Bệnh học thủy sản cũng là ngành học được đánh giá cao hiện nay và được nhiều thí sinh quan tâm. Nếu bạn đang muốn tìm hiểu chuyên ngành này, hãy cùng tham khảo những thông tin cần biết về ngành Bệnh học thủy sản qua bài viết dưới đây.
Bệnh học thủy sản (tiếng Anh là Aquatic Pathobiology) được hiểu là trạng thái bất thường của cơ thể về cấu trúc, chức năng dưới tác động trực tiếp hay gián tiếp của các nhân tố vô sinh, hữu sinh. Cơ thể sinh vật bị bệnh là sự rối loạn hiện tượng sống bình thường của cơ thể khi có nguyên nhân gây bệnh tác động. Lúc này, cơ thể mất đi trạng thái cân bằng, khả năng thích nghi với môi trường giảm và có biểu hiện triệu chứng bệnh. Động vật thủy sản bị bệnh do nhiều nguyên nhân của môi trường gây ra và sự phản ứng của cơ thể động vật hai yếu tố này tác động tương hỗ lẫn nhau dưới điều kiện nhất định.
Chương trình đào tạo ngành Bệnh học thủy sản cung cấp cho sinh viên lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực bệnh học thủy sản; nắm vững kỹ thuật chẩn đoán, phòng trị bệnh trên động vật thủy sản và có kiến thức thực tế về bệnh học thủy sản để có thể giải quyết các công việc phức tạp; tích luỹ được kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các quy luật tự nhiên và xã hội trong lĩnh vực bệnh học thủy sản để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức quản lý, điều hành, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến ngành thủy sản.
Theo học ngành này, sinh viên cũng được trang bị kỹ năng phân loại được một số đối tượng nuôi thủy sản chính, động vật đáy, động, thực vật phù du có ý nghĩa trong nuôi trồng thủy sản. Ứng dụng được những kiến thức này trong sản xuất giống và nuôi các loài động vật thủy sản, quản lý sức khỏe và chẩn đoán nhanh bệnh ở động vật thủy sản.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên ngành Bệnh học thủy sản sẽ được cung cấp đầy đủ kiến thức và năng lực chuyên môn cần thiết để có thể đáp ứng một số công việc tại các đơn vị sau:
Cán bộ kỹ thuật thủy sản cho các doanh nghiệp liên doanh trong và ngoài nước;
Cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về chẩn đoán, phòng và trị bệnh thủy sản;
Cửa hàng thức ăn, thuốc và hóa chất nuôi trồng thủy sản;
Cán bộ phòng thí nghiệm chuyên sâu về bệnh học thủy sản;
Cán bộ thuộc các Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y, phòng NN&PTNT;
Cơ sở sản xuất giống, nuôi và sản xuất thức ăn thủy sản;
Công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ nuôi trồng và quản lý dịch bệnh thủy sản;
Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư;
Cơ sở nghiên cứu (Viện, Trung Tâm...) nuôi trồng và quản lý dịch bệnh thủy sản;
Cơ sở đào tạo về thủy sản;
Tổ chức phi chính phủ, dự án địa phương, vùng có liên quan đến lĩnh vực nuôi trồng và bệnh học thủy sản;
Công ty dịch vụ, kinh doanh về thức ăn, thuốc thủy sản…
Công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ sản xuất giống, nuôi, phòng trị bệnh thủy sản;
Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ giống và thức ăn nuôi trồng thủy sản;
Xí nghiệp chế biến thủy sản, công ty thủy sản, các trang trại…
Mức lương ngành Bệnh học thủy sản
Thực tế, mức lương của ngành phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, phổ biến dao động trong khoảng 12 - 20 triệu đồng/tháng, hoặc cao hơn rất nhiều tùy từng vị trí công việc.
Những tố chất phù hợp với ngành Bệnh học thủy sản.
Để có thể theo học ngành Bệnh học thủy sản, sinh viên cần có một số tố chất dưới đây:
Yêu thiên nhiên, môi trường;
Thích chăm sóc cá cảnh, vật nuôi, cây trồng;
Có khả năng nhớ tên và phân loại các loài động, thực vật;
Thích các hoạt động ngoài trời (cắm trại, leo núi, cho cá ăn, bơi lội, kéo lưới, lặn biển);
Thu thập thông tin hay nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của thiên nhiên;
Thích xem các chương trình, thông tin về thế giới tự nhiên.
Trên đây là những thông tin thí sinh cần biết về ngành Bệnh học thủy sản, hy vọng đã đem đến tin tức hữu ích, giúp bạn tìm hiểu ngành học hiệu quả.
PGS.TS. Kim Văn Vạn