Ngày 15/12, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi Đồng của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình chủ trì hội nghị.


 Hội nghị tham vấn chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học

Tham gia hội nghị có đại diện Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Bộ Nội vụ, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục... và các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nội dung sửa đổi chủ yếu của Luật giáo dục tập trung vào Chương 1, Chương 2, Chương 3 của dự án Luật. Quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục sẽ được tiến hành trên cơ sở rà soát tất cả các điều của Luật giáo dục để phân loại những nội dung trong các điều còn hợp lý, bất cập, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung phù hợp, đảm bảo tính tổng thể các điều của Luật sau khi được sửa đổi, bổ sung. Để đảm bảo tính thiết thực, khả thi và hiệu quả sẽ lựa chọn sửa đổi những vấn đề/nút thắt thực hiện đổi mới giáo dục, có tác động trực tiếp đến đời sống xã hội thuộc mức độ điều chỉnh của một văn bản luật để khi thông qua áp dụng được, đặc biệt ở địa phương và cơ sở; nâng cao hiệu quả trong thi hành luật pháp.

Đối với Luật Giáo dục đại học, đại diện Ban soạn thảo cho biết, nội dung sửa đổi, bổ sung trọng tâm sẽ bao gồm 4 nhóm chính sách lớn đã được Quốc hội thông qua gồm: Tự chủ đại học, Quản trị đại học, Quản lý đào tạo, Quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Việc sửa đổi, bổ sung sẽ được tiến hành trên cơ sở rà soát tất cả các điều của Luật giáo dục đại học hiện hành để phân loại những nội dung trong các điều còn hợp lý, bất cập và đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung phù hợp đảm bảo tính tổng thể các điều của Luật sau khi được sửa đổi, bổ sung. Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung là gỡ bỏ các nút thắt phát triển đại học, kiến tạo hành lang pháp lý vững chắc, thông thoáng, hấp dẫn để thực hiện tốt tự chủ đại học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, khuyến khích thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế tham gia phát triển giáo dục đại học.

Qua thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, Luật giáo dục được ban hành năm 2005 và Luật Giáo dục đại học ban hành 2012 đến nay một số nội dung đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Để góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển giáo dục cũng như giáo dục đại học trong thời gian tới, việc sửa đổi, bổ sung mới các nội dung của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học cho phù hợp với thực tiễn trong nước và quốc tế trong điều kiện hội nhập là một việc làm hết sức cấp thiết. Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà nghiên cứu, chuyên gia, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó, các nội dung liên quan đến ngoại ngữ dùng trong nhà trường, hệ thống giáo dục quốc dân, vấn đề xã hội hóa trong phát triển giáo dục đại học… được các đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Đa số các đại biểu tham dự đều nhận định, kỹ năng ngoại ngữ rất quan trọng đối với giáo dục trong giai đoạn hội nhập quốc tế. GS.TS Nguyễn Đình Hương cho rằng, ngoài tiếng việt, tiếng dân tộc thiểu số cần khuyến khích, mở rộng dạy ngoại ngữ để nâng cao kỹ năng ngoại ngữ cho học sinh, đặc biệt là tiếng Anh, chương trình giảng dạy nên mở rộng học song ngữ. Hệ thống giáo dục nước nhà có thể hội nhập thành công khi có chương trình dạy ngoại ngữ tốt. Cần đầu tư học ngoại ngữ tiếng Anh ngay từ giáo dục mầm non, tiểu học. Đặc biệt, Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa nên hướng tới chương trình sách giao khoa quốc tế để học sinh có thể học song ngữ. Đây là điều kiện để hệ thống giáo dục Việt Nam hội nhập khi chúng ta sử dụng các chương trình, sách giáo khoa phổ thông các nước tiên tiến.

Phó GS. TS Trần Thị Tâm Đan - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, ở cả hai dự án Luật, nguồn tài chính bảo đảm cho các hoạt động của nhà trường, nhất là bảo đảm chất lượng không được quy định cụ thể, định lượng, chỉ vẻn vẹn một dòng đó là: “Ngân sách nhà nước phải giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục”. Theo Phó GS. TS Trần Thị Tâm Đan, nội hàm của cụm từ “chủ yếu” chẳng nói lên điều gì về trách nhiệm của các tổ chức có liên quan và mức độ đầu tư trong nguồn lực của nhà nước, ví dụ tỉ trọng trong GDP. DO vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định nội dung này cụ thể hơn.

