chi phí tăng lên khoảng 60% so với đầu tư một mô hình học tập truyền thống.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng kỳ vọng lợi nhuận có thể nhanh chóng bù đắp chi phí ban đầu khi chất lượng giảng dạy, uy tín thương hiệu của trường được tăng lên kéo theo nhiều người học sẽ tham gia học tại trường.
“Nguồn ngân sách sẽ là vốn ban đầu hỗ trợ các trường chuyển đổi, sau đó, chúng tôi sẽ nghĩ tới thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ quá trình chuyển đổi để tái đầu tư với số năm thu hồi vốn dự kiến khoảng 10 năm”, ông Dũng nói.
Trong khi đó, theo ông Lê Đức Tiến, Giám đốc Kinh doanh Công ty Đức Pháp, một doanh nghiệp phân phối màn hình tương tác View Sonic cho thị trường giáo dục tại Việt Nam cho biết, không phải đến thời điểm hiện tại, quá trình chuyển đổi số trong giảng dạy mới bắt đầu. Hiện, Đức Pháp đã có các đối tác tại hơn 20 tỉnh, thành tại Việt Nam, trong đó bao gồm cả các đối tác đến từ các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường quốc tế lớn, các trung tâm ngoại ngữ và cả hệ thống các trường công lập.
“Tùy từng mô hình lớp học sẽ có mức đầu tư khác nhau. Nhưng qua thực tế triển khai, chúng tôi nhận thấy, việc phổ cập các thiết bị thông minh vào hệ thống trường học không phải là bài toán quá khó. Thực tế cho thấy, ngoài các tỉnh, thành lớn như Hà Nội hay TP. HCM thì đối tác của chúng tôi là Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, Hà Tĩnh đã đưa hệ thống công nghệ đến tận cả các lớp học ngoại ngữ ở những trường vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện khó khăn. Trong khi đó, màn hình tương tác được xem là công cụ hữu hiệu tùy biến cho cả giảng viên và học sinh, đi cùng với đó, phần mềm tương tác như My View Board đang được các trường sử dụng đã cho phép cá nhân hóa bài giảng của giáo viên và cá nhân hóa dữ liệu học tập của học sinh, sinh viên chỉ với một tài khoản đăng nhập”, ông Tiến cho biết.
Và để giảm bớt chi phí đầu tư cho quá trình chuyển đổi này, ông Hùng khẳng định, ở đề tài cấp nhà nước này, 4 trường đi đầu sẽ xây dựng nền tảng dữ liệu trường học thông minh dựa trên công nghệ điện toán đám mây. Và về bản chất, công nghệ này sẽ không giới hạn số lượng trường tham gia khiến các trường vùng sâu, xa vẫn có thể tham gia để sử dụng học liệu của các trường đại học hàng đầu và ngay cả các trường phổ thông cũng có thể sử dụng một phần những dữ liệu này.
Được biết, dự án chuyển đổi trường học thông minh sẽ được 4 trường nằm trong dự án này bắt đầu áp dụng thử nghiệm thực hiện từ năm 2020-2022.
Hải Hà - https://baodautu.vn/