Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần đổi mới đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp - nông thôn theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ, tư duy cho người học.
|
|
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị. Ảnh: Phúc Lập. |
Tạo ra ngành học nông nghiệp tích hợp đa giá trị
Ngày 4/8, tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững các tỉnh phía Nam".
Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan giới thiệu về cuốn sách “Tầm nhìn hạn hẹp, bắt chẹt tư duy” của tác giả người Nhật, qua đó gửi gắm tới các doanh nghiệp và hội nghị về góc nhìn, tư duy của nhân vật "tôi ước gì dốc này cao gấp 10 lần hơn nữa, khi ấy sẽ có rất nhiều người bỏ cuộc và tôi sẽ chiến thắng cuối cùng", để thấy rằng, cần thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trong tương lai.
"Đây là hội nghị lần thứ 2 được Bộ tổ chức nhằm “vượt dốc”, cùng nhau hợp lực, hợp tác, cùng chia sẻ giá trị và tạo ra giá trị mới với khát vọng trở thành một quốc gia có nền nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cuối năm nay, Chính phủ và tỉnh Hậu Giang sẽ tổ chức Festival lúa gạo quốc tế, qua đó khẳng định gạo của Việt Nam không chỉ mang lại giá trị cho Việt Nam mà còn bình ổn an ninh lương thực trước bối cảnh các quốc gia đang gặp rất nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu.
Và theo Bộ trưởng, nền tảng của nông nghiệp chính là nguồn nhân lực. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trí tuệ nhân tạo, ChatGPT, IoT… đang ngày càng phát triển, và tạo ra thách thức cho nguồn nhân lực nông nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Điều này, đòi hỏi buộc ngành nông nghiệp phải đặt trong một xu thế chung để tìm ra hướng đi.
"Đào tạo, giáo dục không phải thương mại hóa nhưng cũng phải đi theo quy luật cung - cầu, giá cả và chất lượng, sản phẩm đào tạo của các trường cũng phải thích ứng với nền kinh tế thị trường, ngành nghề chất lượng. Trường học không chỉ đào tạo tri thức mà còn phải đào tạo trí tuệ. Nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đều phải hướng tới sự tích hợp, tư duy tích hợp sẽ tạo ra giá trị.
Nghị quyết của Đảng đưa ra 3 đột phá: thể chế, hạ tầng và nhân lực. Hôm nay, chúng ta nói về nguồn nhân lực nông nghiệp để phục vụ cho chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Vì vậy, các môn học chuyên ngành nông nghiệp khi chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp sẽ tích hợp nhiều mô hình như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh, chăn nuôi kết hợp với thủy sản, nông lâm tái sinh… Qua đó, tích hợp các môn học thành chuỗi giá trị để người học ra trường sẽ làm việc cho các doanh nghiệp mà không mất thời gian doanh nghiệp phải đào tạo lại", Bộ trưởng gợi mở.
|
|
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thủy. |
Khi làm việc với các trường phía Nam, Bộ trưởng nhận thấy, trong cơ cấu các môn học nông nghiệp hay môn học phi nông nghiệp của các trường hiện nay đang giảm. Vì vậy, phải thay đổi cách tiếp cận để nhận thấy ngành nông nghiệp hiện nay không chỉ đứng một mình mà phải tích hợp nhiều bộ môn để trở thành một môn về nông nghiệp tích hợp đa giá trị.
Tạo ra những chủ nhân tương lai
Trong các chuyến đi thăm nhiều trang trại, HTX, doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp, Bộ trưởng thấy, nhiều chủ trang tại không phải là người học nông nghiệp chính thống mà các bạn trẻ học quản trị kinh doanh, CNTT, điện tử, cơ khí, du lịch, thương mại…
"Tại sao cứ nghĩ rằng, giáo dục đào tạo chỉ là cung cấp nguồn lao động cho các doanh nghiệp, mà phải làm sao bản thân người lao động phải trở thành người chủ doanh nghiệp có đủ tố chất về quản trị, đủ tố chất hình thành một ông chủ, một giám đốc HTX, trang trại nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp", Bộ trưởng nhận định và cho biết thêm, có hai mục tiêu trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp là đào tạo cung ứng cho nền kinh tế quốc gia thông qua các doanh nghiệp, đào tạo trực tiếp thành những người chủ.
