Chăn nuôi đã và đang góp phần rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước. Từ chỗ chăn nuôi lạc hậu, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp thì hiện nay chăn nuôi Việt Nam đã được thế giới biết đến như là một trong những nước có nền chăn nuôi phát triển. Trước nhu cầu ngày càng cao và rất tiềm năng của thị trường sản phẩm chăn nuôi, nhiều tập đoàn trong và ngoài nước đã đầu tư sản xuất kinh doanh vào lĩnh vực này (góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh thực phẩm trong nước và hướng đến xuất khẩu). Chính vì vậy, mặc dù điều kiện tự nhiên rất hạn hẹp nhưng hiện nay Việt Nam đã trở thành nước đứng thứ 3 trên thế giới cả về tổng đàn và sản lượng thịt lợn (tổng đàn 28 triệu con, sản xuất trên 3,7 triệu tấn thịt), chăn nuôi gia cầm 2017 đạt gần 400 triệu con, cung cấp trên 1 triệu tấn thịt. Chăn nuôi bò, đặc biệt là bò sữa đã khẳng định vị thế và hội nhập quốc tế. Nhiều công ty, tập đoàn sữa của Việt Nam đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế Global WAP và có công ty đã được công nhận là "Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn nhất châu Á". Việt Nam còn được biết đến là nước sản xuất thức ăn chăn nuôi đứng đầu khu vực Đông nam Á và thứ 12 thế giới, với sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp hơn 23 triệu tấn thức ăn/năm.

Trước sự phát triển của ngành chăn nuôi, đặc biệt, sự tham gia của các tập đoàn đầu tư vào ngành chăn nuôi nên nhu cầu nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành là rất lớn. Chính vì vậy, sinh viên chăn nuôi thường rất dễ dàng tìm kiếm địa điểm thực tập, rèn nghề trong quá trình học và việc làm khi ra trường. Ngày hội việc làm hàng năm tổ chức tại Học viện thu hút từ 60-70 doanh nghiệp, tuyển dụng hàng trăm kỹ sư chăn nuôi. Qua tổng kết trong 10 năm trở lại đây cho thấy trên 90% sinh viên ngành Chăn nuôi có thể tìm kiếm được việc làm trong vòng 1 năm sau khi tốt nghiệp.

Có được kết quả đó, bên cạnh nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động còn là sự đóng góp của Khoa Chăn nuôi – Học viện Nông nghiệp Việt Nam (tiền thân là khoa Chăn nuôi – Thú y, một trong ba khoa được thành lập ngay từ những ngày đầu thành lập Học viện), là đơn vị giàu truyền thống, kinh nghiệm trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Trải qua hơn 62 năm xây dựng và phát triển, Khoa đã đào tạo được 59 khóa sinh viên và 26 khóa cao học và nghiên cứu sinh, cung cấp trên 4.000 kỹ sư Chăn nuôi/Chăn nuôi thú y, hơn 300 thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Chăn nuôi. Nhiều cựu cán bộ và cựu sinh viên của Khoa đã rất thành đạt trong sự nghiệp, điển hình là GS.TS. Vũ Văn Hiền (cựu sinh viên khoá 9) - Ủy viên TW Đảng, Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam; hay các cựu Bộ trưởng Bộ Thủy sản: Nguyễn Tấn Trịnh và Tạ Quang  Ngọc… Bên cạnh đó, còn hàng ngàn cựu sinh viên khác của khoa đã và đang công tác với cương vị chủ tịch, phó chủ tịch, bí thư, phó bí thư các tỉnh, huyện, giám đốc các sở ban, ngành, trường đại học, cao đẳng, cục, vụ, viện của nhiều bộ, ngành.

Đặc biệt, rất nhiều cựu sinh viên đang là tổng giám đốc, giám đốc, trưởng các bộ phận kinh doanh hay kỹ thuật của các doanh nghiệp trong và ngoài nước điển hình trong ngành Chăn nuôi với số vốn lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng.

Khoa Chăn nuôi luôn chú trọng đến nâng cao chất lượng đào tạo, do vậy trong những năm gần đây, trước ngày bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, đã có hàng chục công ty, cơ quan, tổ chức trực tiếp đến Khoa phỏng vấn và tuyển dụng kỹ sư chăn nuôi. Sau khi tốt nghiệp, đa số sinh viên có việc làm đúng ngành đào tạo với thu nhập cao và ổn định.

