Nhà giáo Trần Hữu Dực là một trong những người lãnh đạo đầu tiên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam và là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Nhân dịp tròn 110 năm ngày sinh nhà giáo Trần Hữu Dực, chúng tôi xin tổng hợp và giới thiệu một số thông tin về Thầy.

leftcenterrightdel
 Thầy Trần Hữu Dực – Giám đốc Học viện Nông Lâm

Nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam từ năm 1959 đến 1961

Nhà giáo Trần Hữu Dực sinh ngày 15 tháng 01 năm 1910 trong một gia đình Nho giáo nghèo tại làng Dương Lệ Đông, tổng Gia An, nay là xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Trên 60 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, dù được giao bất cứ nhiệm vụ gì, Thầy cũng một lòng, một dạ vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì Nhân dân, không quản gian khổ hy sinh, nêu cao truyền thống bất khuất, kiên cường của người đảng viên cộng sản, luôn luôn đứng ở vị trí hàng đầu trong cuộc đấu tranh anh dũng của Đảng và Nhân dân ta.

Thấy được nỗi nhục của người dân mất nước, từ truyền thống của dân tộc, của gia đình và ảnh hưởng của phong trào yêu nước lúc bấy giờ, nhà giáo Trần Hữu Dực đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng năm 1925, khi vừa tròn 15 tuổi. Cuối năm 1926, sau một quá trình chuẩn bị tại làng Dương Lệ Đông, ông chủ trì hội nghị thành lập tổ chức yêu nước “Ái hữu dân đoàn”. Trong điều lệ “Ái hữu dân đoàn” năm 1926 do Thầy soạn thảo có đoạn viết: “Mục đích của Hội là làm cho càng ngày càng nhiều người dân biết rõ mình bị bọn Tây cướp, bọn vua quan theo Tây làm tay sai để được giàu sang, còn đông đảo đồng bào thì đói rách khổ cực. Vì thế, là người Việt Nam thì phải cùng nhau thân ái đoàn kết đuổi Tây, xóa bỏ vua quan, làm cho nước nhà được độc lập, phú cường, xứng đáng là con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, xứng đáng với các vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung...”. Tuy mới thành lập, nhưng tổ chức này như tiếp thêm luồng sinh khí mới, tạo bước ngoặt lịch sử trên con đường cách mạng của người chiến sĩ Cộng sản trẻ tuổi. Qua thực tiễn hoạt động, được tiếp xúc với sách báo tiến bộ, nhất là những số báo “Người cùng khổ” từ Pháp gửi về, những bài giảng về “Đường kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong các lớp bồi dưỡng ở Quảng Châu, nhận thức chính trị của nhà giáo Trần Hữu Dực ngày càng được nâng cao, lập trường yêu nước hòa nhập với lập trường Cộng sản. Trong lúc các đồng chí Trần Phú, Hà Huy Tập lần lượt sang Quảng Châu tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, rồi được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang Liên Xô học ở Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản và đều trở thành đảng viên Cộng sản (Trần Phú năm 1928, Hà Huy Tập năm 1929), thì ở quê nhà, tháng 6 năm 1929, thầy Trần Hữu Dực trở thành 1 trong 7 đảng viên Cộng sản đầu tiên của Quảng Trị, thuộc Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng ta. Tháng 10 năm 1930, khi Tỉnh ủy Quảng Trị chính thức thành lập, Thầy được cử làm Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên khi vừa tròn 20 tuổi.

Trong lịch sử Đảng ta, ít có đồng chí nào bị bộ máy cầm quyền của đế quốc phong kiến bắt bớ, tra tấn dã man và bỏ tù nhiều năm như nhà giáo Trần Hữu Dực. Trong 15 năm trước cách mạng, ông đã bị kẻ thù bắt 3 lần, kết án 29 năm tù giam, 22 năm quản thúc. Trong lao tù, bằng nghị lực của người yêu nước, bằng ý chí của người cộng sản, Thầy đã làm thất bại mọi ngón đòn tra tấn cực kỳ tàn bạo của kẻ thù, nêu tấm gương biến nhà tù thành trường học của người chiến sỹ cộng sản.

