Để góp phần triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023 với chủ đề hành động “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, ngày 15 tháng 4 năm 2023, nhóm nghiên cứu mạnh “Bảo quản và chế biến các sản phẩm có nguồn gốc động vật” đã mời được các chuyên gia đến trình bày seminar, chia sẻ kinh nghiệm về đảm bảo an toàn thực phẩm ở quy mô quốc gia, quy mô chuỗi.
Khách mời trình bày seminar gồm có:
Ông Rolf Schoenert, Cố vấn cao cấp về Luật pháp và Chính sách, Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển-SAFEGRO, do Canada tài trợ. Nguyên phó Vụ trưởng, Cơ quan Thanh tra thực phẩm Canada;
Ông Phạm Văn Hùng, PGS.TS, Giảng viên cao cấp Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn. Trưởng nhóm nghiên cứu của VNUA thực hiện dự án SAFE PORK. Dự án nghiên cứu về chuỗi an toàn thịt lợn, có các thành viên: Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI), Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), ĐH Y tế công cộng (HUPH), Viện Chăn nuôi (NIAS), Đại học Sydney;
Nhóm nghiên cứu, truyền thông sản phẩm của công ty Yakult Việt Nam;
Cùng toàn thể thành viên nhóm nghiên cứu mạnh, giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên trong Khoa và một số người học
|
|
Phát biểu khai mạc triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm của nhóm nghiên cứu mạnh |
Tại buổi hội thảo, các thành viên đã được cung cấp thông tin cụ thể, rõ ràng về từng chủ đề.
Ông Rolf Schoenert: Giới thiệu tóm tắt dự án SAFEGRO (The Safe Food for Growth Project), đây là dự án do chính phủ Canada tài trợ Việt Nam được thực hiện 5 năm (2020-2025) với tổng số vốn đầu tư là 15,3 triệu đô la Canada. Mục đích dự án là tập trung tìm giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận các sản phẩm nông nghiệp an toàn với giá cả phải chăng và cạnh tranh của người dân, từ đó giúp cải thiện phúc lợi của người tiêu dùng, cũng như các thành phần khác trong lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam. Dự án được thực hiện bởi công ty Alinea International với sự phối hợp của đại học Guelph, Canada
Dự án tập trung vào 03 hợp phần lớn: (1) Xây dựng chính sách thuận lợi, nâng cao hiệu quả thực thi của các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong những chuỗi giá trị được chọn ở cấp trung ương và địa phương tại Việt Nam, nhằm đạt các tiêu chuẩn quốc tế với kết quả mong muốn là (i) Nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, (ii) Nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm của các cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên rủi ro, (iii) Nâng cao năng lực áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro của các Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm; (2) Nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó có các nông hộ nhỏ, nông dân nghèo và các tác nhân khác tham gia một số chuỗi giá trị được chọn, đặc biệt là phụ nữ tại Việt Nam, nhằm cung ứng nông sản thực phẩm an toàn cho thị trường trong nước và quốc tế với kết quả dự kiến (i) Nâng cao năng lực của các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản thực phẩm, đặc biệt là phụ nữ, nhằm cung cấp các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, bình đẳng giới và bền vững môi trường, (ii) Nâng cao năng lực chuỗi giá trị nông sản thực phẩm đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm, (iii) Nâng cao năng lực của chuỗi giá trị nông sản-thực phẩm để áp dụng các giải pháp sáng tạo, phương pháp tiếp cận, công nghệ và thực hành nông nghiệp thông minh với khí hậu và nhạy cảm giới; (3) Gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng đối với nông sản thực phẩm an toàn với giá cả phải chăng ở Việt Nam với kết quả mong muốn là nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ, về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm và quyền của họ được tiếp cận và sẵn có các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, giá cả phải chăng tại một số tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương ở Việt Nam. Dự án tập trung thực hiện trên 02 thành phố có tỉ lệ dân số cao nhất cả nước là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Ông Rolf Schoenert cũng tiếp tục chia sẻ chủ đề “Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm - Kinh nghiệm của Canada”. Ông đã giới thiệu về bộ máy quản lý ATTP của Canada qua các giai đoạn, chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm của các đơn vị chức năng trong việc xây dựng hệ thống pháp luật về ATTP, một số vụ ngộ độc thực phẩm điển hình dẫn đến việc thay đổi chính sách về ATTP, một số vấn đề tồn tại của hệ thống kiểm soát ATTP của Canada trước đây. Khung chính sách của Canada vẫn liên tục được rà soát, cải tiến theo chu trình PDCA để đáp ứng được yêu cầu các bên liên quan. Công tác phòng ngừa và đánh giá rủi ro được ưu tiên thực hiện. Đây là những kinh nghiệm quý báu giúp phát triển hệ thống quản lý ATTP của Việt Nam.