Sinh viên chăn nuôi được đào tạo như thế nào? Những vị trí việc làm có thể đảm nhận


Chương trình đào tạo được thiết kế trên cơ sở yêu cầu của thị trường lao động, không chỉ trang bị Kiến thức mà còn được đào tạo cả kỹ năng chuyên ngành, kỹ năng mềm và thái độ đối với nghề nghiệp nhằm tạo ra năng lực toàn diện cho người học. Sinh viên có thể chọn học một trong các chuyên ngành đào tạo sau:

      + Chăn nuôi – Thú y     

      + Khoa học vật nuôi

      + Dinh dưỡng và công nghệ thức ăn chăn nuôi

      + Chăn nuôi - Thú y theo định hướng nghề nghiệp (POHE)

Với tiềm năng, kinh nghiệm đào tạo của đội ngũ cán bộ (61 cán bộ, 2 GS, 10 PGS, 23 Tiến sĩ) điều kiện cơ sở vật chất, cùng với sự gắn kết với các cơ sở sản xuất, sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ có các kỹ năng nghề nghiệp và cơ hội việc làm sau:

Về kỹ năng:

- Thực hiện có hiệu quả các quy trình chăn nuôi;

- Viết và trình bày báo cáo các vấn đề thuộc lĩnh vực chăn nuôi;

- Thực hiện có hiệu quả quy trình phòng và chẩn đoán một số bệnh thường gặp trên vật nuôi;

- Thực hiện có hiệu quả việc quản trị nguyên liệu, xây dựng công thức thức ăn, tổ chức sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi;

Điều kiện và cơ hội học tập:

Trong quá trình học tập tại Học viện, sinh viên khoa chăn nuôi có những điều kiện học tập rất tốt như:

- Thực hành và tham gia nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm hiện đại của khoa (phòng thí nghiệm di truyền phân tử, phòng thí nghiệm dinh dưỡng thức ăn,…);

- Thực hành tại các trại chăn nuôi của Học viện và của Khoa;

- Tham gia các nhóm nghiên cứu;

- Thực tập, thực hành tại các trang trại, các nhà máy thức ăn chăn nuôi, các viện nghiên cứu;

- Có cơ hội được đi thực tập hè và thực tập tốt nghiệp tại các trường đại học ở các nước trong khối Asean (Thái Lan, Indonesia,…).

Cơ hội việc làm:

Người học sau khi tốt nghiệp ngành Chăn nuôi có thể công tác trong các vị trí, lĩnh vực và đơn vị công tác sau:

· Vị trí công tác

-  Cán bộ nghiên cứu;

-  Giảng viên;

-  Cán bộ kỹ thuật;

-  Cán bộ quản lý;

-  Nhân viên kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y;

-  Tự kinh doanh, khởi nghiệp

· Lĩnh vực, đơn vị công tác:

-  Viện, trung tâm nghiên cứu về lĩnh vực chăn nuôi;

-  Trường Đại học, Cao đẳng khối Nông - Lâm – Ngư;

-  Cơ quan quản lí nhà nước: Bộ Nông nghiệp và PTNT, Sở Nông nghiệp và PTNT, Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tại các tỉnh, huyện và các bộ, sở, ban ngành liên quan; Doanh nghiệp nhà nước, nước ngoài, liên doanh, tư nhân hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y;

-  Các đơn vị hành chính sự nghiệp;

-  Tổ chức xã hội và tổ chức phi chính phủ, quốc tế có liên quan đến chăn nuôi, thú y và phát triển nông thôn;

-  Các cơ sở khác có hoạt động liên quan đến chăn nuôi và thú y.

Định hướng học tập nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp

Người học sau khi tốt nghiệp ngành Chăn nuôi có thể:

-  Tham gia các chương trình đào tạo sau đại học trong và ngoài nước thuộc các chuyên ngành trong ngành Chăn nuôi, Thú y và các ngành khác;

-  Tự học tập bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn và chuyển đổi ngành nghề theo nhu cầu việc làm.