Chiều 12/6, 22 đại biểu đã đăng đàn trong phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học. Trong đó, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề tự chủ và xếp hạng đại học.
Đối với quy định về xếp hạng đại học, điều 52 Dự thảo Luật nêu, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có nhiệm vụ đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học.
Theo đó, tổ chức này có tư cách pháp nhân, độc lập với cơ sở giáo dục đại học, chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động kiểm định cũng như kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Dự thảo trao quyền quy định điều kiện, thành lập, cho phép hoạt động hoặc giải thể những tổ chức này cho Chính phủ. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn, nguyên tắc hoạt động, cơ cấu tổ chức, trách nhiệm và quyền hạn; cho phép hoặc đình chỉ hoạt động của các tổ chức đó.
Đa số đại biểu tán thành việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam (hay còn gọi là xếp hạng đại học). Tuy nhiên, các ý kiến quan ngại về tính khách quan của hoạt động này khi có sự can thiệp của Chính phủ.
|
Đại biểu Trần Văn Mão. Ảnh:QH |
Đại biểu Trần Văn Mão nêu dẫn chứng, việc xếp hạng các cơ sở đại học trên thế giới không cần thiết phải có có sự công nhận của cơ quan nhà nước, và bày tỏ băn khoăn nếu quy định như Dự thảo Luật sẽ tạo ra sự nghi vấn trong xã hội đối với việc xếp hạng trường. Trong khi, hoạt động này chỉ là một kênh tham khảo để người dân xem xét, quyết định việc học tập của mình.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đặt nghi vấn “nếu giao cho cơ quan nhà nước quy định hoạt động của các tổ chức kiểm định chất lượng này thì có còn khách quan không?”. So sánh với thế giới, bà Mai đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ việc xếp hạng là tự nguyện hay bắt buộc và “có tiêu chí nào trên cả nước không?”.
Phó giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu cũng cho rằng, Chính phủ không nên tham gia trực tiếp vào hoạt động trên bởi sẽ hạn chế tính khách quan và hiệu quả của vấn đề.
"Tự chủ không có nghĩa là để trường tự lo, tự bơi"
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm là tự chủ đại học. Nội dung này được quy định tại điều 32 của Dự thảo. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, công tác sinh viên.
Tuy đa số đại biểu ủng hộ việc cho các cơ sở giáo dục tự chủ song lại lo lắng bởi nếu quy định không chặt chẽ, nhiều trường đại học công lập, nhiều ngành nghề cần cơ chế công sẽ bị ảnh hưởng.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Lan.Ảnh: QH. |
Đại biểu Nguyễn Thị Lan chia sẻ, giáo dục đại học là vấn đề nóng và khó. 6 năm qua, Luật Giáo dục đại học đã tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, hiện Luật đã bộc lộ nhiều hạn chế cần sửa đổi, bổ sung kịp thời để hòa nhập với nền đại học thế giới, "nhưng vẫn phải giữ vững tinh thần Việt Nam".
Theo bà Lan “hồn cốt” của dự thảo vẫn là Luật Giáo dục đại học 2012. Tuy nhiên, nữ đại biểu cho rằng cần quy hoạch lại trường đại học, tránh mở quá nhiều trường ở cùng khu vực, cùng ngành nghề gây lãng phí. Trước khi cấp có thẩm quyền cho thành lập trường mới cần xem xét kỹ về ngành nghề, dự báo nghề nghiệp, không làm ảnh hưởng tới ngành nghề mà trường trong cùng khu vực đã có.
Bà Lan nhấn mạnh “tự chủ không có nghĩa là để các trường đại học tự lo, tự bơi. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ một số ngành như giáo dục, y tế, nông lâm ngư nghiệp…”.
Đại biểu Triệu Thế Hùng khẳng định tự chủ đại học là trọng tâm, cần được giải quyết triệt để và khả thi trong sửa đổi Luật lần này. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung “một điểm cũng rất cần thiết đó là về vấn tự chủ về học thuật”.
Ông Hùng lý giải, giáo dục đại học là một lĩnh vực lao động trí tuệ với hàm lượng chất xám cao, vì thế đòi hỏi rất cao về tư duy khai phóng, sáng tạo của cả thầy và trò. Theo đại biểu, cần hiểu tự chủ học thuật là quyền tự do để theo đuổi chân lý khoa học mà giáo chức đại học trong dạy và học cũng như nghiên cứu để tạo ra tri thức mới đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội.
Mặt khác, đại biểu này cho rằng việc thực hiện quyền tự chủ của các trường đại học trong thực tiễn hiện nay còn bị hạn chế bởi rất nhiều những luật khác, như luật về viên chức, về ngân sách, đất đai, đầu tư công. “Bởi vậy, bài toán về tự chủ giáo dục đại học thì không thể chỉ giải quyết ở trong một đạo luật mà còn được điều chỉnh bởi cả một hệ thống pháp luật liên quan đến giáo dục đại học, rất mong Quốc hội ủng hộ để có một hệ thống pháp luật đồng bộ sao cho tự chủ đại học được thực chất và đi và cuộc sống”, đại biểu Hùng nói.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cho biết hiện nhiều trường tán thành cơ chế tự chủ tài chính, nhưng không ít trường lại lo lắng về việc tăng học phí trong khi còn nhiều sinh viên khó khăn.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét ở kỳ họp cuối năm nay.