|
|
Ông Rolf Schoenert giới thiệu dự án SAFEGRO và hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của Canada |
Ngoài chuyên gia quốc tế, nhóm cũng đã mời được chuyên gia thực hiện các dự án liên quan đến chuỗi an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Ông Phạm Văn Hùng với chủ đề: “Đánh giá kiến thức, thái độ và thực hành của tác nhân trong chuỗi giá trị thịt lợn” đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về số liệu điều tra của nhóm nghiên cứu. Việt Nam là một trong những quốc gia có ngành chăn nuôi lợn phát triển, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế về kiến thức, thái độ và thực hành của các tác nhân trong chuỗi giá trị thịt lợn. Nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi: Mặc dù đã có sự cải thiện về chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, nhưng vẫn còn một số sản phẩm chất lượng kém và không đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của đàn lợn. Ngoài ra, một số nhà sản xuất còn thiếu kiến thức về dinh dưỡng và quản lý đàn lợn, dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng và bệnh tật cho đàn lợn. Chủ trang trại: Một số chủ trang trại chưa đủ kiến thức về kỹ thuật nuôi lợn, quản lý đàn lợn và chăm sóc sức khỏe đàn lợn, điều này dẫn đến tình trạng lợn bệnh nhiều, tỷ lệ tử vong cao và chất lượng thịt lợn kém. Thái độ và thực hành của một số chủ trại cũng còn thiếu chuẩn mực, không tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Nhà máy chế biến: Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nhà máy chế biến thịt lợn đạt tiêu chuẩn quốc tế và được chứng nhận, nhưng vẫn còn một số không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Ngoài ra còn tồn tại khoảng cách giữa kiến thức, thái độ và thực hành của người tiêu dùng về an toàn thịt lợn. Người tiêu dùng nhận thức được các vấn đề về an toàn thực phẩm nhưng sự thay đổi trong thực hành còn chậm. Đối với người tiêu dùng, chính phủ (kể cả chính quyền địa phương) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề an toàn trong chuỗi giá trị thực phẩm, do vậy chính quyền địa phương/trung ương nên tham gia can thiệp, đặc biệt tăng cường công tác truyền thông. Tổng thể, cần có sự nâng cao kiến thức, thái độ và thực hành của các tác nhân trong chuỗi giá trị thịt lợn tại Việt Nam, đồng thời cần có sự đầu tư vào công nghệ và hạ tầng để nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
|
|
Ông Phạm Văn Hùng chia sẻ kết quả đánh giá kiến thức, thái độ và thực hành của tác nhân trong chuỗi giá trị thịt lợn của dự án SAFEPORK |
Bà Trần Thị Na với bài trình bày “Hiệu quả của synbiotic LBG-P từ Yakult”. Synbiotic LBG-P của Yakult là sản phẩm mới (2 trong 1), bao gồm sự kết hợp giữa probiotic và prebiotic. Probiotic là các vi sinh vật có lợi cho sức khỏe, được bổ sung vào cơ thể để tăng cường hệ vi sinh vật đường ruột, bao gồm Lacticaseibacillus paracasei Shirota và Bifidobacterium breve Yakult. Prebiotic là các chất dinh dưỡng không thể tiêu hóa bởi cơ thể con người, nhưng lại cung cấp dinh dưỡng cho các vi sinh vật có lợi và giúp chúng sinh trưởng và phát triển. Trong sản phẩm này, prebiotic chính là đường galactooligosaccharides (GOS). Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, khi được sử dụng, synbiotic có tác dụng tăng cường hệ vi sinh vật đường ruột, giúp duy trì sự cân bằng giữa các vi sinh vật có lợi và các vi sinh vật gây hại, hỗ trợ hệ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch. Cách sử dụng sản phẩm cũng được hướng dẫn một cách rõ ràng.
|
|
Bà Trần Thị Na và cộng sự giới thiệu sản phẩm mới Synbiotics LBG – P của Yakult |
Các thành viên tham gia buổi seminar đã rất hứng thú và thảo luận sôi nổi về từng chủ đề, sản phẩm cũng như công nghệ của những nghiên cứu này.
|
|
Hoạt động thảo luận diễn ra sôi nổi |
Đại diện nhóm Nghiên cứu mạnh cảm ơn các diễn giả. Kết quả buổi làm việc đã mang lại nhiều ý tưởng nghiên cứu cho người tham dự. Trên cơ sở này, nhóm tiếp tục đề xuất các định hướng nghiên cứu về chính sách, công nghệ cũng như phương pháp nhằm cải thiện và tăng cường an toàn thực phẩm trong các chuỗi sản xuất, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
|
|
Toàn thể thành viên tham dự seminar chụp ảnh lưu niệm |
Nhóm Nghiên cứu mạnh Bảo quản và Chế biến các sản phẩm có nguồn gốc động vật