Chọn ngành nghề nào dễ xin việc làm luôn là bài toán khó đối với các em học sinh khi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa đại học.

Để chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân và dễ xin việc làm khi ra trường, điều quan trọng nhất chính là tìm hiểu nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên thời điểm mà các bạn chọn ngành cho đến lúc ra trường là hơn 4 năm. Như vậy, một công việc cho là dễ xin ở thời điểm đó có thể sẽ bão hòa khi ra trường.

Chính vì thế, các bạn không nên cố gắng chạy theo những ngành “hot”, vì không có gì đảm bảo là nó sẽ ổn định lâu dài, mà nên chọn ngành phù hợp với bản thân và đam mê thì sẽ có cơ hội để thành công hơn. Hiện tại có một số ngành được đánh giá là phát triển ổn định trong tương lại.

Công nghệ thông tin

Trong những năm gần đây, nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng tăng cao, bất chất tình hình kinh tế ảm đạm. Việc ứng dụng CNTT trong xã hội và doanh nghiệp, từ các tập đoàn đa quốc gia cho đến các cơ quan ban ngành, phát triển với tốc độ chóng mặt.

Theo một khảo sát mới nhất của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong số hơn 27.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề trên địa bàn, từ năm 2010-2013, ngành CNTT có nhu cầu nhân lực rất lớn (hơn 7,7%) tổng nhu cầu nhân lực của thành phố.


Trong các giai đoạn 2013-2015 và 2020-2025, mỗi năm thành phố vẫn cần tuyển khoảng 7% nhân lực CNTT, trong tổng số vị trí việc làm thuộc các ngành nghề. Con số này tương đương 20.000 nhân lực, riêng ngành lập trình di động sẽ cần tới khoảng 2.300 người trong số này. Còn cả khu vực phía nam là khoảng 10.000 người/năm. Như vậy, nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp là rất lớn so với khả năng đào tạo của các trường.

Nhà hàng - khách sạn

Ngành nhà hàng khách sạn (NHKS) đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam, nhất là các thành phố lớn. Ngành này đang trở nên sôi nổi do có rất nhiều các thương hiệu nước ngoài liên tục mở rộng thị trường. Họ chọn Việt Nam như một điểm đến tiềm năng để khuếch trương thị phần của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, từ hệ thống khách sạn 5 sao như Marriot, Novotel, Ritz Carlton, cho đến các tên tuổi thức ăn nhanh nổi tiếng như Burger King, KFC, Domino’s, McDonald’s… Do đó, nhu cầu nhân lực tăng mạnh trong thời gian sắp tới.

Khoa học xã hội và nhân văn

Hiện nay các ngành khoa học xã hội và nhân văn ngày càng ít được các bạn trẻ lựa chọn, đặc biệt là những chuyên ngành Văn, Sử, Triết… Chính điều đó dẫn đến sự khan hiếm nguồn nhân lực cho các ngành thuộc khối này. Do đó đây là thời cơ để các bạn yêu thích và đam mê các ngành này, sẽ không còn nhiều tình trạng khó xin việc, vì lúc này việc cần người hơn là người cần việc.


Bên cạnh những ngành cơ bản truyền thống, hiện nay khối ngành này còn mở rộng sang ngành mới mang tính ứng dụng, thực tiễn: Báo chí, Du lịch, Xã hội học, Việt Nam học, Đông phương học… Chính vì vậy thí sinh ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn với các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Từ những kiến thức được trang bị từ ghế nhà trường, sinh viên sẽ có nền tảng vững chắc để làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau như biên tập viên, PR, dịch thuật… Từ thực tế cho thấy đây vẫn là ngành lợi thế hứa hẹn một việc làm tốt trong tương lai.

Nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp

Theo dự báo của Viện chiến lược phát triển, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến năm 2020, nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp sẽ cần khoảng 3,2 triệu nhân lực. Trong đó cần nhiều nhất là các chuyên ngành quy hoạch đất đai, công nghệ chế biến thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch, kỹ thuật nuôi trồng và khai thác thủy - hải sản, dịch vụ thú y... Chỉ riêng ngành thủy sản đã tăng đến 68%.


Trong khi đó rất ít các bạn học sinh quan tâm chính, vì thế đây là ngành có nhiều cơ hội để tìm việc. Nhóm ngành này có rất nhiều ngành khác nhau, như quản lý tài nguyên thiên nhiên, công nghệ sinh học, bảo vệ thực vật, khoa học cây trồng, công nghệ sau thu hoạch, chăn nuôi, thú ý, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, quản trị thủy hải sản… Sinh viên ra trường không phải làm các công việc ở ngoài đồng lúa, trong rừng, hay lênh đênh trên biển, mà chỉ làm các công việc nghiên cứu, chế tạo, các công ty thực phẩm, chế biến thủy hải sản…

Trên đây là gợi ý một số ngành luôn có nhu cầu về nguồn nhân lực, nhưng để có một việc làm tốt sau này, điều quan trọng nhất vẫn là học sinh nên chọn nghề phù hợp khả năng và sở thích của mình.

(Theo Baomoi)