Ngày 28/11/2019 tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã diễn ra hội thảo "Đại học thông minh: Cơ hội và thách thức". Hội thảo không bàn nhiều về các ứng dụng CNTT mang tính chuyên ngành mà chủ yếu bàn về các giải pháp kỹ thuật cho đại học thông minh cùng những thực tiễn về mặt phương pháp luận với giáo dục đại học trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). 

leftcenterrightdel
Các diễn giả trong phần giao lưu của hội thảo
 Các diễn giả trong phần giao lưu của hội thảo

 

Chia sẻ với các đại biểu tham dự hội thảo, GS TS Trần Đức Viên - Chủ tịch Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận, thời đại nào thì giáo dục theo hướng đó và trong thời đại CMCN 4.0 thì giáo dục phải là giáo dục thông minh,đại học phải là biểu tượng của khoa học công nghệ và chúng ta phải trả lời xem đại học thông minh để làm gì để đi vào thực chất của CMCN 4.0. 

Ông cũng đặt vấn đề là đại học thông minh sẽ không cần thầy (vì người học có thể học qua mạng), không cần giảng đường (vì người học không cần lên lớp), không cần thư viện (vì mọi học liệu đã được cung cấp qua mạng) và không cần bằng cấp (vì các nhà tuyển dụng căn cứ vào năng lực thực chất của sinh viên). 

Theo PGS TS Nguyễn Chấn Hùng - Viện Tự động hóa và Điều khiển Đại học Bách khoa Hà Nội, CMCN 4.0 đã tạo ra sự bùng nổ các mô hình kinh tế mới được kích hoạt bởi công nghệ. Và số lượng cùng chất lượng sinh viên không đáp ứng được nhu cầu của CMCN 4.0. Chính vì thế, các đại học Việt Nam phải nhanh chóng chuyển đổi để đào tạo ra nguồn nhân lực thích ứng với CMCN 4.0. Đó chính là sự chuyển hóa từ trường học thông thường sang trường học thông minh. 

TS Nguyễn Trung Kiên - Viện trưởng Viện CNTT-TT, Học viện Bưu chính Viễn thông (CDIT) đề cập đã đến lúc các đại học ở Việt Nam phải xây dựng và hình thành hệ thống thu thập thông tin và phân tích phản hồi vì đây là công cụ để nâng cao tính thông minh của chính mình. Tương tác đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái này vì bản chất của việc chuyển giao tri thức, giáo dục nhân cách dựa trên sự tương tác phản hồi. 

Còn theo TS Phạm Quang Dũng - Phó khoa phụ trách Khoa CNTT Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có một số thực tế tồn tại như: giảng viên thường có quan điểm mạnh mẽ rằng máy tính và công nghệ số khiến sinh viên không chịu đựng được các thuật toán; phát triển giải pháp học thích nghi không chỉ tốn nhiều chi phí mà còn đòi hỏi nhiều kỹ năng nền tảng; giảng viên khi làm việc với các ứng dụng có thể không biết cách phân tích dữ liệu...

Giới thiệu về công nghệ blockchain, TS Nguyễn Kim Quang - Phó Viện trưởng CDIT cho biết, đây chính là công nghệ góp phần nâng cao độ tin cậy, minh bạch với văn bằng, chứng chỉ của các trường. Theo đó, các dữ liệu về kết quả học tập sau khi chính thức cập nhật là không thể thay đổi và nếu công bố công khai thì vấn nạn văn bằng, chứng chỉ giả sẽ bị triệt tiêu. 

Tuy nhiên, theo PGS TS Nguyễn Hoàng Vũ - Trưởng phòng Thông tin Khoa học, Học viện Kỹ thuật Quân sự, các chủ đề được trình bày nói trên hoàn toàn là thuần túy kỹ thuật. Muốn có một nền giáo dục thông minh thì quan trọng nhất là phải có một nền sư phạm thông minh mà trong đó chính các bậc thầy phải thích ứng với các công nghệ thông minh. Chính họ phải dạy được cho sinh viên cách thức chủ động học tập với các học liệu số thay vì chỉ biết đến lớp ghi chép bài giảng...

Đức Hoàng - https://viettimes.vn/