Hiện nay, theo thống kê, số lượng học sinh đăng ký theo học các ngành nông nghiệp giảm. Đặt ra câu hỏi cho các trường là "chúng ta chưa khơi ngợi tình yêu nông nghiệp, chưa biết khơi gợi tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống; chưa thay đổi cách tiếp cận phương pháp luận về giáo dục nông nghiệp - nông dân - nông thôn trong bối cảnh mới, bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp, cách mạng số, của tư duy tích hợp đa giá trị, tư duy tích hợp chuỗi ngành hàng", Bộ trưởng gửi thông điệp.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần phải đưa xã hội, cuộc sống, doanh nghiệp vào trong trường học. Và phải hướng người học cảm nhận được giá trị của ngành học của mình đối với cuộc sống của con người, xã hội. Không chỉ dạy kiến thức chuyên ngành, mà từng bước hướng người học biết làm thế nào để gia tăng giá trị, biết thế nào để lập kế hoạch quản trị, xây dựng quy trình chạy liên tục theo thời gian. "Nghĩa là không bao giờ cố định trong một bài học, mà dạy cho học sinh luôn luôn có tư duy mở", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho rằng, các trường cần kiên trì tạo dựng thương hiệu tương lai với những gương mặt đại diện của mình là những học sinh, sinh viên thực tập, thực nghiệm có kiến thức về chuyên môn sâu, vừa có chuyên ngành, vừa đa ngành sẽ thích ứng trong bối cảnh nông nghiệp sắp tới.
|
Song song đó, các trường cần liên kết, liên thông để đáp ứng nhiều cấp độ cho một doanh nghiệp, cho một nấc thang của một nguồn nhân lực là các trường nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học… Như vậy, có một bức tranh liên kết giữa các trường.
Bộ trưởng nhấn mạnh thêm, về khởi nghiệp ở trong trường học, không phải là một phong trào, mà là một cách đào tạo thực học, thực nghiệm qua sản phẩm. Khởi nghiệp trong trường học, hướng đến giúp cho người học xây dựng cách làm chủ sau khi rời ghế nhà trường. Như vậy, sự hợp tác hôm nay giữa trường - doanh nghiệp chính là cơ hội để hai bên đều “mở”, mở để chia sẻ giá trị, nhân giá trị lên nhiều lần. "Khởi nghiệp có sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp thì ý tưởng sáng tạo sẽ dễ thương mại hóa trên thị trường", Bộ trưởng nói.
|
|
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan giới thiệu với hội nghị về cuốn sách "Tầm nhìn hạn hẹp, bắt chẹt tư duy”. Ảnh: Nguyễn Thủy. |
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ trao đổi với Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH để sắp xếp lại hệ thống các trường trong Bộ, để đổi mới đào tạo nhân lực nông nghiệp - nông thôn theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ, tư duy cho người học; liên thông đào tạo theo 3 cấp trung học nghề, cao đẳng, đại học.
"Khi được Chính phủ cho phép, chúng tôi sẽ hình thành thí điểm mô hình hệ cấp 3 nông nghiệp trong các trường của Bộ để chúng ta cân bằng các nguồn nhân lực, cũng như chuẩn bị cung cấp nguồn nhân lực kịp thời cho cuộc sống, cho các doanh nghiệp", Bộ trưởng nói.