Các đại biểu cũng chỉ ra rằng, hiện nay quy định về hệ thống giáo dục quốc dân tại  khoản 1 vào Điều 4 như sau: “Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, linh hoạt, liên thông, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi người”. Quy định này nhằm thể chế hóa chủ trương xây dựng hệ thống giáo dục mở đã được đưa thành quan diểm chỉ đạo trong Nghị quyết 29. Có điều thế nào là hệ thống giáo dục mở.các đại biểu cho biết, mỗi người chúng ta đều có cách hiểu khác nhau về khái niệm này. Vì vậy cần phải được định nghĩa hướng tới sự đồng thuận, nên hiểu theo cách hiểu của thế giới, theo đó giáo dục mở là giáo dục trong đó các rào cản trên con đường đến với giáo dục được gỡ bỏ. Định nghĩa này nên được đưa vào ngay trong Luật hay để quy định trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Theo ý kiến các đại biểu, nên để trong Nghị định vì nó còn liên quan đến một nội dung nữa cần bổ sung vào hệ thống giáo dục quốc dân. Đó là khung trình độ quốc gia.

Khẳng định nhà giáo có vai trò nhất định trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục, một số chuyên gia cho rằng, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học cần có trình độ đại học hoặc cao hơn và có chế độ tiền lương theo trình độ đào tạo để khuyến khích giáo viên có trình độ giảng dạy ở bậc mầm non, tiểu học. Giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng cần có trình độ tối thiểu là đại học. Giáo viên đại học thì cần có trình độ thạc sĩ trở lên và phần lớn được đào tạo nước ngoài thành thạo ngoại ngữ.

Để phát triển đội ngũ giảng viên đại học ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, các đại biểu cho rằng, chúng ta cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách góp phần bảo đảm cho việc thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ giảng viên các trường đại học trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách nhằm giải quyết mối quan hệ phát sinh từ công tác quản lý nhà nước đối với đội ngũ giảng viên, với người học và xã hội. Đặc biệt cần chú trọng mối quan hệ khăng khít, đồng bộ không thể tách rời của chính sách phát triển đội ngũ giảng viên đại học công lập hiện nay (quy hoạch; thu hút, tuyển dụng; sử dụng và đánh giá; đào tạo, bồi dưỡng; đãi ngộ, tôn vinh) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ giảng viên đại học công lập.

Đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách phát triể đội ngũ giảng viên ở các trường đại học hiện nay, Phó GS.TS. Trần Đình Thảo, Trưởng Khoa Tổ chức và Quản lý nhân lực, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho rằng, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch phải đảm bảo tính kế thừa và phát triển, gắn với quy hoạch giáo dục đại học, chiến lược phát triển nguồn nhân lực, chiến lược kinh tế-xã hội.

Để thu hút nguồn đầu tư ngoài nhà nước để phát triển giáo dục đại học, GS.VS Đào Trọng Thi cho rằng, mạnh xã hội hóa là chủ trương lớn, quan trọng, không chỉ là phát triển khối các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập để sát cánh cùng các cơ sở giáo dục đại học công lập đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển kinh tế - xã hội mà còn bao gồm cả việc thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để phát triển chính các cơ sở giáo dục đại học công lập. Theo GS.VS Đào Trọng Thi, cần phân biệt rõ các loại cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, phi lợi nhuận, các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư… để áp dụng cơ chế quản lý và chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp, tương xứng. Cần làm rõ hình thức sở hữu cộng đồng đối với khối tài sản chung không chia của cơ sở giáo dục đại học tư thục và vai trò đại diện phần tài sản này trong thành phần hội đồng quản trị.

Cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu, chuyên gia, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình khẳng định, những ý kiến của các đại biểu tại hội nghị hôm nay sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tiếp tục nghiên cứu và tham mưu cho Quốc hội sớm hoàn thiện Luật giáo dục và Luật Giáo dục đại học và có những chính sách phù hợp để nền giáo dục của Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Tin và ảnh: Thu Phương (quochoi.vn)