Cách đây 77 năm, ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục đăng trên báo Cứu quốc, trong lời kêu gọi đó, Người nhắn nhủ: “Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục”. Không chỉ kêu gọi toàn dân luyện tập, Bác còn gương mẫu thực hiện trước. Đến nay, mỗi lời nói, hành động của Bác đã trở thành kim chỉ nam soi đường chỉ lối cho phong trào thể dục thể thao (TDTT) cả nước.
Ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 38 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục để tăng cường và mở rộng các hoạt động TDTT và trực tiếp chỉ đạo công tác GDTC cho thế hệ trẻ.
Ngành TDTT mới là cơ quan tham mưu của Chính phủ cách mạng do Hồ Chủ tịch đứng đầu. Đây là cơ quan quản lý, điều hành công tác TDTT trong phạm vi cả nước. Ngành TDTT mới là cơ quan đặc trách công tác TDTT vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Điều đó chưa từng có trong lịch sử dân tộc Việt Nam từ trước cách mạng tháng Tám.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT mới. Để nền thể thao mới hình thành và phát triển mang bản chất cách mạng, vì lợi ích của toàn dân và đất nước thì điều cơ bản nhất là có sự định hướng đúng đắn, chỉ ra được mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng. Để đáp ứng điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”. “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Người như ánh dương tỏa chiếu, định hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT của nước Việt Nam mới.
Vào một buổi chiều cuối tháng 3/1946, khi tập thể cán bộ của Nha đang thảo luận công tác, tìm cách phát động phong trào TDTT, Bộ trưởng Bộ Thanh niên kiêm Giám đốc Nha thể dục Trung ương đi vào, hồ hởi thông báo: “Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”. “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” do Bác Hồ tự tay viết với văn phong bình dị, rõ ràng, ai cũng có thể hiểu được. Người viết:
“Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí khuyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe. Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập”.
“Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ với ý tưởng cao đẹp, có ảnh hưởng sâu sắc với tình cảm, tinh thần và hành động của nhân dân và mọi người hăng hái làm theo tiếng gọi của vị lãnh tụ kính yêu. Chỉ hai tháng sau khi “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ đăng trên báo Cứu quốc số 199, ngày 27/3/1946, trong toàn quốc đã dấy lên phong trào Khỏe vì nước sôi nổi. Phong trào Khỏe vì nước thực chất là bước đầu của nền TDTT mới còn non trẻ nhưng đầy sinh lực phát triển.
Với những việc làm như: Ra sắc lệnh thành lập ngành TDTT, viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”, đích thân phát động phong trào Khỏe vì nước phát triển sôi nổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh nền TDTT mới của nước Việt Nam.
Với các tên: Nha Thể thao Trung ương thuộc Bộ Thanh niên rồi đến Nha thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục (1946) và sau này là Ban TDTT Trung ương (1957), đổi thành Ủy ban TDTT (1960), Ủy ban TDTT đã giữ được vị trí TDTT trong xã hội và trong các giai đoạn cách mạng khác nhau. Lãnh đạo các phong trào thể thao trong nước và quốc tế.
Ngày 29/01/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27/3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”.
Trải qua 77 năm xây dựng và trưởng thành, nền TDTT nước nhà đã có những bước tiến đáng kể qua từng chặng đường phát triển. Mỗi chặng đường đi qua được ghi dấu ấn với sự phát triển của phong trào thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, qua đó tạo dựng và lan tỏa hình ảnh con người Việt Nam ra thế giới.
Đặng Đức Hoàn
Trung tâm GDTC&TT
Nguồn ảnh: Sưu tầm