Trước bối cảnh khó khăn chung của các doanh nghiệp, Bộ trưởng bày tỏ tấm lòng tri ân với sự hợp tác của cộng đồng các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua đã luôn sát cánh cùng với học sinh, sinh viên ngành nông nghiệp. Đặc biệt, Bộ trưởng ghi nhận có nhiều doanh nghiệp đã cùng các trường của Bộ gợi mở, định hướng cho sinh viên, cho trường.
"Tôi luôn suy nghĩ rằng, trường học là môi trường, là không gian để nuôi dưỡng tư duy, trí tuệ, kiến thức, kỹ năng cho người học. Trong khi đó, doanh nhân là người định hướng tương lai nghề nghiệp và là người tiếp lửa, truyền cảm hứng, niềm đam mê, hun đúc tinh thần và khát vọng cho người học.
Sự hợp tác hôm nay cũng đơn giản là vậy, một bên có thế mạnh này, một bên có thế mạnh kia, nếu chúng ta cùng cộng hưởng thì sẽ nhận ra nhiều giá trị đem về và đây cũng là trách nhiệm của xã hội, của doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu doanh nghiệp vì nhân sinh, vì cuộc sống sau này. Hôm nay sẽ là sự cộng hưởng hướng đến sự nghiệp trồng người trong tương lai, mọi sự hợp tác có bền bỉ hay không dựa trên niềm tin và hiểu được chiều sâu giá trị của sự hợp tác đó.
Sự hợp tác hôm nay sẽ gieo kết quả cho 5 - 10 năm sau cho nguồn nhân lực nông nghiệp nước nhà. Tinh thần hợp tác, theo tôi, đó là văn hóa, thái độ đối với cuộc sống, đó là phương châm giúp cho người khác chính là giúp cho chính mình bằng hành vi.
Nhà bác học Anhxtanh có nói rằng, tư duy sẽ đưa người ta từ điểm A đến điểm B, nhưng trí tưởng tượng sẽ đưa bạn đến muôn nơi. Do đó, giờ đây, tôi mong mọi người hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng 5 - 10 năm nữa, nông nghiệp Việt Nam sẽ như thế nào, nguồn nhân lực nông nghiệp Việt Nam sẽ như thế nào và mỗi người chúng ta đã làm gì trong "hình ảnh" đó", Bộ trưởng nói.
|
|
Tại hội nghị đã diễn ra lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhân lực nông nghiệp nông thôn. Ảnh: Nguyễn Thủy. |
Trường - doanh nghiệp là hai “tròng” trong một cặp kính không thể tách rời
Sau khi lắng nghe các ý kiến của các trường, các doanh nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần thay đổi con mắt nhìn để nhìn xa hơn. Thay vì cứ vẽ một bức tranh hơi tối, hơi buồn về thu hút đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp, thì các trường phải có sẵn "sản phẩm" để chào hàng doanh nghiệp, đừng cô lập mình ở trong một không gian hàn lâm, mà phải “mở” ra.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt hàng các trường, trong 3 tháng phải nghiên cứu để trình bày cho Bộ trưởng sản phẩm mới của trường là như thế nào, phát triển ra sao để thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận về đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp - nông thôn, để hướng đến các trường không chỉ cung cấp 1 việc làm cho người học, mà còn đào tạo người học có thể làm việc ở nhiều vị trí việc làm khác nhau trong nông nghiệp. Còn các doanh nghiệp cũng không thể phó thác cho nhà nước, cho các trường, mà bản thân doanh nghiệp cũng phải hợp tác với các trường để đầu tư nguồn nhân lực có tầm dài hạn.
"Trường và doanh nghiệp là hai “tròng” trong một cặp kính không thể tách rời", Bộ trưởng gửi thông điệp và cho biết, sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực là sự nghiệp chung của đất nước, chứ không chỉ riêng ai. Vì vậy, Bộ trưởng sẽ lắng nghe ý kiến đóng góp, hiến kế của các trường và doanh nghiệp để tích hợp lại và thay đổi cách tiếp cận, tư duy trong đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp.
.
Nguyễn Thủy - Phúc Lập