Phấn đấu cho lý tưởng của Đảng, cuộc đời nhà giáo Trần Hữu Dực trải qua bao thử thách nghiệt ngã trong lao tù đế quốc thực dân và sự khốc liệt của chiến tranh để sống gắn bó với đồng bào đồng chí và được Đảng, Nhà nước giao giữ nhiều trọng trách. Năm 1930, Thầy trở thành Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Quảng Trị. Tháng 2/1940, Hội nghị Xứ ủy Trung Kỳ đã phân công nhà giáo Trần Hữu Dực phụ trách 11 tỉnh miền Nam Trung Kỳ. Tháng 6 năm 1945, sau khi tiến hành chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Trị, cùng tập thể Ủy ban khởi nghĩa do Thầy làm Chủ tịch đã lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa tại Quảng Trị. Ngày 31/8/1945, nhà giáo Trần Hữu Dực được bầu vào Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ và sau đó được bầu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng Trung Bộ. Từ tháng 9/1945, Thầy cùng các đồng chí khác xây dựng và củng cố chính quyền mới ở các tỉnh Trung Bộ. Năm 1948, Thầy được Trung ương Đảng và Chính phủ điều ra Việt Bắc để đảm nhận những công tác ở Trung ương. Từ năm 1948 đến năm 1950, nhà giáo Trần Hữu Dực là Ủy viên Đảng đoàn Chính phủ, Bí thư Đảng bộ các cơ quan Đảng Dân chính Trung ương và Đổng lý sự vụ Bộ Nội vụ. Từ năm 1950 đến cuối năm 1957, Thầy chuyển sang làm việc ở Bộ Quốc phòng, đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng Cục cung cấp Bộ Tổng tư lệnh. Từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà giáo Trần Hữu Dực là Chủ nhiệm Tổng Cục hậu cần của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ cuối năm 1957, Thầy thôi công tác trong quân đội, được cử làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đồng thời là thủ trưởng đầu tiên xây dựng ngành Thống kê Việt Nam. Năm 1958, thầy Trần Hữu Dực được phân công làm Trưởng Ban Công tác nông thôn của Trung ương Đảng, kiêm chức Trưởng Ban liên lạc nông dân toàn quốc và sau đó được giao nhiệm vụ là Giám đốc Học viện Nông Lâm (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) từ năm 1959 đến 1961. Trong giai đoạn giữ cương vị lãnh đạo cao nhất Học viện, Nhà xuất bản Sự Thật đã ấn hành cuốn sách quý về nông nghiệp do Thầy biên soạn có tên: “Một số vấn đề nông nghiệp xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta hiện nay”. Từ đầu năm 1960, nhà giáo Trần Hữu Dực được giao nhiệm vụ xây dựng các nông trường quốc doanh và đứng đầu một ngành kinh tế mới ra đời là ngành nông trường quốc doanh. Giữa năm 1962, Thầy được cử là Chủ nhiệm Văn phòng nông nghiệp Phủ Thủ tướng. Năm 1968, thầy Trần Hữu Dực là Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ, kiêm Trưởng Ban Nội chính của Chính phủ. Năm 1973, Thầy được cử là Phó Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 1977 đến đầu năm 1982, nhà giáo Trần Hữu Dực được chuyển sang làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Năm 1982 Thầy được cử là Ủy viên Ủy ban pháp luật của Quốc hội. Thầy Trần Hữu Dực là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II, III, IV và liên tục là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VI.

Cho tới nay, qua hơn 63 năm xây dựng và phát triển, trong số các nhà giáo, người lãnh đạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì nhà giáo Trần Hữu Dực có một số đóng góp và có sự ghi nhận công lao, cống hiến nổi bật như sau:

1. Là người giữ chức vụ trong Đảng và Nhà nước cao nhất - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ;

2. Là người có số năm là đại biểu Quốc hội liên tục lâu năm nhất - 35 năm;  

3. Là người nhiều năm giữ nhiều cương vị lãnh đạo trong bộ máy Nhà nước Việt Nam nhất - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Chủ nhiệm văn phòng Nông nghiệp Phủ Thủ tướng, Bộ trưởng bộ Nông trường, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chủ nhiệm Tổng Cục hậu cần Bộ Quốc phòng…

4. Là người nhận phần thưởng cao Quý nhất do Nhà nước Việt Nam trao tặng - Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh;

5. Là người được thành phố Hà Nội lấy tên đặt cho tuyến phố lớn nhất – tuyến phố

Trần Hữu Dực được đặt tên năm 2010, tại quận Nam Từ Liêm, dài 3,5 km, rộng 50 mét.


leftcenterrightdel
Tuyến đường Trần Hữu Dực – thành phố Hà Nội (nguồn: VOV)

Tuyến đường Trần Hữu Dực – thành phố Hà Nội (nguồn: VOV)


Ban CTCT&CTSV tổng hợp